Ngày 21 tháng 10 năm 2021, vào lúc 2h chiều, tại Paris, bức bình phong sơn mài “Phong cảnh Phnôm-Pênh” (1943) nổi tiếng của họa sĩ Lê Quốc Lộc sẽ xuất hiện trong phiên đấu giá những tác phẩm nghệ thuật Châu Á, lot 114, tại sàn đấu giá Millon-Asium. Art Republik trân trọng giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi về tác phẩm này.
Bức bình phong 8 tấm, chất liệu sơn mài, tổng diện tích 400 x 199 cm (199 x 49.5 cm trên mỗi tấm), được định giá từ 200 đến 300 nghìn euros tại sàn Million-Asium ngày 21 tháng 10 năm 2021. Ảnh: Catalogue của Millon.
“Phong cảnh Phnôm-Pênh”, bức bình phong 8 tấm bằng chất liệu sơn mài, là một sáng tác tràn đầy tính hài hòa của Lê Quốc Lộc, họa sĩ tốt nghiệp khóa 12 (1938 – 1943), trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương.
Chất liệu sơn mài xuất hiện tại Việt Nam từ hơn 2500 năm trước, nhưng thị hiếu sơn mài tại Pháp vào những năm 1920, tiếp theo đó là xưởng sơn mài của Jean Dunand (1877 – 1942) (1) tại Paris được thành lập với những người thợ tuyển đến từ Đông Dương, đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành sơn mài tại Việt Nam. Khoa sơn mài được đưa vào giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào khoảng năm 1927, do Joseph Inguimberty phụ trách, Alix Aymé giúp đỡ về phương pháp thực hành, nhưng nghệ thuật sơn mài chỉ được công nhận chính thức kể từ sắc lệnh được ký bởi Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ngày 24.05.1938.
Đây là cách mà sơn mài truyền thống, từng được coi là một nghề thủ công/trang trí, đã được thăng hoa trong tác phẩm nghệ thuật với chất lượng hiếm có, dưới bàn tay tài năng của những người họa sĩ.
Họa sĩ Lê Quốc Lộc tại xưởng vẽ, nguồn: Internet.
Lê Quốc Lộc, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918, mất ngày 08 tháng 05 năm 1987, quê ở Hưng Yên. Một số tài liệu ghi ông tốt nghiệp khoá 1937 – 1942, nhưng 1937 là năm qua đời của hiệu trưởng Victor Tardieu, trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương không tổ chức tuyển sinh. Liên lạc với gia đình họa sĩ, chúng tôi được nghe kể vài chi tiết thú vị, cũng là những dấu ấn thường được nhắc đến khi nói về tiểu sử tác giả: năm 1943, họa sĩ có con trai đầu lòng tên Lê Huy Văn, cũng là năm tốt nghiệp, và cùng vào thời gian họa sĩ mở xưởng tư nhân. Đặc biệt, ông Lê Huy Văn kể rằng bức “Phong cảnh Phnôm-Pênh” được sáng tác đúng vào năm ông ra đời (2).
Như vậy, Lê Quốc Lộc theo học khóa 12 tại trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (1938 – 1943), khoa sơn mài. Tốt nghiệp năm 1943, ông mở xưởng tại số 42, phố Lò Đúc (Hà Nội). Thời đó, tại Hà Nội rất ít xưởng sơn mài, tiêu biểu có xưởng của Phạm Hậu, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Tỵ, Hoàng Tích Chù…Thông thường, các xưởng làm sơn mài này sản xuất theo đơn đặt hàng của Hợp tác xã các nghệ sĩ Đông Dương (Cooperative des Artistes Indochinois), do Joseph Inguimberty lãnh đạo và Trần Văn Cẩn điều hành.
Ngắm tranh Lê Quốc Lộc, ta nhận ra ông là người kế thừa kỹ thuật sơn mài truyền thống, am hiểu mỹ nghệ Việt Nam và đưa diện mạo sơn mài lên hàng nghệ thuật. Với tạo hình có giá trị thẩm mỹ, kết hợp kỹ thuật sơn mài xuất sắc, Lê Quốc Lộc đã cho ra đời những tác phẩm để lại nhiều dấu ấn trong lòng những người yêu nghệ thuật.
