BỘ TRÀ SỨ KÝ KIỂU VẼ TÍCH GIA LONG TẨU QUỐC - HIỆU ĐỀ TRÂN NGỌC (珍玉) - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

BỘ TRÀ SỨ KÝ KIỂU VẼ TÍCH GIA LONG TẨU QUỐC - HIỆU ĐỀ TRÂN NGỌC (珍玉) - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

BỘ TRÀ SỨ KÝ KIỂU VẼ TÍCH GIA LONG TẨU QUỐC - HIỆU ĐỀ TRÂN NGỌC (珍玉) - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

BỘ TRÀ SỨ KÝ KIỂU VẼ TÍCH GIA LONG TẨU QUỐC - HIỆU ĐỀ TRÂN NGỌC (珍玉) - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

BỘ TRÀ SỨ KÝ KIỂU VẼ TÍCH GIA LONG TẨU QUỐC - HIỆU ĐỀ TRÂN NGỌC (珍玉) - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU
BỘ TRÀ SỨ KÝ KIỂU VẼ TÍCH GIA LONG TẨU QUỐC - HIỆU ĐỀ TRÂN NGỌC (珍玉) - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU
Scroll top

bàn tròn thưởng ngoạn

Liên kết

Tỉ giá

Tỷ giá ngoại tệ Vietcombank ngày :


Thành phố Loại vàng Giá bán Giá mua
Chi tiết sản phẩm

BỘ TRÀ SỨ KÝ KIỂU VẼ TÍCH GIA LONG TẨU QUỐC - HIỆU ĐỀ TRÂN NGỌC (珍玉)

Danh mục: Vietnam Custom-Made Porcelains - Đồ sứ ký kiểu - 越南文物 - 寄矫陶瓷器

TẢN MẠN VỀ BỘ TRÀ SỨ KÝ KIỂU GIA LONG TẨU QUỐC

Bài viết của Nhã Thức

Trong lịch sử nước ta, có một số danh nhân mãi mãi là một ẩn số cho hậu thế. Những ca ngợi và chê bay của người đời dường như không thỏa đáng cho công và tội của họ. Mỗi thời kỳ, mỗi quan điểm, mỗi lập trường…lại nhận thấy ở họ những góc độ khác nhau, nhưng phần lớn là để phục vụ cho mục đích của người nhận định, làm cho việc tìm hiểu về hành trạng của họ càng khó khăn hơn bởi lớp bụi thời gian, lòng đố kỵ, thù hằn …và cả ngu dốt. Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu một trong một số nhân vật lịch sử ấy qua bộ chén trà sứ ký kiểu, gọi là kể câu chuyện xưa bên chén trà cuối năm.

