CHÂN ĐÈN GỐM MEN LAM XÁM CÓ MINH VĂN CỦA ĐẶNG HUYỀN THÔNG. - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

CHÂN ĐÈN GỐM MEN LAM XÁM CÓ MINH VĂN CỦA ĐẶNG HUYỀN THÔNG. - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

CHÂN ĐÈN GỐM MEN LAM XÁM CÓ MINH VĂN CỦA ĐẶNG HUYỀN THÔNG. - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

CHÂN ĐÈN GỐM MEN LAM XÁM CÓ MINH VĂN CỦA ĐẶNG HUYỀN THÔNG. - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

CHÂN ĐÈN GỐM MEN LAM XÁM CÓ MINH VĂN CỦA ĐẶNG HUYỀN THÔNG. - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU
CHÂN ĐÈN GỐM MEN LAM XÁM CÓ MINH VĂN CỦA ĐẶNG HUYỀN THÔNG. - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU
Scroll top

bàn tròn thưởng ngoạn

Liên kết

Tỉ giá

Tỷ giá ngoại tệ Vietcombank ngày :


Thành phố Loại vàng Giá bán Giá mua

CHÂN ĐÈN GỐM MEN LAM XÁM CÓ MINH VĂN CỦA ĐẶNG HUYỀN THÔNG.

17-12-2018

CHÂN ĐÈN GỐM MEN LAM XÁM CÓ MINH VĂN CỦA ĐẶNG HUYỀN THÔNG.

Updated at: 02/26/2016

03 hiện vật của Bảo tàng Hà Nội vinh dự được công nhận là bảo vật quốc gia trên tổng số 25 hiện vật và nhóm hiện vật công nhận theo Quyết định 2382/QĐ – TTg ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia. Bảo tàng Hà Nội xin giới thiệu hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia qua một số bài viết đã được đăng trên tạp chí Thế giới Di sản như sau.

 

 

CHÂN ĐÈN GỐM MEN LAM XÁM

CÓ MINH VĂN CỦA ĐẶNG HUYỀN THÔNG.

                                     

                                                                                                  TS. Nguyễn Đình Chiến      

 

        Năm 1999, khi biên soạn và xuất bản cuốn sách Cẩm nang đồ gốm  Việt Nam có minh văn, chúng tôi đã tập hợp được 14 tác phẩm gốm của Đặng Huyền Thông. Đây là các tác phẩm gốm có minh văn bằng chữ Hán và Nôm nên cho chúng ta nhiều thông tin về tác giả và tác phẩm.

 

 

Qua nghiên cứu tìm hiểu, cho đến nay chúng tôi đã biết trên 40 tác phẩm của ông hiện lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia, Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hải Dương, Bảo tàng Hà Nội và một số nơi khác trong và ngoài Việt Nam.

 

 

Loại hình đồ gốm của Đặng Huyền Thông bao gồm các loại đồ thờ như chân đèn, lư hương, mô hình tháp thờ, bình hoa. Trang trí hoa văn trên các tác phẩm này gồm rất nhiều đề tài như hoa sen, cúc, hoa dây, hình rồng, hình học… với rất nhiều bố cục khác nhau.Ông không sử dụng đề tài tứ linh mà chỉ có hình rồng ,với 15 kiểu khác nhau. Đặc biệt,các hoa văn hình học như băng răng cưa,vạch thẳng song song... được coi là nối tiếp phong cách truyền thống văn hóa Đông Sơn.

 

 

Tạo hình các sản phẩm của Đặng Huyền Thông cũng mang nét riêng rất độc đáo. Chẳng hạn, chân đèn được tạo tác hai phần rồi lắp khớp lại. Phần dưới chân đèn như một chiếc mai bình, phần trên như một bông sen nở. Sự cân đối hài hòa giữa tạo dáng và hoa văn đã làm nên sản phẩm độc đáo so với các loại hình đương thời. Các lư hương của Đặng Huyền Thông được tạo dáng mô phỏng hình dáng chiếc trống đồng Đông Sơn cùng với các mô típ hoa văn càng phản ánh về sự hồi sinh của nghệ thuật Đông Sơn trên sản phẩm gốm thế kỷ XVI.

 

Loại men sử dụng trên các tác phẩm của ông chủ yếu là men lam xám, một loại men dày và trong như loại men ngọc. Cạnh đó ông còn sử dụng men vàng hoặc nâu đen tạo thêm sự đa dạng màu men trên sản phẩm.