Thành công ở những tác phẩm mang đậm tính quê hương, tâm tình của ông tràn đầy trong tranh với làng quê thôn dã, những cánh đồng vàng rực, mây núi ngút ngàn, thấp thoáng tàn phượng vỹ vút cao hay hàng hoa gạo rực đỏ, phong cảnh sông quê làng chài ẩn mình sau khóm trúc, những ngôi chùa lặng lẽ dường như có thể nghe tiếng chuông vọng lên muôn ngàn tàu lá chuối biếc xanh…”Phong cảnh Phnôm-Pênh” là một trong những tác phẩm đặc sắc nằm trong mạch nguồn sáng tạo ấy.
Gia đình họa sĩ Lê Quốc Lộc cho biết chủ đề “Phnôm-Pênh” được sáng tác vào năm 1943 theo đặt hàng của Hoàng thân Norodom Sihanouk, miêu tả phong cảnh và con người của đất nước Chùa Tháp. Theo lời kể của họa sĩ Lê Trí Dũng, con trai thứ của họa sĩ Lê Quốc Lộc, năm 1979, ông có người bạn là phóng viên ở Thông tấn xã Việt Nam sang Campuchia công tác, đã tình cờ chụp được ảnh bức tranh sơn mài của họa sĩ có chủ đề “Phnôm-Pênh” nói trên, được treo trên tường của Hoàng cung. Họa sĩ Lê Trí Dũng cũng kể rằng gia đình đã nhận được thư cảm tạ của Đại sứ Campuchia tại Hà Nội. (3)
Bức tranh sơn mài có cùng chủ đề “Phnôm-Pênh” của họa sĩ Lê Quốc Lộc trong Hoàng cung của Hoàng thân Norodom Sihanouk năm 1979. Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp.
Cùng chủ đề và cùng năm sáng tác với bức tranh tại Hoàng cung, bức bình phong 8 tấm “Phong cảnh Phnôm-Pênh” có tổng diện tích là 400 x 199 cm (mỗi bức 50 x 199 cm), miêu tả sự hùng vĩ của thiên nhiên và con người.
Được sáng tác vào thời kỳ huy hoàng của sơn mài Việt Nam, “Phong cảnh Phnôm-Pênh” sử dụng những nguyên liệu thuần túy tự nhiên như: gỗ, nhựa cây sơn, vàng lá và vỏ trứng. Đứng trước tác phẩm, người xem có cảm giác yên bình, ấm áp. Điều lôi cuốn mọi ánh nhìn là những rực rỡ của sắc màu vàng son lộng lẫy.
Màu vàng, biểu tượng của tâm linh và hạnh phúc. Sắc đỏ, tượng trưng của nồng ấm và sự sống. Đây là những màu chủ đạo trong Phật giáo, được minh họa bằng các yếu tố khác nhau: đất đỏ, trời vàng.
Với bố cục cân đối, trải đều phong cảnh gần xa, bức bình phong được chia thành ba phối cảnh, thể hiện rõ nét chiều sâu của tranh. Cận cảnh là hình ảnh của những nhà sư: đang cầu nguyện, hoặc chuyện trò, một số người đang ban phước lành cho những người phụ nữ, vài người đang bình an dạo bước, người lại cầm chiếc ô, biểu tượng bảo vệ khỏi khổ đau và năng lượng tiêu cực.
Chi tiết trích đoạn từ bức bình phong “Phong cảnh Phnôm-Pênh” của Lê Quốc Lộc. Ảnh: Catalogue của Millon.
Ở lớp thứ hai của bức bình phong, tác phẩm đi vào chiều sâu của phong cảnh, nơi vẽ nhiều loại cây đặc trưng của miền Chùa Tháp như cây thốt nốt, cọ, dừa, chuối…lộng lẫy khoe mình trong sắc vàng son.
Lấp ló phía sau những tán cây, lớp thứ ba của bức tranh hiện ra, là bầu trời dát vàng rực rỡ, đây đó nhấp nhô những ngọn bảo tháp, thấp thoáng những gương mặt của Đức Phật.
Phải chăng đây là bình minh? Những mảnh vàng được dát lên nền trời tạo nên thứ ánh sáng mang màu sắc huyền bí, dường như lấp lánh những tia nắng xa xăm, khi ẩn khi hiện của buổi hừng đông, hắt vào thân thốt nốt ngược sáng in đậm trên nền son đỏ và nâu sẫm. Vỏ trứng được khảm trên áo sơ mi và điểm xuyết vài bông hoa trên xà rông của hai người phụ nữ tạo cảm giác sống động, nhẹ nhàng… Và ngôi chùa với mái ngói rực vàng lôi cuốn mọi ánh mắt. Người xem tranh đặt câu hỏi phải chăng đây là “chùa hoa sen” Wat Botum (4) ở Phnom Penh? Hình ảnh ngôi chùa như lời mời gọi con người hãy để thân thể bên ngoài, nhẹ nhàng rũ bụi trần, cho lòng thanh thản, để bước vào hòa mình giữa chốn tâm linh.
