Thành phố | Loại vàng | Giá bán | Giá mua |
BÀN VỀ DÒNG SỨ HOÀNG ĐỊA HỒNG QUA CHIẾC BÁT THỜI ĐỒNG TRỊ - ĐẠI THANH PHẦN 2
KHÁI QUÁT ĐỒ SỨ ĐẠI THANH
Bài viết của Từ Hạnh
Đại Thanh (1644-1911) của người Mãn Châu thống trị Trung Nguyên sau khi vượt Sơn Hải Quan, kết thúc Đại Minh của người Hán. Triều Đại Thanh được đánh giá là thành công nhất trong tất cả các triều đại ở Trung Hoa trong hai thiên niên kỷ qua. Nếu chúng ta nhìn vào thời kỳ cai trị của ba hoàng đế đầu: Khang Hy, Ung Chính và Càn Long với “Khang – Càn thịnh thế” điều này có thể đúng nhưng kết thúc chính trị thảm hại của các đời vua cuối phần nào đã làm mai một ánh hào quang đó.
Đại Thanh được thành lập chính thức vào năm 1636 bởi gia tộc Ái Tân Giác La của người Mãn Châu. Tuy nhiên, năm 1609, Nỗ Nhĩ Cáp Xích xưng là hoàng đế nước Hậu Kim tiền thân của Đại Thanh; năm 1616 đặt niên hiệu là Thiên Mệnh, về sau ông được truy tôn là Đại Thanh Thái Tổ Cao Hoàng đế. Niên hiệu khác với họ hay tên hiệu của hoàng đế và nó được xem tương đồng với thời kỳ một hoàng đế của một triều đại trị vì mà chúng ta có thể thấy thể hiện trên đồ sứ trong thời kỳ Đại Minh và Đại Thanh. Riêng Hoàng Thái Cực – Đại Thanh Thái Tông Văn Hoàng đế sử dụng hai niên hiệu khác nhau, Thiên Thông (1627-1636) khi chưa chính thức lập Đại Thanh và Sùng Đức (1636-1643) khi thành lập Đại Thanh. Từ thời Thuận Trị và trở đi mỗi đời vua dùng một niên hiệu trong giai đoạn trị vì của mình. Phổ Nghi thực sự lên ngôi năm 1908, trong khi niên hiệu Tuyên Thống được tính là bắt đầu năm 1909. Trong các đời vua cuối Đại Thanh, Hoàng Thái hậu Từ Hy, người thật sự điều hành Đại Thanh sau khi Đại Thanh Văn Tông Hiển Hoàng đế băng hà vào năm 1861 đến khi bà băng vào năm 1908.
Mặc dù, đế đô Bắc Kinh của Đại Minh đã rơi vào tay Đại Thanh của người Mãn Châu, miền Nam Đại Minh đã không hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Đại Thanh trước năm 1683. Sự kháng cự tiếp tục của một số hoàng thân Đại Minh và vì lòng trung thành mạnh mẽ đối với Đại Minh, triều đình Đại Thanh không thể làm bất kỳ đồ sứ ngự dụng nào từ Cảnh Đức Trấn ở phía nam tỉnh Giang Tây trước khoảng năm 1683 là vùng kiểm soát của Nam Minh. Do đó, giai đoạn này được gọi là "giai đoạn chuyển tiếp" hay “mạt Minh sơ Thanh” hay Nam Minh. Ở giai đoạn này có một số đồ sứ chất lượng tốt làm theo thị hiếu giới văn nhân và quan lại, một số xuất khẩu sang Nhật Bản và châu Âu thông qua Công ty Đông Ấn của Hà Lan (VOC) vì mục đích kinh tế và sang Việt Nam vì mục đích chính trị.
Đỉnh cao của đồ sứ thời kỳ này là men lam Hồi từ cobalt oxide và men huyết đỉa từ đồng oxide được vẽ dưới men. Các họa tiết trang trí thể hiện một phong cách tự nhiên, với nội dung thường được lấy từ các danh họa về phong cảnh và cổ đồ, hay bổ ô để trang trí, vành miệng và đáy mỏng, cắt gọt chỉnh chu, men lam trong suốt, cốt sứ trắng bóng mịn màng là những dấu hiệu đặc trưng của đồ sứ “mạt Minh sơ Thanh”. Các sản phẩm xuất khẩu dành cho thị trường Nhật Bản và Việt Nam tạo nên một dòng đồ sứ đặc trưng khác trong giai đoạn này và thường có thiết kế rất đặc biệt về kiểu dáng lẫn họa tiết trang trí. Thường đáy ngoài đồ sứ không tráng men hoặc có tráng men ghi niên hiệu các đời hoàng đế hùng mạnh của Đại Minh như Thành Hóa, Vạn Lịch… là một đặc trưng tiêu biểu của giai đoạn này nhưng phải là quy củ cho tất cả.
Sau đây là một số hình ảnh về đồ sứ ở giai đoạn "mạt Minh sơ Thanh"
Dòng đồ cung đình Nam Minh
Dòng đồ xuất dương
Dòng đồ xuất bán Nhật Bản
Dòng đồ xuất "tặng" và "ký kiểu" cho Việt Nam
Dòng đồ men huyết đỉa dưới men kính
Đồ sứ cung đình và xuất dương có chất lượng cực kỳ cao từ thai cốt đến men lam Hồi. Đồ sứ xanh trắng thời Khang Hy đạt đến đỉnh cao của sự hoàn hảo ở giai đoạn cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Các kiểu thức "mạt Minh sơ Thanh" trước đó dần dần phát triển thành phong cách cổ điển khi các lò nung một lần nữa thuộc quyền quản lý của triều đình. Quanh chân và đáy ngoài đồ sứ được cắt gọt chỉnh chu và thậm chí được đánh bóng hoặc làm tròn trước khi tráng men. Việc làm chủ công nghệ nung và men chưa thật sự hoàn toàn nhưng chính điều này đã tạo nên những tác phẩm sinh động và độc đáo nhờ hỏa biến nhất là ở men màu và nhiều màu.
Sau đây là một số hình ảnh về đồ sứ triều Khang Hy