Thành phố | Loại vàng | Giá bán | Giá mua |
MẠN ĐÀM VỀ MỘT CHIẾC NAI SỨ CỔ
Bài viết của Từ Hạnh
Đồ sứ cổ - một trong những trân phẩm được các nhà thưởng ngoạn yêu thích. Những hiện vật có phương pháp chế tác công phu, tinh xảo, kiểu dáng thanh nhã, cân đối, họa pháp tinh tế, tài hoa và minh văn thâm thúy, ý nhị, càng hấp dẫn hơn nếu có một xuất xứ đặc biệt luôn là niềm mơ ước của các nhà sưu tầm – thưởng ngoạn. Một trong những hiện vật có những điều như thế là trân phẩm sẽ được giới thiệu sau đây.
Một chiếc nai sứ có cổ cao thong thả, bầu tròn đều đặn, căng tràn; trang trí men lão lam bổ ba ô men trắng vẽ phong cảnh, đề thơ bằng men chàm cùng huyết đỉa dưới men với hiệu đề sáu chữ Hán: Đại Minh Thành Hóa Niên Chế (大明成化年製) trong hai vòng tròng đồng tâm dưới đáy. (Vui lòng xem hình bên trên). Nhìn qua dáng, men, thai, cốt, họa pháp, hiệu đề,…có thể xác định nai này được làm thời Nam Minh (1644 – 1664) – Nam Trung Quốc (Tương đương thời Thuận Trị đến đầu thời Khang Hy)
Đây là một hiện vật được chế tác công phu, chiếc cổ cao, thanh cùng với men lão lam và men huyết đỉa rất dễ hỏng khi nung sản phẩm ở nhiệt độ cao: cổ dễ nứt, vỡ, rạn mối nối với phần bầu,…men dễ chảy làm hỏng ý tưởng ban đầu của họa tiết trang trí nhất là các họa tiết ở đây khá nhỏ và chi tiết. Với những khó khăn như trên nhưng người nghệ nhân xưa đã hoàn thành xuất sắc và để lại cho hậu thế một tác phẩm hoàn mỹ về cả hình dáng, họa pháp và thư pháp. Các bức tranh nhỏ phong cảnh non nước bao la, hữu tình, chữ viết chân phương mà điêu luyện, thêm phần cổ kính với những dấu triện “son” và điểm xuyết bằng men huyết đĩa làm toát lên vẽ trân kỳ, thanh nhã thể hiện trình độ tuyệt đỉnh của đề tài nhất thi nhất họa trên đồ sứ.
Càng lý thú hơn, khi đọc và tìm hiểu nội dung minh văn của hiện vật.
Trong ô tranh thứ nhất có đề hai câu thơ:
兩巖天作帶
萬壑樹披衣
Âm Việt – Hán:
Lưỡng nham thiên tác đái
Vạn hác thụ phi y
Tạm dịch:
Giữa hai đỉnh núi đai trời thắt
Bao muôn hang hốc áo cây trùm
Hai câu thơ này trích trong bài Tảo nhập thanh sơ hạp (早入清遠峽) của nhà thơ Tống Chi Vấn (宋之問,thời sơ Đường – Trung Quốc.
Trong ô thứ hai có đề hai câu thơ:
雁塔風霜古
龍池歲月深
Âm Việt – Hán:
Nhạn tháp phong sương cổ
Long trì tuế nguyệt thâm
Tạm dịch:
Tháp Nhạn dãi dầu cùng sương gió
Ao Rồng thăm thẳm với tháng năm
Hai câu thơ này trích trong bài Du Thiếu Lâm Tự (遊少林寺) của nhà thơ Thẩm Thuyên Kỳ (沈佺期), thời sơ Đường – Trung Quốc.
Trong ô thứ ba có đề hai câu thơ:
山色開圖畫
溪聲發管絃
Âm Việt – Hán:
Sơn sắc khai đồ họa
Khê thanh phát quản huyền
Tạm dịch:
Cảnh núi bày tranh vẽ
Tiếng khe trỗi sáo đàn
Hai câu thơ này không thuộc chính xác một bài thơ của một nhà thơ Trung Quốc nào từ trước đến lúc hiện vật này xuất hiện – Nam Minh. Tuy nhiên, có hai bài thơ của hai nhà thơ khác nhau có nhiều điểm giống với hai câu thơ này.
