Thành phố | Loại vàng | Giá bán | Giá mua |
TẢN MẠN VỀ CHIẾC PHƯƠNG ĐẲNG
Bài viết của Nam Quân
Từ thuở hồng quang cho đến khi nền văn minh đầu tiên xuất hiện và không ngừng phát triển, từ những khái niệm sơ khai về thế giới xung quanh đến tư duy trừu tượng và hình thành trật tự xã hội, con người đã thổi biết bao những ý niệm vào sự vật và hiện tượng để thỏa mãn những khát vọng vô bờ của mình. Bên cạnh những hiện tượng tự nhiên được thần thoại hóa thì những vật dụng, dụng cụ chiến đấu, lao động… cũng dần dần được biểu tượng hóa để trở thành những tiền đề của văn hóa và tôn giáo. Chiếc rìu đá ngày nào trở thành phủ việt biểu tượng cho chiến đấu, chinh phục; trở thành chiếc khánh – một nhạc cụ bộ gõ nhưng cũng là biểu hiện cho sự an lành, tốt đẹp. Từ chỉ là một vật dụng để ngồi, chiếc ghế trở thành biểu tượng của uy quyền, chính thống, tư tưởng…
Khi đó, chiếc ghế được làm từ muôn vàn vật liệu để xứng đáng với vị thế của chủ nhân của chúng, đôi khi công dụng chính phải nhường cho ý nghĩa biểu tượng chúng. Trong thời kỳ quân chủ, để đảm bảo trật tự xã hội, chính danh là điều quan trọng, chiếc ghế khoát lên mình biết bao tên gọi để xứng đáng với chủ nhân của chúng. Ở quốc gia, dân tộc nào càng phân chia giai tầng xã hội nghề mộc thủ công phát triển càng cao thì nơi đó nó càng mang nhiều tên gọi như tại lãnh thổ người Hán: Long kỷ, Bửu tòa, Bảo tọa, Thiền đẳng, cẩm đôn…Khoảng hơn năm mươi tên gọi dành cho chiếc ghế ngồi.
Chúng tôi có duyên lành được thưởng ngoạn một chiếc “ghế” rất độc đáo từ hình thức đến chất liệu, kỹ thuật đến mỹ thuật, sử dụng đến văn hóa. Theo nghiên cứu của chúng tôi, chiếc ghế này có tên gọi là Tương đằng diện thế bản quản cước phương đẳng - 镶藤面屜板管脚方凳 gọi tắt là quản cước phương đẳng - 管脚方凳 hay phương đẳng - 方凳, tiếng Việt hiện đại không có từ tương đương nên tạm hiểu là “ghế vuông có kiềng chân mặt song đan”. Phương đẳng này thường được dùng độc lập hoặc dùng chung với Thiền tháp hoặc La hán sàng (gần giống sập ba thành của người Việt, tiếng Anh gọi là Daybed Sofa tức ghế ngủ ngày hay ngủ trưa hay ghế nằm nghỉ) hoặc văn trác (một loại bàn có thể là bàn làm việc). Nó được dùng khá phổ biến trong giới văn nhân và tôn giáo. Như đã trình bày trong văn hóa Hán tộc, chính danh được sùng bái, khi giao tiếp việc phân biệt chủ - khách và vị trí ngồi được tôn trong, phần nào nói lên vị thế và tình cảm của chủ nhân dành cho khách và ngược lại. Chiếc phương kỷ thường dành cho khách quý ngồi phía bên trái tháp/ sàng/ tọa/ trác của chủ nhân. Khi dùng độc lập nó thường được dùng để ngồi khi đánh đàn.
Phương đẳng này được chế tác tinh xảo Hồng toan chi mộc 红酸枝木 (Danh pháp quốc tế Dalbergia cochinchinensis Pierre) được chạm, khảm tinh tế với vật liệu là ngà và huyết ngà, mặt được đan bằng cật song.
- Hồng toan chi mộc là một trong những loại gỗ quý vào bậc nhất từ Đường, Tống, Minh, Nguyên, Thanh cho đến ngày nay. Đặc biệt, Đại Minh và Đại Thanh rất yêu thích. Bởi vẽ đẹp càng tăng theo thời gian của chúng.
- Ngà voi là một vật liệu rất quý nhưng huyết ngà hay ngà đỏ còn quý hơn nhiều lần, người xưa xem huyết ngà là một dạng ngọc mang nhiều ý nghĩa phong thủy.
- Song là một loại mây nhưng có độ bền hơn mây. Hình thức sử dụng song đan làm mặt “ghế” và “giường nghỉ trưa” được yêu thích từ giữa thời Minh đến giữa Thanh.
Các hình khảm mang tính biểu tượng cao quý như:
- Đạo gia cổ đồ: Thanh cao
- Diệp long khánh cổ tự: Uy quyền và trường cửu
- Tiên điểu thạch mẫu đơn: Phú quý trường thọ
- Tứ phúc triều trung: Phúc lộc thọ toàn
Qua các ý nghĩa cũng như chất liệu của các họa tiết, chúng ta nhận thấy phương kỷ này có niên đại khoảng đầu Triều Thanh, chủ nhân của nó và người được dùng nó phải cực kỳ cao quý trong xã hội bấy giờ.