Thành phố | Loại vàng | Giá bán | Giá mua |
TẢN MẠN VỀ VIÊN ĐÁ KHỔNG TƯỚC
Bài viết của Nhã Thức
Đá khổng tước hay còn có tên gọi đá lông công, tiếng Anh và tiếng Pháp là Malachite từ tiếng Latin là molochītis có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là Μολοχίτης λίθος molochitis lithos có nghĩa là đá xanh cẩm quỳ. Cẩm quỳ là loại cây mọc phổ biến và được dùng làm thực phẩm trong thời chiến ở Do Thái. Có tên gọi như thế, vì nhìn loại đá này khi mài nhẳn có màu sắc và vân đá giống như một đám lá cẩm quỳ chen chút nhau và người Do Thái là một trong những dân tộc có ảnh hưởng phương Tây đã dùng đá này rất sớm.
Hình 1: Lá cây Cẩm Quỳ
Về cấu trúc hóa học thì đá khổng tước là dạng muối phức Đồng Carbonate Hydroxide, có công thức hóa học Cu2CO3(OH)2 và phân bố nhiều nơi trên thế giới như: Châu Âu (Nga,…), Nam Mỹ (Mexico,…), Châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Do Thái,…), Châu Phi (Ai Cập, Congo,…)
Ở phương Tây sử dụng loại đá này từ tâm linh, đến trang sức và trang trí từ cách nay 3000 năm.
Từ thời cổ đại, người Ai Cập, La Mã thường dùng đá khổng tước để chế tạo các loại bùa hộ mệnh, nhằm xua đuổi và tránh các thế lực đen tối dõi theo.
Theo kinh "Ajurveda" – một kinh điển cổ xưa nhất của Ấn độ, đá khổng tước giúp khai thông các đường dẫn truyền năng lượng và lưu thông máu trong cơ thể, các chứng đau đầu, chóng mặt.
Người Trung Hoa thì gọi là 孔雀石 - Khổng Tước Thạch có nghĩa là đá chim công vì đá màu sắc hình dáng giống chim công đặc biệt là đuôi công.
Hình 2: Lông đuôi chim công (Khổng Tước)
Ngoài ra, do màu xanh đặc thù nên từ thời cổ đại người Trung Hoa còn gọi nó bằng nhiều tên gọi khác như: 绿色 – Lục sắc, 绿青 – Lục thanh, “石绿”- Thạch lục và “青琅玕”- Thanh Lang Can và xem là một loại ngọc trong 古老的玉料 – cổ lão đích ngọc khoa và đến thời Hán thì đã thành một hình tượng thi hóa được đưa vào thi ca với ẩn ý là lòng thành, tình bạn trong sáng mà tha thiết bởi màu xanh huyền thoại của nó.
Thời Đông Hán, trong tác phẩm 四愁詩 - Tứ sầu thi – Bốn nỗi sầu, 張衡 - Trương Hành đã nói về tấm lòng của mỹ nhân như ngọc lang can nạm vàng khi diễn tả nỗi lòng nhớ về người ở Quế Lâm trong nỗi sầu thứ hai có câu:
側身南望涕沾襟
美人贈我金琅玕
Trắc thân nam vọng thế triêm khâm,
Mỹ nhân tặng ngã kim lang can.
Ngóng về nam, lệ ướt khăn,
Mỹ nhân tặng ngọc lang can nạm vàng.
Đến thời Đường:
主人情爛熳
持答翠琅玕
Chủ nhân tình lạn mạn
Trì đáp thúy lang can
Chủ nhân tình nghĩa nồng nàn
Lời mời như ngọc lang can xanh rì.
(與鄠縣源大少府宴渼陂 - Dữ Hộ huyện Nguyên đại thiếu phủ yến Mỹ Bi - Cùng với anh Nguyên làm thiếu phủ huyện Hộ ăn tiệc ở Mỹ Bi – 杜甫 – Đỗ Phủ)
Hay:
主家陰洞細煙霧
留客夏簟青琅玕
Chủ gia âm động tế yên vụ
Lưu khách hạ điệm thanh lang can
Động phủ chủ nhân mờ khói tỏa,
Ngoài hiên giữ khách ngọc lang xanh.
(鄭駙馬宅宴洞中 - Trịnh phò mã trạch yến động trung - Ăn tiệc ở trong động tại nhà của phò mã họ Trịnh – 杜甫 – Đỗ Phủ)
Và đôi khi là biểu hiện lòng trung can của “thần tử” với hoàng đế:
排雲叫閶闔
披腹呈琅玕
致君豈無術
自進誠獨難
Bài vân khiếu xương hạp,
Phi phúc trình lang can.