Một là, Thạch thiên thuật hoài (石阡述懷) của nhà thơ Kỳ Thuận (祁順) thời Minh, có hai câu thơ như sau:
雨餘山翠開圖畫
夜靜泉聲落管絃
Âm Việt – Hán:
Vũ dư sơn thúy khai đồ họa
Dạ tĩnh tuyền thanh lạc quản huyền
Tạm dịch:
Mưa tan núi biếc bày tranh vẽ
Đêm lặng suối vang vọng sáo đàn
Hai là, Thưởng xuân dữ cường cảnh minh bạn tục liên cú (賞春與强景明伴讀聫句) của nhà thơ Chu Thành Vịnh (朱誠泳), thời Minh, có hai câu thơ sau:
山色開圖畫
鶯聲錯管絃
Âm Việt – Hán:
Sơn sắc khai đồ họa
Oanh thanh thác quản huyền
Tạm dịch:
Cảnh núi bày tranh vẽ
Tiếng oanh ngỡ sáo đàn
Qua đó, nhận thấy các câu thơ trong thư tịch của hai nhà thơ thời Minh trên khác khá nhiều hai câu thơ trên nai sứ về cách dùng từ. Từ đó, ảnh rất nhiều về ý và tứ thơ.
Hai câu thơ của Kỳ Thuận là thất ngôn nên nhiều hơn hai câu thơ trên nai sứ mỗi cầu hai chữ và đúng chữ vào đầu và trong câu khác nhau các chữ: “thúy” và “sắc”, “tuyền” và “khê”, “lạc” và “phát”. Về thi pháp, cùng một ý mà mô tả càng ít từ càng khéo bởi thơ là “ý tại ngôn ngoại”. Về mặt ý, “mưa tan” và “đêm lặng” làm cho vế sau trở nên kém phần ý nhị vì núi đẹp như tranh đâu do núi mà do “mưa tan” và suối vang tiếng sáo đàn phải chờ khi “đêm lặng”. Nhà thơ chưa đạt đến cái chỗ thấy cái hiển nhiên của sự vật còn vướng trong bao ràng buộc đối đãi của hình thức nên còn chìm sâu trong vọng tưởng thế tục. Lục tổ Huệ Năng từng ra kệ:
菩 提 本 無 樹
明 鏡 亦 非 臺
Âm Việt – Hán:
Bồ Đề bổn vô thụ
Minh cảnh diệc phi đài
Tạm dịch:
Bồ Đề vốn không cội
Gương sáng chẳng do đài
Về cách dùng từ chữ “sơn thúy” không bằng chữ “sơn sắc”. Sơn thúy là màu xanh biếc của núi, còn “sơn sắc” là cảnh núi không đi vào chi tiết màu nào. Như trên phân tích, núi đã như tranh vẽ thì màu nào chẳng là tranh?! Ca dao Việt Nam có câu rất hay:
Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh Em đứng chỗ nào cũng xinh.
Về từ “lạc” và “tuyền” xin bàn ở bên dưới cả ba từ “lạc”, “thác” và “phát”.