Sau khi Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, ngày 15 tháng 3 năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, nối lại đại thống nước ta, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đặt niên hiệu Thuận Thiên, mở ra triều Hậu Lê. Sự phấn chấn của nhân dân sau khi thoát khỏi 20 năm thuộc Minh cùng với việc vận dụng tư tưởng Nho giáo trong xây dựng và vận hành thiết chế, nhà Hậu Lê cường thịnh ở các triều Thái Tổ, Thái Tông và đặc biệt là Thánh Tông với “Hồng Đức thịnh thế”. Tuy nhiên, tư tưởng Nho giáo không thể đáp ứng đầy đủ tâm tư của người Việt, sự rạng nứt từ cung đình lan ra đến dân gian…Sau một trăm năm, đến tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung tiếm vị Cung Hoàng lập nên triều Mạc. Một số trọng thần nhà Lê và nhân dân vẫn nhớ ơn đại định của Thái Tổ, tìm hậu duệ nhà Lê để trung hưng, mở ra cục diện Nam – Bắc triều. Năm 1545, Thái sư – Hưng Quốc Công – người quyết tâm khôi phục nhà Lê từ trần, con rể là Đại tướng quân – Dực Quận Công – Trịnh Kiểm nắm quyền bính. Năm 1558, Đoan Quận Công – Nguyễn Hoàng (con trai thứ của Nguyễn Kim) vào trấn thủ Thuận Hóa, tạo nền móng mở ra một dãy phương Nam trù phú, hùng mạnh. Thiết chế Nam hà – Chúa Nguyễn thiết lập từ đó và truyền qua chín đời. Năm 1765, chúa thứ 8 của Nam hà – Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát băng. Quyền thần Trương Phúc Loan tiếm quyền, Nam hà bước vào thời kỳ rối loạn, Trương Phúc Loan lộng quyền phế lập. Sát hại Thái tử Nguyễn Phúc Luân, lập con nhỏ của Vũ vương là Nguyễn Phúc Thuần, cho tiện bề khống chế. Phong trào Tây Sơn lấy cớ ủng hộ một người người cháu nội của Vũ Vương là Nguyễn Phúc Dương nỗi dậy. Nam hà chìm trong hỗn loạn. Tháng 9 năm 1774, quân Trịnh liên kết Tây Sơn, đưa đại binh vào đánh chiếm, Nam hà tan hoang, xơ xác. Định Vương – Nguyễn Phúc Thuần cùng cháu là Nguyễn Phúc Ánh vượt biển bôn tẩu vào Nam với sự truy sát không ngừng của quân Trịnh và Tây Sơn. Năm 1777, Định Vương Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Phúc Dương cùng các vương thất chúa Nguyễn bị Tây Sơn bắt, nam bị giết bêu đầu, nữ bị hãm hiếp rồi giết chết tại Gia Định, ngoại trừ Nguyễn Phúc Ánh được thoát. Như vậy, Nguyễn Phúc Ánh là hòn máu duy nhất của chúa Nguyễn ở Nam hà còn sót lại.

Nguyễn Phúc Ánh sinh năm 1762, là con thứ 3 của Thái tử Nguyễn Phúc Luân. Khi lên 4 tuổi, quyền thần Trương Phúc Loan bắt giam cha Ngài tống ngục bỏ đói đến chết. Khi Ngài lên 9 tuổi, quân Trịnh và Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân, lên đường bôn tẩu. Khi Ngài 16 tuổi, tất cả vương thất chúa Nguyễn bị Tây Sơn tàn sát. Khi 17 tuổi, Ngài được quân lính và nhân dân vùng Gia Định tôn là Đại Nguyên Soái Nhiếp Quốc Chính. Tháng 1 năm 1780, khi 19 tuổi, Ngài xưng vương tại thành Gia Định. Tháng 2 năm 1782, Nguyễn Huệ cùng vua anh Thái Đức mang binh thủy bộ nam tiến. Gia Định thất thủ. Ngài chạy sang Chân Lạp. Tây Sơn không ngừng truy sát Ngài chạy khắp Nam Bộ và Chân Lạp. Quân Chân Lạp trở mặt, bắt tay với Tây Sơn bán đứng Ngài. Ngài thoát được, chạy về Nam bộ rồi vượt biển ra đảo Thổ Chu, đảo Phú Quốc…. Trong cả dãy đất nước, biển cả phương Nam này không nơi nào không có dấu chân bôn tẩu của Ngài. Đầu năm 1785, quân Tây Sơn truy kích tận đảo Thổ Chu, Ngài phải chạy qua Xiêm La. Thế cùng, Ngài cầu viện Xiêm La, mang quân về chiến lại Nam Bộ. Quân Xiêm khi vào nước ta cướp boc vô cùng dã man. Ngài rất đau lòng. Vua Thái Đức sai Long Nhương tướng quân – Nguyễn Huệ đánh tan quân Xiêm lẫy lừng tại trận Rạch Gầm – Xoài Mút. Ngài tiếp tục bôn tẩu qua Xiêm. Ở Xiêm La, Ngài giúp họ đánh bọn hải tặc…nên được hậu đãi. Sau ba năm, thấy thế lực Ngài ngày càng mạnh. Họ sinh ngờ vực, Ngài lại lên đường quay về lại Nam bộ. Nhân lúc vua Quang Trung đối phó với quân Thanh ở Bắc Hà, năm 1788, Ngài chiếm lại Gia Định và cả Nam bộ. Năm 1789, đoàn cầu viện nước Pháp của Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh và Bá Đa Lộc về đến Gia Định với một số vũ khí mà Bá Đa Lộc đã tự thân vận động một số nhà tư sản Pháp ủng hộ. Trong những ngày bôn tẩu, lưu vong, Ngài đã nếm trải qua mọi khó khăn, gian khổ, thoát chết trong làn tên, mũi đạn…May mắn thay! Cộng đồng các dân tộc ở Nam bộ vẫn còn nặng lòng với chúa Nguyễn và kinh hãi trước sự tàn bạo của một bộ phận không nhỏ quân Tây Sơn nên luôn che chở, đùm bọc Ngài trong lúc gian nguy. Cũng từ đó mà, trong lòng Ngài luôn dành một thiện cảm cho đất phương Nam này.

Từ đó, Ngài ra sức xây dựng và ổn định Gia Định và Nam bộ, kinh tế - xã hội nhanh chống phục hồi và phát triển. Ngài rất quan tâm đến việc mở mang thủy – hải quân và phát triển kinh tế nông nghiệp – thương nghiệp. Với những chính sách đúng đắn, cùng sự trưởng thành của những nhân tài phò trợ Ngài…Nam bộ trở nên vững mạnh, đủ sức để thực hiện khát vọng của Ngài là thống nhất đất nước nối lập nền đại thống sau mấy trăm năm. Sau cái chết của vua Quang Trung, phong trào Tây Sơn đi vào thoái trào, bộc lộ những tử huyệt không gì cứu vãng được. Sau 28 năm bôn tẩu, lưu vong, chiến đấu…năm 1802, Ngài dẹp tan các lực lượng chống đối cuối cùng của Tây Sơn, Ngài chính thức đăng cơ, định đô tại Phú Xuân, lấy niên hiệu Gia Long, quốc hiệu Nam Việt (đến năm 1804 chính thức đổi thành Việt Nam, sau những đàm phán phức tạp với Đại Thanh). Sau 18 năm trị vì, Ngài băng hà năm 1820, có miếu hiệu là Thế tổ Cao hoàng đế.

Như vậy trong lịch đại đế vương nước ta, từ thời Kinh Vương thỉ tổ đến thời đó không có vị nào gian truân bôn tẩu như Ngài cũng như sau đại định được trị vì lâu như Ngài; từ Tiên Hoàng đế triều Đinh không vị đế vương nào cai quản một giang sơn to lớn bằng Ngài. Bằng một ý chí kiên định, một quyết tâm không gì lay chuyển nổi, một mối thù bất cộng đái thiên, một tinh thần chiến đấu và học hỏi không mệt mỏi…và một may mắn đến ngạc nhiên, Ngài đã vượt qua tất cả mà nguyên vẹn, an toàn lên ngôi Hoàng đế. Nếu không có một người chú như Định Vương – Nguyễn Phúc Thuần, những tướng sĩ, quan lại trung thần dưới trướng như: Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Tồn, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Võ Tánh…, một người mẹ như Hiếu Khang Hoàng Thái Hậu, những người vợ như Tống Phúc Hoàng Hậu, Trần Thị Hoàng Phi, những người con như Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh, Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm và hơn hết là tất cả cộng đồng các dân tộc ở phương Nam này hết lòng đùm bọc, chở che, đóng góp sức người, sức của thì mạng sống của Ngài còn khó giữ chứ bàn chi đến công đại định. Chỉ một sơ xuất nhỏ, một cơn sốt rét, một hàm cá mập, một cú táp cá sấu…đã kết thúc mạng sống và sự nghiệp của Ngài từ thời là một cậu bé 9 tuổi trôi dạt giữa biển cả, giữa các thế lực và giữa lòng nham hiểm của con người. Nếu nói theo tâm linh thì Ngài là một người có phúc rất lớn, được thần – nhân phò trợ nên mới được như vậy. Từ đó sự việc, bôn tẩu để khôi phục sự nghiệp chúa Nguyễn và thống nhất sơn hà Nam Việt là một huyền thoại. Huyền thoại cho cả người trong cuộc lẫn dân gian đã tạo thành một điển tích rất Việt Nam là “Gia Long tẩu quốc”, có nghĩa là Gia Long chạy tìm đường phục quốc. Điển tích này đi vào thi văn, tuồng tích đặc biệt trên đồ sứ ký kiểu. 

