Có tuổi đời gần 1.000 năm, bức tượng rồng độc đáo này là minh chứng cho sự khéo léo, óc sáng tạo và tính hài hước của các nghệ sĩ Chăm xưa.
Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng là nơi đang lưu giữ một bức tượng rồng hiếm có và hết sức độc đáo của vương quốc Champa cổ.
Bức tượng này cao khoảng 1 mét, có niên đại từ thế kỷ 12, làm từ chất liệu sa thạch. Hiện vật được phát hiện tại di chỉ tháp Mẫm, Bình Định trong đợt khai quật năm 1934-1935.
Tượng được tạo dáng trong tư thế chầu với hai chân trước đặt hướng về trước, hai chân sau chổng lên trời, đầu to quá khổ so với thân, trông rất ngộ nghĩnh.
Các chi tiết tạo hình cho thấy con rồng này mang nhiều đặc điểm của các con vật khác nhau như sừng dê, ngà voi, đuôi rắn…
Mắt rồng lồi như mắt ếch.
Miệng rồng ngậm ngọc, một mô-típ mạng đậm chất rồng của Việt Nam và Trung Hoa.
Cổ rồng đeo chiếc vòng lục lạc, chi tiết đã được bắt gặp trên một số tượng voi Champa.
Cặp mông tròn trịa làm tăng thêm yếu tố hài hước cho tác phẩm.
Toàn thân rồng có lớp vẩy được chạm khắc kỳ công.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, con rồng này có thể là sự kết hợp giữa con rồng của văn hóa Việt/ Hoa với Makara, quái vật biển theo thần thoại Ấn Độ, một sự giao thoa văn hóa Đại Việt – Champa.
Theo quan niệm của người Việt, rồng là biểu tượng vương quyền, thường được đặt ở vị trí trang trọng trong các công trình kiến trúc. Trong khi đó, tượng rồng Champa thường được thể hiện thành một cặp đôi, đặt song song trước lối ra vào của tháp Chăm.
Hiện vật còn lại cùng cặp với tượng rồng của Bảo tàng Chăm Đà Nẵng đang được trưng bày tại bảo tàng Guimet ở Paris.
Cho đến nay, ý nghĩa của hình tượng rồng trong văn hóa Chăm vẫn còn có nhiều điều chưa được làm sáng tỏ.
Dù vậy, có thể coi bức tượng này là minh chứng cho sự khéo léo, óc sáng tạo và tính hài hước của các nghệ sĩ Chăm xưa.
Theo KIẾN THỨC