Tám loại cổ vật tuyệt vời nhất thuộc về nước Yên (Thời Chu, ngày nay thuộc phía Hà Bắc và phía nam Liêu Ninh, Trung Quốc), bao gồm: Hoa khảm, khảm nạm sơn kim, đồ men Cảnh thái lam, ngọc bội, chạm khắc ngà voi, sơn khắc, thảm hoàng cung, và thêu thủ công. Tám tuyệt kỹ nghệ thuật thủ công này đã hấp thu hết thảy tinh hoa của nghề thủ công dân gian; đến thời Thanh triều đã lên đến đỉnh cao, cũng dần dần hình thành một trường phái nghệ thuật đặc sắc trong cung đình gọi là “Kinh tác”. Hết thảy đều thiện mỹ, chỉ có thể chiêm ngưỡng, không thể nói lên lời.

Nguồn gốc lịch sử của ngọc bội

Cho đến nay các nhà khảo cổ học luôn tin rằng, đồ vật ngọc bội đã xuất hiện trong khoảng giai đoạn 5.000 năm trước Công Nguyên. Thời kỳ đó ở Trung Quốc đã xuất hiện vòng ngọc hình bán nguyệt, đá ngọc thạch và những đồ dùng bằng ngọc. Đây chính là văn hóa về ngọc lâu đời nhất trong lịch sử loài người.

Tuy nhiên, ngày nay tại Liêu Ninh cách thành phố An Sơn Hải về phía đông nam 45 km đã phát hiện một ngọn núi trơ trọi, chứa đựng những phiến ngọc thạch dùng để làm các đồ dùng khí cụ đã từng được khai quật. Người ta đem nghiên cứu và tính toán ngọc thạch trong ngọn núi này đã được khai quật cách đây hơn 12.000 năm, đây quả là chữ số thiên văn. Điều này cho thấy rằng ngọc thạch được xuất hiện sớm nhất trên vùng đất Trung Quốc, dần dần qua đánh chế mài dũa để tạo nên những khí cụ bằng ngọc. Người ta đã phát hiện ra những đặc điểm của ngọc thạch, nó có màu sắc đẹp mắt cùng chất lượng bền chắc, dần dần trở thành một loại vật liệu đặc biệt để tạo ra những khí cụ đặc định.

Chạm khắc ngọc bội là một kỹ thuật độc đáo của Trung Hoa, có lịch sử phát triển lâu đời, trải qua nhiều thời đại khác nhau, có những đặc điểm, hình dạng khác nhau qua từng thời kỳ.

(Ảnh: art.ifeng)

Các trường phái chạm khắc ngọc

Công nghệ chạm khắc ngọc bội của Trung Quốc đương đại, được phân ra làm hai phái nam bắc: bắc phái có đại biểu là Bắc Kinh, bao gồm các tỉnh phía Bắc như Liêu Ninh, Thiên Tân, Hà Bắc, Hà Nam, Tân Cương…; nam phái được chia dọc theo sông Trường Giang, những đại biểu gồm có Thượng Hải, Tô Châu, Dương Châu, ngoài ra còn có Quảng Đông và Phúc Kiến. Đặc biệt là Thượng Hải đã từng lấy công nghệ chạm khắc ngọc bội làm thế mạnh chủ chốt.

Các chủng loại ngọc

Hầu hết các loại ngọc được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày là thuộc về nhuyễn ngọc (nephrite). Nhuyễn ngọc có rất nhiều loại, những chế phẩm từ Tân Cương thường dùng như dương chi bạch ngọc, bạch ngọc, ngọc vàng, ngọc tím, ngọc đen, ngọc thạch anh, thanh ngọc, hồng ngọc, ngọc trong hang động phía Đông Bắc v.v. Đặc biệt là dương chỉ bạch ngọc có tính chất nhẵn nhụi, sáng bóng, trắng noãn như mỡ dê, được gọi là vua của nhuyễn ngọc hay “bạch ngọc chi quan”. Ngoài ra còn có các loại ngọc như Nam Dương ngọc, lam điền ngọc, hòa điền ngọc, mã não, thủy tinh, san hô, lục tùng thạch, thanh kim thạch v.v. đều thuộc về nhuyễn ngọc. 

Quá trình chạm khắc ngọc

Chạm khắc ngọc bội chủ yếu bao gồm các bước sau: chọn vật liệu, róc lớp ngoài, thiết kế, chạm khắc thô, chạm khắc chi tiết, sửa chữa và đánh bóng.

1. Lựa chọn vật liệu, róc lớp ngoài cùng

Trong hầu hết các trường hợp, người thợ thủ công sẽ căn cứ theo hình dáng của khối ngọc nguyên bản ban đầu mà thiết kế, gọi là “nhân tài thi nghệ“. Nhưng khối ngọc nguyên bản ban đầu thường có một lớp oxit trên bề mặt, ngoài ra còn có các vết nứt hay những đường vân, nên cũng cần xem xét lựa chọn để có được phương án tốt nhất. Dĩ nhiên, ngọc thạch cũng có một lớp vỏ quý, nên không thể tùy ý lột bỏ; màu sắc bên ngoài của nó cũng có thể rất đẹp; nên việc loại bỏ lớp ngoài cùng cũng cần phải được tiến hành theo các cách khác nhau, đảm bảo tận dụng được mọi ưu thế có sẵn của khối ngọc.