Ở loại hình đồ trà sứ ký kiểu hiệu đề 珍玉 – Trân Ngoạn, chúng tôi sưu tập được, có họa tiết tả cảnh một người vác dù/ lọng đứng bên bờ sông và một người đang chống đò từ một “cù lao” nhỏ sang để đón, trên cù lao có một ngôi nhà bên cội liễu.. Ngụ ý Ngài đang chạy nạn, cùng đường đến bờ sông thì được người chèo đò ứng cứu. Với hai câu thơ:

平橋人唤渡

撑出小舟來

Âm cổ:

Bình kiều nhân hoán độ

Sanh xuất tiểu chu lai

Nghĩa là:

Cầu chùi người kêu cứu,

Chống vội xuồng tới ngay.

(Tôi xin mạn phép dịch hai câu thơ này theo đúng phương ngữ Nam bộ hay là tiếng nói miền Nam – như Học giả Vương Hồng Sển đã gọi trước đây).

  • Bình kiều là cầu chùi, một biến âm từ “cầu chồi” (như người miền Tây Nam bộ nói “tôi” là “tui”, “côi cút” là “cui cút”…) là cầu nhô ra khỏi bờ sông để thuyền dễ dàng cập bến  vì bến/ bờ sông ở miền Nam nhiều phù sa bồi đắp nếu không có cầu này thì thuyền khó thể đón người được. Thường cầu chùi do những nhà khá giả làm trước nhà phục vụ cho việc đi lại của gia đình và làng xóm, do miền Tây thời xưa phát triển giao thông đường thủy hơn và cũng có thể ở cuối một con đường.
  • Xuồng là chiếc thuyền nhỏ.

Hai câu thơ đọc qua thấy nhẹ nhàng nhưng chứa nhiều ý nghĩa sâu xa. Người chạy đến cầu chùi là đường cùng chỉ qua sông mới thoát. Đến bờ sông kêu cứu được người chống xuồng đến đón. Người chống xuồng từ một đảo (cù lao) nhỏ, trên có cây liễu và mái nhà. Cây liễu ám chỉ người ẩn dật, bậc trí sĩ; mái nhà biểu thị sự che chở mà cũng là chốn miếu đường. Bôn tẩu vào Nam, Ngài như người cùng đường, gia quyến bị sát hại, chạy khắp nơi, người dân miền Nam che chở, cưu mang Ngài. Khi sống với họ, Ngài cảm nhận những nét đẹp trung – nghĩa từ những con người bình thường, chân chất ấy. Họ đã kề vai, sát cánh cùng Ngài dựng nên đại nghiệp, nối lại đại thống. Những con người ấy khác chi ẩn sĩ, có thua chi lương đống chốn miếu đường! Làm sao có bia công thần nào lớn đủ để tạc hết tên những con người rất thực mà vô danh ấy. Ngài và các hậu duệ của Ngài vẫn hoài niệm về phương Nam. Khi về sống tại triều ca, nỗi nhớ phương Nam cũng như những ân nhân trong những ngày bôn tẩu, các Ngài đã cho làm đồ sứ có hình ảnh xưa. Người ta thường cho rằng đó là vua Gia Long và các vua sau muốn nhắc đến “thánh đức thần công” phục nghiệp của Ngài. Nhưng theo thiển ý của người viết bài này, đó là những tượng đài sống động để Ngài tri ân những con người, những tấm lòng đã tiếp giúp Ngài trong buổi quốc phá, gia vong. Họ đã đứng về phía Ngài khi Ngài không còn gì cả (qua hình ảnh chiếc lọng/ dù/ ô đã xập xuống). Họ đã tha thứ cho Ngài khi Ngài phạm phải sai lầm là mượn quân Xiêm vì hơn ai hết, họ và Ngài hiểu nhau, sống thật cùng nhau, họ biết Ngài không cố tình, khi họ khổ thì Ngài cũng đau. Hình ảnh mặt nước phẳng lặng, nói lên sự đồng cảm của thiên nhiên hay chính của trăm họ trời Nam đối với Ngài. Ngài ngầm nhắc với hậu duệ tình cảm tốt đẹp đó, món nợ ân tình lẫn xương máu mà Ngài đã mang về từ phương Nam ấy. Trước đây có người nói, hai câu thơ trên bộ trà mai – hạc là của Ngài.

