
LỌ TRÀ BẰNG SỨ XANH - TRẮNG, TẠO HÌNH BÁT GIÁC VẼ PHONG CẢNH LỒNG TÍCH TỨ DÂN CÓ THƠ TẠO THÀNH HÌNH THỨC TRANG TRÍ NHẤT THI NHẤT HỌA. BÀI THƠ NHƯ SAU: 钓罷回来日已西/ 相逢樵子采薪歸/ 隔岸聽得農夫語/ 十年身到鳳凰池/ ÂM: ĐIẾU BÃI HỒI LAI NHẬT DĨ TÂY/ TƯƠNG PHÙNG TIỀU TỬ THÁI TÂN QUY/ CÁCH NGAN THÍNH ĐẮC NÔNG PHU NGỮ/ THẬP NIÊN THÂN ĐÁO PHỤNG HOÀNG TRÌ.
TẢN MẠN VỀ LỌ TRÀ SỨ KÝ KIỂU HOÀNG TRIỀU MINH MẠNG
Bài viết của Từ Hạnh
Theo sách Đại Nam Thực Lục, Minh Mạng năm thứ 5 (Giáp Thân – 1824), Nam triều có cử sứ bộ sang nước Đại Thanh với Chánh sứ là Lang Trung Hoàng Văn Diễn (Hoàng Văn Quyền) làm nhiệm vụ ban giao. Như thông lệ, Sứ đoàn mang về nước các quà ngoại giao “lại quả” và đồ ký kiểu dâng lên Vua ta. Chiếc lọ trà này là một trong những hiện vật đó.
Chiếc lọ trà sứ men xanh trắng, tạo dáng bát giác với hiệu đề Giáp Thân Niên Chế (甲申年製) – 1824 ở đáy. Trên thân lọ trang trí bằng men lam vẽ lối nhất thi nhất họa đề tài tứ dân: ngư – tiều – canh – độc liền bảy mặt và bài thơ chữ Hán trên một mặt như sau:
钓罷回来日已西
相逢樵子采薪歸
隔岸聽得農夫語
十年身到鳳凰池
Âm Việt – Hán:
Điếu bãi hồi lai nhật dĩ tây
Tương phùng tiều tử thái tân quy
Cách ngan thính đắc nông phu ngữ
Thập niên thân đáo phụng hoàng trì
Tạm dịch:
Dừng câu trở gót, bóng nghiêng tê,
Gặp gỡ chàng tiều đốn củi về.
Nghe rõ bác cày bên ruộng nói:
“Mười năm ao phượng đến nay kề!”.
Về trang trí, kết hợp đề tài với phong cảnh nhưng không gượng ép, bố cục hài hòa, họa pháp khéo léo, thư pháp chuẩn mực .
Độc đáo hơn là bài thơ trên lọ trà này , bốn câu thơ của bài tứ tuyệt mỗi câu viết về một người (câu 1 – ngư, câu 2 – tiều, câu 3 – canh, câu 4 – độc) nhưng khéo léo thành một câu chuyện sống động mà câu chuyện đó lai truyền tải một thông tin ý nghĩa: người câu cá dừng câu ra về khi trời ngã về tây, trên đường về gặp lại người đốn củi đang về, hai người nghe tiếng người cày đang nói: “mười năm đèn sách nay thân đã đến ao phượng hoàng”. Câu thơ thứ 4 là câu trích trong Tăng Quảng Hiền Văn (増廣賢文) của một tác giả khuyết danh, được ưa chuộng tại các nước dùng chữ Hán ngày trước. Nguyên là hai câu như sau:
一舉首登龍虎榜
十年身到鳳凰池
Âm Việt – Hán:
Nhất cử thủ đăng long hổ bảng
Thập niên thân đáo phượng hoàng trì
Tạm dịch:
Một thoáng bảng rồng lên thấy rõ
Mười năm ao phượng đến nay kề
Qua đó, chúng ta cảm nhận được một không gian sống thanh bình và hạnh phúc. Ở đó, con người lao động vừa sức mình, sống thuận theo tự nhiên, “trời ngã về tây” là dừng câu, thôi đốn củi, ngưng làm đồng trở về. Con người thật an nhiên, tự tại! Và đều đó không chỉ diễn ra một ngày hay một lúc thường xuyên qua từ “tương phùng” của người câu và người đốn củi. Nhưng những con người đó không phải tìm thú tiêu dao hay chán đời ở ẩn mà họ vẫn hướng về cuộc sống qua chi tiết nghe tiếng người cày bên đê nói (về người đọc sách) vừa thi đỗ bằng một câu trong một quyển sách nổi tiếng. Chỗ này, tác giả rất hay vì chi tiết cuối vừa làm sáng bài thơ, vừa gián tiếp nói về người đọc sách. Mặt khác, làm cả bài thơ như quẻ Thuần Càn của Kinh Dịch từ tiềm long vật dụng -潛龍勿用, hiện long tại điền -現龍在田, đến phi long tại thiên - 飛龍在天. Sâu sắc hơn là cái học được đề cao khắp nơi kể cả nơi làng mạc thôn quê, người cày tuy không ra ứng thí mà vẫn áp dụng trong đời sống hằng ngày bằng lời hay ý đẹp trong sách. Bốn người ở địa vị khác nhau, công việc khác nhau nhưng mỗi người đều hoàn thành tốt chức phận của mình. Qua đó, chúng ta thấy tư tưởng chính danh của Nho, tinh thần bình đẳng của Phật thấm nhuần trong chính hóa của đời sống người dân thời thịnh thế! Tư tưởng “cư Nho – mộ Thích” đâu đã chấm dứt thời Chúa Nguyễn?!
Lời thơ, lối dùng từ chân phương mà thanh nhã, mới đọc thấy giản đơn mà chan chứa ý tình, thể hiện một tình yêu thiên nhiên bao la, yêu con người không phân biệt địa vị xã hội hay nghề nghiệp, đề cao những con người lao động cần lao,…người nông phu trong bài thơ này thật đẹp!
Qua những phân tích trên, chúng tôi bỗng nghĩ rằng: Phải chăng đây chính là một bài thơ ngự chế của đức Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế (Minh Mạng)? Tư tưởng, nhân sinh quan và tình cảm của Người đang vọng về từ bài thơ trên hiện vật lọ chè này. Thế nên, đồ sứ ký kiểu đâu chỉ:
Như in thảo mộc trời Nam lại
Mang cả sơn hà đất Bắc sang
(Bà Huyện Thanh Quan)
mà còn cả một bài học về đạo trị quốc và xử thế cho muôn nghi thế hệ người Việt hôm nay và mai sau.