Hai câu thơ của Chu Thành Vịnh có cầu đầu giống hoàn toàn với câu đầu trên nai sứ còn câu thứ hai thứ hai khác ở các từ sau: “khê” và “oanh”, “thác” và “phát”. Khê là khe nước chảy giữa hai vách núi ít có độ dốc và suối cũng gần giống như khe nhưng lớn hơn và có thể có độ dốc hơn. Nên dùng khê thì có vẽ thanh nhã hơn trong ngữ cảnh “tiếng đàn sáo” bởi nước ở khe chày êm dịu hơn nên tiếng sẽ dìu dặt hơn nước chảy ở suối. Nhưng ở đây, tạm xem là không có sự khác biệt giữa “khê” và “tuyền”. Còn “khê” và “oanh” thì khác lắm. vì về từ “tiếng oanh” đối với “cảnh núi” thì rõ là không cân mà “cảnh núi” đối “tiếng khe” hay “tiếng suối” thì rất “đẹp đôi” mà còn thỏa đáng nữa. Tiếng oanh là cho cầu thơ trở nên đượm mùi “sắc giới” và so sánh tiếng oanh với tiếng sáo đàn thì cũng chưa ổn lắm. Về ba từ “lạc” “thác” và “phát”. “Lạc” là rơi rớt, sót lại nên ở đây hiểu là vọng có nghĩa là nước suối chảy đi còn vọng lại âm thanh nghe như tiếng sáo đàn; “thác” là hiểu nhầm, ở đây hiểu là ngỡ có nghĩa là nghe tiếng oanh ngỡ là tiếng sáo đàn, một cách so sánh ngầm nhưng không chỉnh bởi tiếng oanh là đơn âm giống tiếng sáo thì còn có lý chứ giống tiếng sáo đàn hay tiếng một khúc nhạc thì có phần gượng ép vậy; “phát” là một động từ bao quát nên ở đây có thể hiểu là trỗi, tiếng khe trỗi nên khúc nhạc thì hợp lắm và thanh lắm!
Như vậy, hai câu thơ trên nai sứ hay hơn các câu thơ trích dẫn còn lại vậy. Nhưng tại sao có sự dị bản này? Rất khó có câu trả lời chính xác nên cũng chỉ “đập cổ kính ra tìm lấy bóng” mà đưa ra một số giả thuyết sau:
Thứ nhất, câu thơ trên nai sứ gần với nguyên tác của một trong hay nhà thơ trên hay nói cách khác các bài thơ trong sách đã bị thay đổi ít nhiều sau một số lần san định.
Thứ hai, câu thơ trên nai sứ được chỉnh lại từ câu thơ của hai nhà thơ trên theo một quan niệm thẩm mỹ khác.
Thứ ba, câu thơ trên nai sứ là nguyên tác của một tác giả khác mà hai nhà thơ trên đã lần lượt mượn tứ thơ để sáng tác thành các câu thơ của mình.
Giả thiết một rất hay xảy ra nhưng ở đây từ cách dùng từ đến tứ thơ khác nhau nhiều nhất cái “ý tại ngôn ngoại” của tác giả. Rõ ràng thể hiện ba trình độ thi pháp cũng như khả năng “ngộ” cái lý “chân thường” rất khác biệt nhau.
Giả thiết thứ hai cũng có xảy ra và nhiều nhất là thơ ca trên đồ sứ và ngay cả trên tuồng hát của Cung đình Việt Nam xưa (đã cho chỉnh khác nguyên gốc cho phù hợp với văn hóa Việt Nam: Đức Từ Dụ cho chỉnh tuống Tiết Đinh San chinh Tây là Phàn Lê Huê không được giết cha và anh để theo tình lang,...). Đã có nhiều trường hợp được chứng minh. (Xin trình bày riêng trong dịp khác).
Giả thiết thứ ba là giả thiết gây tranh cải nhiều nhất vì khó tìm ra sự thật nhất.
Nếu giả thuyết thứ hai xảy ra thì chiếc nai sứ này rất có khả năng là đồ sứ ngoại giao hoặc ký kiểu của thời kỳ đầu tiên triều Lê Trung Hưng (Lê – Trịnh) là đàn chú, đàn anh của các Khánh Xuân, Nội Phủ... sau này.
Bởi theo, theo sách Nam Minh Sử (南明史 - 卷七 志第二 禮) thì thời kỳ này Hoàng triều Lê – Đại Việt vẫn có ban giao, tiến cống cho Nam Minh nên đây có thể là vật lại quả ngoại giao tuy hiệu đề vẫn là tiền triều Minh nhưng thơ họa kiểu dáng đã theo kiểu thức Đại Việt chăng?
Câu trả lời xin hẹn ở một ngày mai, khi có nhiều tư liệu và hiện vật hơn.