“Nghêu ngao vui thú yên hà,

Mai là Bạn cũ, hạc là Người quen”

Nhiều người phản đối nhưng tôi tin phần tâm tư của câu thơ đó chính của Ngài.

Ngày nay, có nhiều ý kiến về công và tội của Ngài và mãi mãi về sau này cũng thế! Nhưng khi hôm đọc được tư liệu viết về Ngài tự mình mang quân ra cắm cờ, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa trên biển Đông dù người đương thời hiện đại, tân tiến không hiểu nổi thâm ý trong hành động đó của Ngài. Và đến nay, Ngài là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của những nước tranh chấp trên biển Đông đặt chân đến Hoàng Sa – Trường Sa thực thi chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Khi đi về miền Tây Nam Bộ, đâu đó có cồn Long Ẩn, huyện Long Hồ, xã Phong Điền, dòng suối Tranh…Khi mà âu Rạch Chanh đi vào vận hành nối đường thủy Sài Gòn với miền Tây thuận tiện hơn 50 km. Đây cũng chính con rạnh xưa, người dân đã giúp Ngài rút nhanh về tứ giác Long Xuyên khi quân Tây Sơn tấn công như vũ bão. Pha một tuần trà bằng bộ chén trà này, nhìn khói nước bay qua ánh ráng chiều cuối đông xuyên qua song cửa mà lòng miên man về một chiều xa xôi, lá cờ đất vàng, trời đỏ, biển xanh của nước Việt Nam đang phất phới trên đảo xa, in hình trên nền biển thẩm, trời xanh, dưới bóng cờ là hình ảnh vị vua già tay vịn đốc kiếm vàng, tay vuốt chòm điểm bạc nhìn về lá cờ đế quốc và biển Đông mênh mông, khẽ nở một nụ cười mãn nguyện cùng biển trời và muôn đời hậu thế. Tiếng trống trẻ chơi trò múa lân mừng xuân mới, ta chợt quay về thực tại, hớp một ngụm trà, hương thật thơm mà vị sao dường như mằn mặn! 

Về đề tài Gia Long tầu quốc, trên đồ sứ ký kiểu còn có một hình thức trang trí và thơ khác là cảnh vật gần giống như trên nhưng người kêu cứu đã lên thuyền với hai câu thơ như sau:

漁家護皇家

陰星遇帝星

Âm cổ:

Ngư gia hộ hoàng gia

Âm tinh ngộ Đế tinh

Nghĩa:

Ông chài giúp ông vua

Sao Âm gặp sao Đế

Về hình ảnh, người kêu cứu đã lên thuyền xuôi dòng về đông và bờ có cội liễu không có ngôi miếu đình mà lại ở bờ đối diện. Nên nếu chúng ta xem hai đĩa cùng lúc sẽ phát hiện ông chài sẽ cùng ông vua đi một đoạn dài nữa trên dòng sông. Điều này phù hợp với thực tế, Ngài đã rong ruổi ở miền Nam hơn nửa đời chứ không phải ít hay nói cách khác người miền Nam đã bên Ngài gần ba mươi năm để Ngài phục dựng cơ đồ.

Về hai câu thơ, hai câu thơ này có phần khác hai câu thơ trước, chúng là một cặp câu đối hoàn chỉnh, từ ngữ có chau chuốt hơn và đặc biệt có kiến thức về khoa tử vi.