Phía dưới bên trái bức tranh là chữ ký của họa sĩ và năm sáng tác, được khắc chìm vào trong tranh.
Chi tiết trích đoạn có chữ ký từ bức bình phong “Phong cảnh Phnôm-Pênh” của Lê Quốc Lộc. Ảnh: Catalogue của Millon.
Bức bình phong này có xuất xứ thuộc bộ sưu tập gia đình Kraemer. Đến Đông Dương và định cư ở Hà Nội vào đầu thế kỷ 20 (khoảng năm 1900), Charles Joseph Kraemer kết hôn với Tô Thị Lợi và hạ sinh Henri vào năm 1908. Tham gia quân đội, giữ chức Lục sự tại Tòa án quân sự Hà Nội (tòa án cao nhất ở Đông Dương), Henri kết hôn với Nguyễn Thị Lai, là thương gia kim hoàn và nha phiến (buôn bán hợp pháp vào thời điểm đó). Năm 1943, bà đề nghị ông mua bức bình phong 8 tấm của Lê Quốc Lộc, trực tiếp từ người nghệ sĩ mới ra trường, còn chưa thành danh và có phần thiếu thốn lúc bấy giờ.
Năm 1953, đối mặt với Việt-Minh, gia đình Henri Kraemer rời Đông Dương chuyển đến Perpignan (miền Nam nước Pháp) rồi Bayonne và ở lại thành phố Biarritz cho đến ngày nay. Trong suốt cuộc hành trình ấy, bức bình phong sơn mài “Phong cảnh Phnôm-Pênh” đã luôn đồng hành cùng gia đình, từ khi rời xưởng vẽ của nghệ sĩ ở Hà Nội cho đến lúc định cư tại xứ Basque.
Bà Nguyễn Thị Lai và các con trước tác phẩm “Phong cảnh Phnôm Pênh” của Lê Quốc Lộc năm 1964. Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp.
Bà Nguyễn Thị Lai trước tác phẩm “Phong cảnh Phnôm Pênh” của Lê Quốc Lộc năm 1964. Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp.
Bà Nguyễn Thị Lai và một người bạn trước tác phẩm “Phong cảnh Phnôm Pênh” của Lê Quốc Lộc năm 1964. Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp.
“Phong cảnh Phnôm-Pênh” tỏa ra những tiếng vọng ngọt ngào êm dịu, thổn thức điệu ru huyền hoặc của một bài thơ xa. Tâm tình và hình ảnh trong tranh với những đường nét mềm mại và uyển chuyển đan kết với nhau, gửi đến người xem thông điệp của Phật giáo: hòa bình, ấm áp và rực rỡ sắc màu của trái tim.
Chú thích:
(1) Jean Dunand là nghệ sĩ người Pháp gốc Thụy Sĩ, sinh ngày 20.05.1877 tại Lancy, đến Pháp năm 1897, nhập quốc tịch Pháp năm 1922 và mất ngày 07.06.1942 tại Paris. Ông thực hành nghệ thuật điêu khắc, hội họa và đồ đồng thau. Năm 1912, ông gặp một người Nhật tên là Seizo Sugawara, người ông đã học nghề sơn mài từ đó và sau đó mở một xưởng sơn mài tại số 17, đường Hallé, quận 14, Paris. “Ông là một trong những nghệ sĩ Art-déco vĩ đại nhất”, trích lời Félix Marcilhac, trong cuốn “Jean Dunand, vie et œuvre”, Thames & Hudson, Londres, xuất bản năm 1991.
(2) Cuộc nói chuyện với Lê Huy Văn, con trai cả của họa sĩ Lê Quốc Lộc, ngày 12.08.2021.
(3) Cuộc nói chuyện với Lê Trí Dũng, con trai thứ của họa sĩ Lê Quốc Lộc, ngày 14.08.2021.
(4) “Chùa hoa sen” có tên đầy đủ là Wat Botum Wattey Reacheveraram, nghĩa là “ngôi chùa hoa sen do nhà vua xây dựng”.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23.08.2021
Nguồn Luxuo /Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi