Thành phố | Loại vàng | Giá bán | Giá mua |
KHẢO SÁT NGHIÊN NGỌC CÓ THƠ NGỰ CHẾ CỦA VUA CÀN LONG – ĐẠI THANH
Bài viết của Từ Hạnh
Hình 1: Hoàng đế Càn Long
Hình 2: Ngự thư của Hoàng đế Càn Long tại Bảo Hòa Điện ở Cố Cung Bắc Kinh
Trong văn phòng nhã ngoạn - các vật dụng trong thư phòng, nghiên có một vị trí vô cùng quan trọng. Các văn nhân tài tử xưa luôn tìm cho mình những vật thật ưng ý, thậm chí phần nào nói lên nhân sinh quan, thế giới quan của mình. Nếu đối với võ tướng, nhìn binh khí của họ, nhận ra phần nào tính cách: Yểm nguyệt loan đao của Quan Vân Trường dày mà nặng, sắc bén một bên, Quan Vũ tính tình cương nghị, trung nghĩa một lòng, giết tha phân biệt,...; Phương thiên họa kích của Lữ Phụng Tiên nhẹ nhàng, nhọn ở đầu, bén hai bên, Lữ Bố tính tình nông nổi, tráo trở thủ lợi, lạm sát lạnh lùng,...; Bát xà mâu của Trương Dục Đức hai lưỡi uốn lượn vào nhau thành một như vẫn là hai nhìn tưởng như đơn giản nhưng gai gốc,...Trương Phi là người luôn mang trong mình một mâu thuẫn nội tại, bên ngoài của kẻ võ phu là nhà thư pháp tài ba, bên ngoài vẻ võ biền là người có ít nhiều mưu trí...Với các vật dụng văn phòng cũng thế, nó phản ảnh lên nhiều về chủ nhân của nó. Người xưa có thể dùng mọi vật liệu tùy theo khả năng tài chính, địa vị xã hội trình độ thẩm mỹ của mình để sưu tập bộ văn phòng phù hợp: tre, gỗ, đá, gốm sứ, ngà,...có lẻ quý giá hơn hết là ngọc. Hoàng đế Càn Long của Trung Hoa và Hoàng đế Thiệu Trị của Việt Nam là những vị vua hay chữ, yêu chữ và yêu ngọc nên các món vật dụng văn phòng của hai Ngài bên cạnh những kỳ trân, bảo vật thì ngọc là được ưa chuộng nhất. Xin giới thiệu đến quý hữu chiếc nghiên ngọc có bài thơ ngự chế của vua Càn Long.
Hình 3,4: Nghiên ngọc
Chiếc nghiên ngọc này được chế tác từ ngọc Hòa Điền của vùng Tân Cương, tạo dáng lá sen, chạm hoa sen, cá chép, rong riêu cỏ lá,..sinh động, hàm ý tốt lành: liên ngư = liên dư = luôn viên mãn, đầy đủ,... Đặc biệt nhất, mặt sau của nghiên có khắc bài thơ ngự chế Đề Tùng Hoa Giang bố ngư thi - 題松花江捕魚詩 - Thơ đề đánh cá sông Tùng Hoa của vua Càn Long theo lối Lệ thư (một thể thư pháp mà vua Khang Hy và Càn Long yêu thích) cùng với dấu triện "Càn Long Ngự Chế" - 乾隆御製 và lạc khoản: Càn Long ngự thi nhất thủ Tân Mão niên Hạ nguyệt - 乾隆御詩一首 辛卯年夏月 - Thơ ngự chế của vua Càn Long bài đầu, Tháng năm , năm Tân Mão (1771). Năm Tân Mão tức năm vua Càn Long đáo tuế. Năm này, có nhiều sự kiện chúc mừng lục tuần đại khánh của Vua như: thiên tẩu yến - 千叟宴 tức tiệc mừng sinh nhật Vua cùng nhiều Kỳ lão trên sáu mươi tuổi,...Có phải chăng nghiên này cũng là một trân phẩm cung tặng Vua nhân dịp đó chăng? Mong rằng có dịp sẽ tìm hiểu. Bây giờ, chúng ta cùng thưởng thức bài thơ đánh cá để thấy được sự thân dân, yêu thiên nhiên, yêu lao động cần lao,...của một hoàng đế đam mê nghệ thuật, sống thọ nhất thời quân chủ phong kiến phương Bắc.
松江網魚亦可觀
潭情潦盡澄秋煙
虞人技癢欲效悃
我亦因之一放船
施罟旋近岸
清波可數鰷鱸鰱
就中鱏鰉稱最大
度以尋丈長鬐軒
波裏頹如玉山倒
擲叉百中誠何難
鉤牽繩曳乃就陸
椎牛十五一當焉
舉網邪許集眾力
銀刀雪戟飛繽翻
計功受賜即命罷
方慮當秋江水寒
Âm Việt Hán:
Tùng Giang võng ngư diệc khả quan
Đàm tình lạo tận trừng thu yên
Ngu nhân kỹ dạng dục hiệu khổn
Ngã diệc nhân chi nhất phóng thuyền
Thi cổ tuyền cận ngạn
Thanh ba khả số điều lô liên
Tựu trung phiêu hoàng xưng tối đại
Độ dĩ tầm trượng trường kỳ hiên
Ba lí đồi như ngọc sơn đảo
Trịch xoa bách trúng thành khả nan
Câu khản thằng duệ nãi tựu lục
Trùy ngưu thập ngũ nhất đương yên
Cử võng từ hứa tập chúng lực
Ngân đao tuyết kích phi tân phiên
Kế công thọ tứ tức mạng bãi
Vạn lự đương thu giang thủy hàn
Tạm dịch:
Lưới cá sông Tùng cũng khả quan
Khói thu một sắc nước thu tràn
Quản trò muốn được nhiều thành quả
Ta cũng ruổi theo một chiếc thuyền
Giăng lưới kéo gần bến
Sóng xanh gợn đếm vược, vền, liên
Chung lại cá hoàng trông rất lớn
Ước được tám mười thước vây lưng
Sóng nhồi giống tựa non ngọc đổ
Muốn đâm luôn trúng quả khó khăn
Câu móc dây thừng kéo vào bến
Thúc trâu năm chục mới sánh bằng
Kéo lưới cần nhiều người hợp sức
Đao bạc, lao tuyết bay ngổn ngang
Tính công chia phần xong ngơi nghỉ
Còn lại sông thu nước lạnh lùng.
Hình 5: Cảnh đánh cá trên sông Tùng Giang - Cát Lâm
Hình 6: Cá hoàng tức cá tầm Kaluga (Huso dauricus)
(Cá tầm Kaluga có kích thước rất lớn có thể dài đến 5,6 m, nặng 1000kg, tuổi thọ đến 80 năm, sinh trưởng chậm, phát dục muộn, trứng rất quý nên bị đánh bắt nhiều. Cá tầm Kaluga được IUCN liệt kê là loài nguy cấp từ ngày 1 tháng 8 năm 1996 (Số tham chiếu. 53964). Buôn bán quốc tế các sản phẩm từ cá tầm Kaluga bị nghiêm cấm (CITES II, từ ngày 1 tháng 4 năm 1998; CMS Phụ lục II. Danh sách các loài cực kỳ nguy cấp năm 2010 của IUCN. IUCN 2010. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2010. Được liệt kê là cực kỳ nguy cấp (CR A2bd ver 3.1 2009).