Chúng ta tìm hiểu sơ lược về sao Âm và sao Đế:

Sao Âm tức sao Thái Âm:

Phương Vị: Bắc Đẩu

Tinh Tính: Âm

Hành: Thủy

Loại: Phúc Tinh, Phú Tinh

Đặc Tính: Điền trạch, tiền bạc, đôi mắt, mẹ, vợ

Tên gọi tắt thường gặp: Nguyệt Một trong 14 Chính Tinh. Sao thứ 2 trong 8 sao thuộc chòm sao Thiên Phủ theo thứ tự: Thiên Phủ, Thái Âm, Tham Lang, Cự Môn, Thiên Tướng, Thiên Lương, Thất Sát, Phá Quân.

Vị Trí Ở Các Cung Miếu địa: Cung Dậu, Tuất, Hợi.

Vượng địa: Cung Thân, Tý.

Đắc địa: Cung Sửu, Mùi.

Hãm địa: Cung Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ.

Ý Nghĩa Thái Âm Ở Cung Mệnh

Tướng Mạo Cung Mệnh có Thái Âm miếu, vượng hay đắc địa thì thân hình to lớn, cao, da trắng, mặt tròn, mắt sáng. Còn Thái Âm hãm địa thì thân hình nhỏ, hơi cao, mặt dài, mắt kém.

Tính Tình Thái Âm ở các cung miếu địa, vượng địa, đắc địa là người thông minh, hòa nhã, từ tâm, thích văn chương, mỹ thuật. Thái Âm ở cung hãm địa là người có tính ương ngạnh, từ thiện, không tham danh lợi.

Sao Đế tức sao Tử Vi:

Phương Vị: Cả Nam lẫn Bắc Đẩu

Tinh Tính: Dương

Hành: Thổ

Loại: Đế Tinh

Đặc Tính: Quyền Uy, Phúc Đức, Tài Lộc Tên gọi tắt thường gặp: Tử Tử Vi là sao chủ của chòm sao Tử Vi gồm có sáu sao: Tử Vi, Liêm Trinh, Thiên Đồng, Vũ Khúc, Thái Dương, Thiên Cơ. Sao Tử Vi là một trong 14 chính tinh và còn là sao chính trong khoa tử vi nên còn gọi là đế tinh (sao vua) và được an đầu tiên trong lá số tử vi. Hai chòm sao Tử Vi và Thiên Phủ hợp lại để tạo thành 14 chính tinh (sao chính) trong lá số tử vi. Trường hợp một cung trên lá số không có chính tinh thì được gọi là cung Vô Chính Diệu tức là cung này không có sao chính tọa thủ.

Vị Trí Ở Các Cung Miếu địa (tốt nhất) ở các cung: Tỵ, Ngọ, Dần, Thân.

Vượng địa (tốt) ở các cung Thìn, Tuất.

Đắc địa (tốt vừa) ở các cung Sửu, Mùi.

Bình hòa (bình thường) ở các cung Hợi, Tý, Mão, Dậu.

Ý Nghĩa Tử Vi Ở Cung Mệnh

Tướng Mạo Cung Mệnh có Tử Vi miếu, vượng hay đắc địa thì thân hình cao lớn, hồng hào. Còn Tử Vi bình hòa thì thân hình vừa phải.

Tính Tình Miếu địa: Thông minh, trung hậu, nghiêm cẩn, uy nghi, sáng tạo, lãnh đạo. Vượng địa: Thông minh, đa mưu túc trí, bất nghĩa, có oai phong. Đắc địa: Thông minh, thao lược, can đảm, liều lĩnh. Bình hòa: Kém thông minh, nhân hậu.