 

Điều đặc biệt lý thú là trên hầu hết các tác phẩm của ông đều khắc hoặc đúc nổi minh văn cho biết rõ họ tên đầy đủ của ông là Đặng Mậu Nghiệp, tự là Huyền Thông. Ông là sinh đồ, người đã thi đỗ tam trường, làm thợ gốm, quê tại xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, (nay thuộc xã Minh Tân, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương). Những thông tin về tác giả Đặng Huyền Thông  không chỉ thấy trên đồ gốm mà còn trên minh văn bia chùa An Định (Hải Dương) quê hương ông. Văn bia hiện còn thác  bản dập lưu trữ tại Viện Hán Nôm. Nội dung văn bia cho biết chùa An Định xưa đã bị mai một, ông cùng vợ là Từ Am Nguyễn Thị Đỉnh kết hợp với nhiều vương công và đông đảo tín đồ trong xã đứng ra dựng chùa tạc tượng vào năm 1587. Bài minh văn trên tấm bia này do chính ông soạn lời.

 

 

Minh văn trên các tác phẩm gốm của ông còn cho biết các thông tin về thời gian sản xuất. Qua theo dõi ,chúng tôi đã thấy các tác phẩm gốm của ông được làm trong khoảng 10 năm từ 1580 đến 1590. Hơn nữa, minh văn còn cho biết họ tên quê quán của những người đặt hàng là các tầng lớp trong xã hội từ tầng lớp quý tộc như Phò mã, Công chúa đến tầng lớp bình dân. Cũng qua minh văn còn cho biết nhiều chân đèn và lư hương của ông được đặt làm để cung tiến cho các ngôi chùa  ,quán ở nhiều tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc Bộ.

 

 

Trong số các tác giả lưu danh trên đồ gốm, Đặng Huyền Thông chính là người tiêu biểu, đỉnh cao của nghệ thuật gốm thời Mạc. Chính thông qua các tác phẩm của ông sẽ giúp chúng ta càng hiểu đầy đủ hơn về lịch sử nghệ thuật thời Mạc.

 

 

        Một trong số tác phẩm gốm đặc biệt nhất của tác giả Đặng Huyền Thông là Chân đèn 2 phần gốm men lam xám hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội .Chân đèn có chiều cao:74,5 cm ,gồm 2 phần rời lắp khớp lại.

 

 

         Phần trên chân đèn: có miệng đấu ( để đặt đĩa đèn) và hai đoạn hình loa. Hoa văn nổi đề tài rồng trong ô tròn, mặt rồng, cánh hoa sen và lá đề cách điệu. Giữa hai đoạn là một đường gờ nổi.

 

 

          Phần dưới: giống như một chiếc mai bình. Cổ nhỏ lắp khớp với phần trên, vai và thân trên phình, thân dưới eo, chân đế choãi.

 

 

         Hoa văn trang trí nổi ở cả phần trên và phần dưới chân đèn đều gồm các đề tài: vạch đứng song song, răng cưa, cánh sen, xen kẽ hình bông hoa 8 cánh nhọn, hình rồng nổi hình yên ngựa.

 

 

         Ngoài phần để mộc, phần còn lại chân đèn được phủ men lam xám sẫm, có độ trong bóng và dầy.

 

 

         Trên vai chân đèn có một hàng chữ Hán đúc nổi, mỗi chữ đặt trong ô hình vuông: "Hoàng đế vạn tuế, thiên hạ thái bình, chúng sinh đồng thụ phúc trường diên khảo". Trước đầu rồng ở phần thân chân đèn có đúc nổi 3 chữ “Thanh Lan tự” đúc nổi trong ô tròn.Đặc biệt, xen kẽ hình rồng ở phần dưới chân đèn có khắc chìm dưới men bài minh văn bằng chữ Hán, gồm 27 dòng.

 

 

Toàn văn phần minh văn trên chân đèn , phiên âm và dịch nghĩa như sau:

 

 

1皇 帝 萬 歲 天 下 太 平 眾 生 同 受 福 長 延 考  2 青 林 縣  3 來 溪 社  4青 閩 寺  5 湄 川 村五 人  6 阮 克 諧 笵 氏 惟  7 裴 氏 奪 阮 氏 從  8 鄧 氏 堂  9 文 笵 社 七 人  10 黃 克 遵 黃 克 勉  11 笵 道 共  笵 质  12 笵 克 詢 鄧 文 乾  13 笵 氏 決  14 笵 老 梅  15 同 春 山 梁 恂  17 裴 壽 溪  18 笵西 川  19 笵 德 齊  20 笵 壽 域   21 阮 頂 梁 壽  22 笵 仁 壽  23 笵 山 社  24 會 主 比 丘  25 阮 德 隆字 慧 信   26 延 成 五 年  27 青 林 縣  雄 勝 社   28 鄧 玄 通 造.