Trí quân khởi vô thuật?
Tự tiến thành độc nan!
Vén mây gọi cửa trời đóng kín
Vạch bụng phơi dạ ngọc lang can
Giúp vua há chẳng tài năng?
Lòng thành dâng hiến khó khăn vô vàn.
(齪齪 - Xúc xúc - Nhỏ mọn - 韓愈 - Hàn Dũ)
Qua những thi phẩm trên, ta thấy ngọc lang can đã được người Trung Hoa yêu thích từ xa xưa và có cả chế tác về nó như nạm vàng. Đến đời Đông Hán thì đã đi vào văn học viết phát triển về sau.
Ở Việt Nam, không thấy những nghiên cứu về việc sử dụng ngọc lang can nhưng trong văn học thì từ thời Trần đã thấy có nói đến. Phải chăng do du nhập văn chương từ Hán, Đường chăng? Nhưng cách nhìn về ngọc lang can của người Việt cũng không hẳn giống người phương Bắc và phần nào thể hiện sự trải nghiện của tổ tiên chúng ta về màu xanh đặc biệt này rất rõ. Chúng ta, cùng đọc qua một số trích dẫn thi phẩm của một số danh gia Đại Việt có liên quan đến ngọc lang can.
Người Việt đầu tiên dùng màu xanh của ngọc lang can để ví với màu xanh của trúc là Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải 昭明大王 - 陳光凱 trong bài 福興園 - Phúc Hưng Viên – Vườn Phúc Hưng:
梅塢雪消珠蓓蕾
竹亭雲捲碧琅玕
Mai ổ tuyết tiêu châu bội lỗi
Trúc đình vân quyển bích lang can
Tuyết hết bờ mai châu lóng lánh
Mây quang đình trúc ngọc lang can
Và 范仁卿 – Phạm Nhân Khanh một trí thức, đại quan thời Trần cũng dùng hình ảnh ngọc lang can khi tả màu sắc trúc non trong bài 新竹 – Tân Trúc – Trúc non:
樹得琅玕三兩叢
只期歲晚伴吟翁
Thụ đắc lang can tam lưỡng tùng
Chỉ kỳ tuế vãn bạn ngâm ông
Lang can mấy khóm mới trồng,
Cuối năm mong sẽ bạn cùng nhà thơ.
Đến thời Lê, 抑齋先生 - 阮廌 - Ức Trai tiên sinh – Nguyễn Trãi viết bài thơ 題石竹窩 - Đề Thạch Trúc oa - Đề am Thạch Trúc có dùng hình ảnh về ngọc lang can:
傍石移栽竹幾竿
玲瓏色映碧琅玕
Bàng thạch di tài trúc kỷ can
Linh lung sắc ánh bích lang can
Dời trúc trồng bên đá mấy cần,
Long lanh xanh biếc ánh lang can.
Tổ tiên ta ví von màu xanh trúc như màu xanh ngọc lang can mà trúc được xem là hình ảnh người quân tử và vẻ đẹp chân thật. Qua hình ảnh màu xanh ấy đã thể hiện sức sống, lòng tin của kẻ sĩ thanh cao nhưng căng tràn nhựa sống. Người Việt dùng hình ảnh ngọc lang can nhẹ nhàng, tinh tế giàu chất thơ còn người phương Bắc dùng mang màu sắc tâm trạng, hoài niệm. Nếu người Việt có đặc tên loại đá này thì khả năng chọn tên đá trúc biếc hay bích trúc thạnh sẽ rất cao (?!)
Hình 3: Vườn trúc biếc
Nhân đây, chúng tôi xin làm bàn về thú vui “chơi đá” khổng tước. Từ một vật chất có trong thiên nhiên được “khai thác” để phục vụ đời sống con người. Tùy vào mỗi tư tưởng, quan điểm thẩm mỹ, điều kiện xã hội mà mỗi cộng đồng có cách thưởng thức hay “chơi” khác nhau.
Ở phương Tây, từ tư tưởng chinh phục thiên nhiên, người ta yêu chuộng sự chế tác đá khổng tước thành các vật dụng cao cấp hoặc dùng trong xây dựng nội thất các công trình hoành tráng như: Gothic-Style Bracelet with Malachite (Vương miện phong cách Gothic) ở The Walters Art Museum (Bảo tàng nghệ thuật Walters) – Hoa Kỳ, The Malachite Room in the Hermitage Museum (Tức Phòng đá khổng tước – Cung điện Mùa Đông) ở Saint-Petersburg – Nga, và The Malachite Room in Castillo de Chapultepec (Phòng đá Khổng tước ở Lâu đài Castillo de Chapultepec) ở Mexico City, Mexico.