Qua đó, chúng ta thấy:

  • Tử vi là sao không có hãm địa, là đế tinh của 14 ngôi sao chủ (chính tinh). Biểu hiện cuộc đời của Thế Tổ không có chỗ “hãm địa” đối với Ngài dù cho hoàn cảnh nào Ngài luôn được bình an. Lịch sử về Ngài đã chứng minh đều đó.
  • Thái âm là ngôi sao lớn trong 14 ngôi sao chủ (chính tinh) dầu cho ở miếu địa, vượng địa, đắc địa hay hãm địa thì vẫn từ tâm, từ thiện ví như người dân phương Nam hào sảng, nghĩa khí luôn che chở, cưu mang Thế Tổ lúc nguy nan.
  • Một điều thú vị là hãm địa của Thái âm cũng phần lớn là chỗ nguy nan của Thế Tổ trong thời kỳ tẩu quốc như những năm: Giáp Ngọ (1774), đại quân Trịnh và Tây Sơn tấn công Phú Xuân, Ngài lên đường bôn tẩu; Quý Mẹo (1783), Tây Sơn chiếm Gia Định và truy sát Ngài; Giáp Thìn (1784) vương tử Cảnh cùng Giám mục Bá Đa Lộc lên đường cầu viện Pháp. Nguyễn Vương mượn quân Xiêm La đánh Gia Định bị Tây Sơn – Long Nhương Tướng Quân – Nguyễn Huệ đánh đại bại…Như vậy, vận mệnh của Thế Tổ nổi trôi theo vận mệnh của Thái Âm hay người dân vậy.

Từ những tìm hiều trên chúng tôi nhận thấy, bộ trà sứ ký kiểu đề tài Gia Long tẩu quốc với hai câu thơ: Ngư gia hộ hoàng gia/ Âm tinh ngộ Đế tinh rất có khả năng chỉ xuất hiện bắt đầu từ thời Thiệu Trị về sau. Vì men cốt, họa pháp kém hơn bộ Bình kiều nhân hoán độ/ Sanh xuất tiểu chu lai và đặc biệt là có yếu tố dịch học, tử vi trong đó rất sâu sắc mà vua Thiệu Trị là vị vua tinh thông và yêu thích dịch học và tử vi nhất trong các vua Triều Nguyễn.

(Vua Thiệu Trị có ngự chế hai bài thơ “Vũ trung sơn thủy” (Non nước trong mưa) và “Phước Viên Văn hội lương dạ mạn ngâm” (Đêm thơ ở Phước Viên) được khảm xà cừ treo tại điện Long An – nay là Bảo tang Mỹ thuật Cung đình Huế. Hai bài thơ này nhìn vào như một “trận đồ bát quái”. Dựa vào bài thơ bát quái có 56 chữ Hán đó, có thể đọc xuôi, ngược, đọc từ nhiều hướng khác nhau để ra được những bài thơ mới. Chỉ riêng với bài thơ “Vũ trung sơn thủy”, các nhà ngôn ngữ, học giả đã tìm được tổng cộng 128 đến 256 bài thơ mới từ một bài gốc.).

Thay lời kết

Qua những tìm hiểu trên, bên cạnh thú vui cổ ngoạn, đặc biệt là loại hình đồ trà sứ ký kiểu Hoàng triều Nguyễn, chúng ta phần nào còn biết được:

  • Bộ trà sứ ký kiểu điển tích "Gia Long tẩu quốc" được làm trên tinh thần tri ân nhân dân miền Nam đã chở che, cưu mang, phò tá Thế tổ Cao hoàng đế trong những ngày bôn tẩu chứ không phải để ca ngợi chiến công của Ngài như xưa nay nhiều người nhầm tưởng.
  • Các hoàng đế thời quân chủ nghĩ như thế nào về nhân dân và cách cảm niệm của các Ngài về đại ân nhân - nhân dân của mình. Nó không phải là tượng đài to lớn mà là một bộ trà với những hình vẽ và câu thơ được ngự chế từ những gì đời thường chân thực nhất đến trừu tượng hàn lâm nhất nhưng tất cả tựu chung ở một tấm chân tình. 

Những tìm hiểu trên của chúng tôi mang tính chủ quan của cá nhân mình, nhân dịp xuân về vui bàn chuyện cũ nên không tránh khỏi những võ đoán, sai lầm. Ngưỡng mong được Quý cao minh vui lòng bổ khuyết thì cảm niệm muôn phần vậy! 

COPYRIGHT BY ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU
Facebook chat