Thành phố | Loại vàng | Giá bán | Giá mua |
TẢN MẠN VỀ CHIẾC TIỀM CÓ BÀI THƠ CHÚC THỌ
Bài viết của Nhã Thức
Người cao tuổi là kho tàng tri thức sống, tấm gương và điểm tựa tinh thần cho hậu thế. Tôn trọng người cao tuổi là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống bao đời của dân tộc ta. Từ dân gian cho đến miếu đường, người cao tuổi luôn được kính trọng và nếu phẩm hạnh của họ càng cao thì càng được ưu ái hơn nữa.
Sống lâu, xem chừng như đơn giản nhưng thật sự không phải vậy. Tuổi thọ con người đâu chỉ thuần túy là vấn đề sức khỏe mà còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan khác. Trong thời hòa bình, cuộc sống thong thả, con người còn có thể sống lâu chứ khi gặp buổi binh đao, loạn lạc, nhiễu nhương mà lại mang thân lương đống chốn miếu đường thì sống lâu thật khó bội phần. Đối với ngày nay, bảy mươi tuổi là bình thường chứ ngày xưa đó là một tuổi đã hiếm thấy và càng hiếm thấy hơn với một người trong hoàng tộc tham gia chính sự. Thực tế, các ông hoàng triều Nguyễn có tuổi thọ trên bảy mươi tuổi không nhiều và ở tuổi đó còn cán đáng việc miếu đường thì càng ít.
Lần theo sử sách, chúng tôi có biết hai thân vương con vua Minh Mạng triều Nguyễn có phẩm hạnh, đức độ và tuổi thọ “xưa nay hiếm” đó là Thọ Xuân Vương – Miên Định (1810 – 1886) và Tuy Lý Vương – Miên Trinh (1820 – 1897). Tuy tuổi thọ gần như bằng nhau nhưng Tuy Lý Vương trải qua nhiều triều vua và gặp nhiều thăng trầm hơn trong cuộc sống. Sau những gian truân, Thành Thái Nguyên Niên ông được cử làm Ðệ nhất phụ chính thân thần kiêm nhiếp Tôn Nhơn Phủ Tả Tôn Chính khi bảy mươi tuổi. Ông mất sau đó tám năm với sự tiếc thương của vua Thành Thái. Nhà vua đã cấp một ngàn quan tiền lo việc tang và ban thụy là Ðoan Cung. Ông là một nhà thơ tài hoa thời Nguyễn:
文 如 超 适 無 前 暵
詩 到 從 綏 失 盛 唐
Âm cổ:
Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường
Nghĩa:
Văn của ông Siêu, ông Quát khiến thời Tiền Hán phải chịu,
Thơ của Tùng Công, Tuy Công thì thời Thịnh Đường phải nhường”.
(Theo tương truyền hai câu thơ trên của vua Tự Đức)
Chúng tôi có duyên may, phúc hậu sưu tầm được một chiếc tiềm sứ xanh trắng nhất thi nhất họa đề tài mai ấn và bài thơ chúc thọ:
曾公七十古來稀
五福之中鶴弄奇
信知天下無双品
独占人间第一枝
Âm cổ:
Tằng công thất thập cổ lai hy
Ngũ phúc chi trung hạc lộng kỳ
Tín tri thiên hạ vô song phẩm
Độc điểm nhân gian đệ nhất chi.
Nghĩa:
Cụ cố bảy mươi thật hiếm thay
Hưởng tròn năm phúc hạc vờn bay
Rõ hay thiên hạ không chi sánh
Duy tại nhân gian nhất nhánh này
Khi nhìn qua dáng, thai, cốt, men, họa pháp, thư pháp,…thì đúng dây là dòng đồ sứ xanh trắng cuối thế kỷ 19 đầu 20 (triều Quang Tự – Đại Thanh). Một vài thân hữu cao niên ở cố đô cũng cho biết ngày xưa (trước Mậu Thân – 1968) từng thấy vật này trong một phủ đệ. Từ đó, chúng tôi mạn phép đặt câu hỏi: Phải chăng đây là món quà mừng thọ của vua Thành Thái tặng cho Tuy Lý Vương vào lễ mừng thọ bảy mươi của Ông? Vì Tuy Lý Vương là một số rất ít người trong hoàng gia có tài năng, phẩm hạnh , đạo đức và gánh vác việc miếu đường cho đến giai đoạn này. Theo đế hệ thi, thế thứ trong hoàng thất Ông ở vai trên vua Thành Thái bốn đời: Miên Trinh và Bửu Lân (Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh). Ông được vua Thành Thái và hoàng thất tôn trọng và quý mến. Và nếu đúng đây là món quà vua Thành Thái tặng Ông để tỏ lòng của người hậu bối thì dân gian cũng có lý lắm thay khi đúc kết câu:
Kính già, già để tuổi cho!
Thật vậy, vua Thành Thái (1879 – 1954) tuy gặp nhiều khó khăn về vật chất, quẩn bách về tinh thần, Ông vẫn là một trong rất ít vị vua của triều Nguyễn qua được ngưỡng “thất thập cổ lai hy”!