Hình 4: Vương miện phong cách Gothic, Bảo tàng nghệ thuật Walters, Hoa Kỳ
Hình 5: Phòng đá khổng tước – Cung điện Mùa Đông, Nga
Hình 6: Vật dụng trong Phòng đá khổng tước – Cung điện Mùa Đông, Nga
Hình 7: Một góc Phòng đá Khổng tước ở Lâu đài Castillo de Chapultepec, Mexico
Ở phương Đông, từ tư tưởng hòa mình với thiên nhiên, người ta dùng đá khổng tước theo một hướng khác và đặc biệt là không thấy việc sử dụng như một vật liệu trang trí nội thất cho công trình kiến trúc. Ở đây, đá khổng tước được làm các vật dụng và đồ trang sức mang ý nghĩa tâm linh và thưởng ngoạn. Khi chế tác đá khổng tước nói riêng, ngọc nói chung, người ta cố giữ những gì thiên tạo chỉ tác động bổ sung một cách tinh tế khi cần thiết.
Hình 8: Ống bút đá khổng tước thời Càn Long
Hình 9: Giả sơn đá khổng tước thời Càn Long
Hình 10: Đá cảnh khổng tước – không rõ niên đại
Hình 11: Đá cảnh khổng tước – Không rõ niên đại
Đối với ngoạn thạch, người thưởng ngoạn rất quan tâm đến “thạch tâm” được biểu đạt qua “thạch hình” và góc đặt “ngoạn thạch”. Về từ “thạch tâm” thì chúng tôi dùng theo các “ngoạn thạch nhân” đương thời chứ kỳ thực nên dùng “thạch tình” thì có vẻ hợp hơn chăng? Thạch tình tức cái tình cảm con người (con người có bảy loại tình gọi thất tình bao gồm: hỷ, nộ, ai, lạc, ái , ố, dục = mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, muốn) phát ra khi thưởng ngoạn vì đá vô tri bảo có tâm thì hình như chưa trọn vẹn. “Thạch hình” là thiên nhiên tạo thành, “thạch tình” do cảm xúc con người phát ra như thế là “thiên nhân tương hợp”. Khi “ngoạn “cái mảnh thiên nhiên ấy, “ngoan nhân” cảm ra “thạch tình”, sinh “thạch ý”, có thề viết thành thi ca là “thạch thi”, vẻ thành tranh là “thạch đồ”, có thể nói thành lời ra “thạch ngôn”, thảo luận cùng những “ngoạn nhân” khác tạo nên “thạch luận” và khi đạt một cảnh giới tối thượng thì “ngoạn nhân” tức “thạch nhân”. Chỗ này, chúng ta phải tránh nhầm lẫn, “thạch nhân” không phải là người đá hay một dạng “tín đồ cuồng tín” của “bái thạch giáo” mà là một người từ hiểu biết thấu suốt về “ngoạn thạch” mà “hội” được các quy luật của vũ trụ, vận hành của càn khôn, sinh tử của chúng sinh…tức qua chiếc chìa khóa “ngoạn thạch” mà mở được chiếc hòm chân lý hay nói theo Phật giáo đó là bậc Duyên giác hay Bích Chi Phật vậy!
Một tảng đá được “nhặt” từ thiên nhiên mà có hình dáng phù hợp với tình cảm của người thưởng ngoạn làm khơi gợi nên những hình ảnh thiêng liêng hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc thì đó là một “trân ngoạn thạch” vậy!
Chúng tôi duyên lành được thưởng ngoạn một “ngoạn thạch” thuộc đá khổng tước “thiên nhiên” nhưng có dáng hình bán thân Quan Thế Âm Bồ – Tát đang “chiếu kiến” “tâm” rất tự nhiên mà thần thái, sinh động.
Hình 12: Ngoạn thạch “Quán Âm chiếu kiến”
Hay hình dáng một người mẹ hiền đang ấp ủ con thơ? Chúng tôi cũng không biết nữa vì đá vốn lặng yên chỉ tình người đang lay động. Hình tượng một người mẹ tinh thần của lòng trắc ẩn vô bờ và một người mẹ đời thường đang bồng ẩm con thơ đều quá đỗi thiêng liêng…
Vẳng xa tiếng chuông chùa điểm công phu “Quán Tự Tại Bồ Tát hành tâm….”. Dưới nhà tiếng ru con:
“Công cha… như núi …Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước …ờ ơ…như nước …trong nguồn …chảy …ra…”