 

 

Phiên âm: Hoàng đế vạn tuế, thiên hạ thái bình, chúng sinh đồng thụ phúc trường diên khảo. Thanh Lâm huyện, Lai Khê xã, Thanh Lan tự, My Xuyên thôn ngũ nhân: Nguyễn Khắc Cán, Phạm Thị Duy, Bùi Thị Đoạt, Nguyễn Thị Tòng, Đặng Thị Đường, Văn Phạm xã thất nhân: Hoàng Khắc Tuân, Hoàng Khắc Miễn, Phạm Đạo Cộng, Phạm Chất, Phạm Khắc Hài, Đặng Văn Can, Phạm Thị Quyết, Phạm lão Mai Động, Xuân Sơn, Lương Tuần: Bùi Thọ Khê, Phạm Tây Xuyên, Phạm Đức Tề, Phạm Thọ Vực, Nguyễn Đính, Lương Thọ, Phạm Nhân Thọ, Phạm Sơn Xã, Hộ chủ tỷ khâu tăng Nguyễn Đức Long, tự Tuệ Tín, Diên Thành ngũ niên, Thanh Lâm huyện, Hùng Thắng xã, Đặng Huyền Thông tạo.

 

Dịch nghĩa: Hoàng đế muôn tuổi, thiên hạ thái bình, chúng sinh đều được nhận phúc thọ dài lâu. Thôn My Xuyên, chùa Thanh Lan, xã Lai Khê, huyện Thanh Lâm 5 người (cung tiến): Nguyễn Khắc Cán, Phạm Thị Duy, Bùi Thị Đoạt, Nguyễn Thị Tòng, Đặng Thị Đường. Xã Văn Phạm 7 người: Hoàng Khắc Tuân, Hoàng Khắc Miễn, Phạm Đạo Cộng, Phạm Chất, Phạm Khắc Hài, Đặng Văn Can, Phạm Thị Quyết. Các cụ già họ Phạm ở Mai Động, Xuân Sơn, Lương Tuần: Bùi Thọ Khê, Phạm Tây Xuyên, Phạm Đức Tề, Phạm Thọ Vực, Nguyễn Đính, Lương Thọ, Phạm Nhân Thọ. Xã Phạm Sơn: Hội chủ là nhà sư Tỳ Khưu Nguyễn Đức Long, tự Tuệ Tín.

 

Đặng Huyền Thông, xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm tạo tác vào niên hiệu Diên Thành 5 (1582) [đời vua Mạc Mạo Hợp].

 

Minh văn trên chân đèn thể hiện kỹ thuật đúc nổi và khắc chìm dưới men, rất tài tình của nghệ nhân, kết hợp với các đề tài trang trí nổi. Việc ghi danh họ tên của tác giả làm gốm trên tác phẩm là một nét đặc biệt ở thời Mạc.

 

Chân đèn gốm này là một đồ thờ được đặt làm để cung tiến vào chùa Thanh Lan, ở thôn My Xuyên, xã Lai Khê, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Chính vì thế thông tin về minh văn trên đồ gốm này đã góp phần chứng minh một thời kỳ phục hưng Phật giáo ở Việt Nam trong thế kỷ XVI.

 

Nội dung bao trùm trong các dòng minh văn trên chân đèn không chỉ là những thời gian cụ thể xác định rõ ngày khai sinh ra tác phẩm, cũng không chỉ ghi khắc họ tên tác giả chế tác mà còn có một thông tin quan trọng khác là họ và tên, quê quán của những người đặt hàng.

 

Những thông tin trên chân đèn gốm có minh văn đã bổ sung tài liệu cho việc nghiên cứu về các ngôi chùa nói riêng và đạo Phật nói chung.

 

Trong số các tác phẩm của tác giả Đặng Huyền Thông còn lại đến nay, đây là chân đèn gốm đặc biệt nhất, có hiện trạng tương đối nguyên lành, hoa văn trang trí và men phủ đặc trưng, xứng đáng được tôn vinh trong lịch sử ngành gốm Việt Nam. Phần minh văn có đầy đủ các thông tin về tác giả tạo tác và những người đặt hàng cùng với địa danh ngôi chùa cụ thể.

 

Chân đèn này là một hiện vật gốc có niên đại tạo tác vào năm 1582, còn tương đối nguyên vẹn, có hoa văn đặc trưng tiêu biểu của tác giả Đặng Huyền Thông. Thông qua các loại hoa văn này cùng lớp men phủ màu lam xám giúp cho chúng ta nhận diện các tác phẩm khác của ông, dù không có minh văn. Với tác phẩm chân đèn có niên đại tuyệt đối này góp phần khẳng định tên tuổi của ông với những mẫu chuẩn về loại hình, màu men và đặc biệt là đề tài trang trí phong phú thể hiện nét riêng của một nghệ nhân gốm Việt Nam tiêu biểu, cách ngày nay hơn 400 năm.

 

Chân đèn này là nguồn sử liệu quý giá, góp phần nghiên cứu lịch sử, văn hóa, Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVI, đã được giới thiệu trong nhiều ấn phẩm, công trình nghiên cứu và trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

 

 

 

TS.Nguyễn Đình Chiến


COPYRIGHT BY ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU
Facebook chat