2. Thiết kế

Các nhà thiết kế thường thường dựa vào màu sắc của khối ngọc, mức độ của kết cấu các rãnh trên khối ngọc, đường vân và hình dáng để chạm khắc đối tượng, chọn lựa đề tài thích hợp theo đặc điểm của khối ngọc. Cần chú ý nhất là việc tận dụng tối đa khối ngọc vì đây là một vật liệu rất quý giá, sao cho vừa có thể sử dụng được màu sắc tốt nhất vừa loại bỏ được những vết nứt trên khối ngọc.

3. Chạm khắc thô

Món đồ bằng ngọc có tốt hay không quan trọng là bước chạm khắc thô, đây được gọi là tạo phôi cho sản phẩm chính. Dựa theo thiết kế yêu cầu mà chạm khắc khối ngọc theo một hình dáng cơ bản. Đây là bước cơ sở cho sự thành công của toàn bộ quá trình chạm khắc ngọc, một khi khối ngọc đã được chạm khắc mài giũa xong, rất khó có thể quay lại bước đầu, có thể nói là như “gương vỡ khó lành”.

4. Chạm khắc chi tiết và sửa chữa

Chạm khắc chi tiết gồm sự mài giũa một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Sau khi khối ngọc được trải qua công đoạn chạm khắc thô, những đường rãnh được đánh dấu trên khối ngọc sẽ được chạm khắc tinh để hoàn thành món đồ bằng ngọc. Mục đích của chạm khắc chi tiết là để tiếp tục đưa hình dáng của khối ngọc tiến một bước tinh tế trong việc định hình, thể hiện chính xác và tinh tế người, vật, non nước, chim muông, thú vật.

5. Đánh bóng

Đánh bóng sản phẩm ngọc cũng là một bước vô cùng quan trọng, không thể bị thay thể trong quá trình chạm khắc ngọc. Bất kể là người có tay nghề cao đến đâu, khi chạm khắc cũng không thể khiến khối ngọc từ đầu đến cuối đều không có chút sần sùi, chỉ có việc đánh bóng mới khiến cho khối ngọc thể hiện ra sự long lanh trong suốt xinh đẹp, mới có thể khiến cho sản phẩm từ ngọc có khí chất cao quý, có thể thể hiện ra giá trị đích thực của vật liệu cao cấp này.

6. Chỉnh sửa lại, khắc chữ và ký tên

Việc chỉnh sửa lại trong bước cuối cùng tưởng rằng không cần thiết, nhưng đôi khi nó lại phát hiện được một số khiếm khuyết trong quá trình thiết kế, cần được đánh bóng hay tu bổ lại. Ngoài ra, người sáng tạo thiết kế cần khắc chữ ký tên mình lên tác phẩm sau khi hoàn thành.

Chạm khắc ngọc bội cung đình

Trong triều nhà Thanh, một số lượng lớn các bậc thầy thủ công chạm khắc ngọc từ Nam phái đến Bắc Kinh, hình thành một sự kết hợp giữa hai phái, khiến cho việc chế tạo các sản phẩm từ ngọc thạch trở nên xinh đẹp, mỹ lệ đến không tưởng. Bất luận là từ quy trình chế tạo, hình dáng sản phẩm hay ý tưởng thiết kế, việc kết hợp này đều thể hiện ra một phong cách và văn hóa hoàng gia độc đáo.

Họ hấp thu tinh hoa nghề thủ công dân gian từ nhiều vùng khác nhau, tạo nên mới đỉnh cao mới trong nghề thủ công Trung Hoa truyền thống, cũng dần dần hình thành nghệ thuật đặc sắc trong cung đình.

Công nghệ chạm khắc ngọc bội ở Bắc Kinh trên thực tế chính là công nghệ của cung đình, khởi đầu từ Tây An sau đó dời đến Bắc Kinh. Công nghệ này đến đời Minh rất cường thịnh, lấy chủ đề trong cung đình làm chủ, sang trọng hoa lệ, trong sự giản lược lộ ra vẻ chững chạc, trong sự hùng hậu thể hiện ra khí phách hoàng tộc, trong thần thái toát ra truyền thống quốc học tương hỗ kế thừa.

Có câu nói “Ngọc bất trác, bất thành khí” (Ngọc không được mài giũa, không thành được khí cụ), những hình dáng độc đáo, phong cách tinh tế, đó là tất cả về ngọc bội sau khi trải qua nhiều quá trình chế tác. Các bậc thầy chạm khắc ngọc trong quá khứ đều được truyền thừa câu nói trên và coi chúng như một đạo lý. Điều này cho ta thấy lịch sử lâu đời của ngành thủ công này ở Trung Hoa, vang danh thế giới, lưu giữ văn hóa ngọc bội trường tồn.

Dưới đây là một vài tác phẩm chạm khắc bạch ngọc, đạt đến độ tuyệt tác tuyệt mỹ, mời quý độc giả cùng chiêm ngưỡng:

Theo sohu.com
Ảnh trong bài: sohu.com

Uyển Vân biên dịch