Tranh sơn mài là một phát hiện lớn lao về mặt nghệ thuật và kĩ thuật thể hiện của nền hội họa Việt Nam nói riêng và hội họa Á Đông nói chung. Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Kế An, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Khang, Trần Đình Thọ,… là những cái tên không thể không nhắc tới khi nói đến hội họa sơn mài.
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1909 – 1993)
Theo ông Thái Bá Vân, với nửa thế kỷ hội họa của mình, Nguyễn Gia Trí là một trong vài ba ngôi sao sáng nhất của nghệ thuật sơn mài hiện đại ở Việt Nam. Ông được mệnh danh là ” cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam”. Điều này càng đặc biệt ý nghĩa khi trước đó, sơn mài chỉ được sử dụng như một chất liệu trang trí truyền thống. Và mãi tới những năm 1930, với Nguyễn Gia Trí, Trần Quang Trân, Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Hậu chân trời hội họa mới mở ra với chất liệu ấy.
Danh họa Tô Ngọc Vân viết: “Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người làm ra nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng”.
Thoạt đầu của công cuộc khai thác sơn ta, những tên tuổi như: Nguyễn Văn Quế, Tạ Tỵ, Phạm Hậu, Mạnh Quỳnh, Nguyễn Khang, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… đều góp mặt. Phần lớn các tranh giai đoạn này trầm nặng, cổ kính, hệ thống nét tỉ mỉ, trau chuốt thiên về chất trang trí. Duy chỉ có Nguyễn Gia Trí vượt trên tất cả… màu sắc được tự do ngao du cất tiếng hát kể truyện cổ tích… những khung cảnh đời thường như khóm tre, bụi chuối, hồ sen… giờ đây lung linh huyền ảo bên những lưng ong thoắt ẩn, thoắt hiện… những nét vàng như tự trong sâu thẳm sơn then bất chợt cao vọi phóng túng như cánh diều no gió hay khúc hát cao vút dội vào trời xanh, nâng hồn ta hoan hỷ, ngập tràn trong ánh sáng. Đó là thứ ánh sáng của những vùng hư ảo từ sâu thẳm tâm linh biến đổi thể chất của vàng bạc, sơn son chiếu rọi chan chứa thấm đẫm đến người và vật.
Dưới đây là một số bức tranh sơn mài nổi tiếng của ông:
Bức tranh Dọc mùng – 1939.
Bức tranh Vườn xuân Bắc Trung Nam – Được coi là bảo vật quốc gia, hiện thuộc sở hữu của Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.
Bức tranh Giáng Sinh (Nhà thờ Mai Kha – Sài Gòn).
Bức tranh Múa dưới trăng.
Bức tranh Cảnh nông thôn.
Bức tranh Thiếu nữ bên hồ sen.
Bức tranh Thiếu nữ bên hoa phù dung.
Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-1988)
Ông đã làm cuộc cách tân đáng kể trong lĩnh vực sơn dầu và nhất là sơn mài. Đồng thời, ông cũng khai thác thành công phong cách nghệ thuậthội hoạ hiện đại Châu Âu, nhưng vẫn không xa rời nghệ thuật dân gian và cổ truyền Việt Nam. Nghệ thuật của ông là sự kết hợp hài hoà giữa tính hiện đại và tinh hoa của dân tộc. Cùng với Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, ông là cây đại thụ của sơn mài Việt Nam. Nếu như Nguyễn Gia Trí đưa sơn mài đến đỉnh cao của những cảnh thần tiên, thì Nguyễn Sáng đẩy sơn mài đến đỉnh cao với tầng lớp đời thường, chiến tranh, cách mạng, những xung đột của cuộc sống hiện tại. Ông bổ sung vào sơn mài bảng màu vàng, xanh, diệp lục với cách diễn tả phong phú dường như vô tận. Những tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Sáng nằm ở sơn mài và đấy là đóng góp lớn nhất của Nguyễn Sáng cho hội hoạ cả về chất liệu và danh tiếng. Các tác phẩm của Nguyễn Sáng có tầm cỡ về kỹ năng, mang rõ những thông điệp lớn về thân phận con người và tiềm ẩn một tài năng lớn của sáng tạo hiện đại cho nền mỹ thuật Việt Nam. Giai đoạn sung sức nhất trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Sáng vào thập niên 70.
Lớp học đêm (1990).
Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ – bức tranh đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (1922)
Là một họa sĩ vẽ tranh sơn mài, sơn dầu và bột màu nổi tiếng, Ông là một người trong bộ tứ Nghiêm – Liên – Sáng – Phái của hội họa Việt Nam.
Đêm Giao Thừa – Nguyễn Tư Nghiêm.
Điệu mùa cổ – 1970.
Điệu múa cổ – 1983.
Ông Gióng – 1990.
Con nghé quả thực – Nguyễn Tư Nghiêm – 1957.
Họa sĩ Phan Kế An (1923)
Hoạ sĩ Phan Kế An có tài sáng tác ở nhiều thể loại và sử dụng thành thạo nhiều chất liệu như: sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… Tranh của ông chứa phong cách hiện thực, tập trung nhiều đề tài gắn bó với lãnh tụ, kháng chiến, sinh hoạt của các dân tộc miền núi, trung du bằng cảm xúc chân thực và sâu lắng. Những bức tranh sơn mài của ông có thể kể đến là: Nhớ một chiều Tây Bắc – 70x112cm (1955); Gặt ở Việt Bắc – 60x50cm (1955); Những đồi cọ 150cmx250cm (1965).
Nhớ một chiều Tây Bắc – Phan Kế An – 1955.
Họa sĩ Lê Quốc Lộc (1918-1987)
Lê Quốc Lộc – Qua bản cũ – 1958, sơn mài. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Hoạ sĩ Lê Quốc Lộc chuyên sáng tác tranh sơn mài bằng kĩ thuật truyền thống, với những tìm tòi sáng tạo, bố cục độc đáo, biểu hiện cảm xúc về kháng chiến và cách mạng. Ông am hiểu sâu sắc về nghệ thuật thủ công mĩ nghệ truyền thống và có công đào tạo, phát triển ngành mỹ thuật công nghiệp ở Việt Nam.
Hội chùa – Lê Quốc Lộc – 1939.
Lê Quốc Lộc – Giữ lấy hòa bình. 1960 – Sơn mài – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Khang (1911 – 1989)
Hội đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh đã nhận xét: Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Khang là những tranh sơn mài xuất sắc, có vẻ đẹp tinh tế và sâu sắc, biểu đạt những ý tưởng tốt đẹp của họa sĩ về đất nước và kháng chiến, ông nghiên cứu sâu sắc về nghệ thuật trang trí, có công lớn trong việc đào tạo và xây dựng ngành Mỹ thuật công nghiệp ở nước ta.Những tác phẩm sơn mài như Mường mến yêu – 1939; Ngưu Lang – Chức nữ – 1943; Nguyễn Trãi – Thị Lộ – 1944; Ông nghè vinh quy – 1944; Bốn con ngựa và hai bé mồ côi – 1944; Thú vui nông thôn – 1944 và điển hình là tác phẩm Đánh cá đêm trăng – 1945 đang được lưu giữ trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được nhiều người biết đến.
Đánh cá đêm trăng – Nguyễn Khang – 1943.
Hành quân qua suối – Nguyễn Khang – 1962 – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Hòa bình hữu nghị – Nguyễn Khang.
Họa sĩ Trần Đình Thọ (1919 – 2010)
Tranh sơn mài của ông được sáng tác công phu và hoàn chỉnh theo phong cách truyền thống, phản ánh những hoạt động sản xuất, chiến đấu và phong cảnh quê hương. Nhiều tranh của ông đạt được chất lượng nghệ thuật cao và được công chúng rộng rãi biết đến.
Tre – Trần Đinh Thọ – 1957.
Hành quân đêm – Trần Đình Thọ – 1974.
Họa sĩ Nguyễn Đức Nùng
Nguyễn Đức Nùng là họa sĩ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu mĩ thuật Việt Nam, ông sáng tác trên nhiều chất liệu nhưng tiêu biểu là tranh sơn mài với kĩ thuật truyền thống. Các tác phẩm sơn mài của ông chủ yếu là đề tài cách mạng, kháng chiến và sản xuất, theo phong cách hiện thực với nhiều tìm tòi, thể nghiệm, sáng tạo, mang tình khái quát và có giá trị nghệ thuật cao.
Quay tơ dệt vải – sơn mài – Nguyễn Đức Nùng – 1957 – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Bình minh trên nông trang – sơn mài – Nguyễn Đức Nùng – 1958.
Nguyễn Du đi săn – sơn mài – Nguyễn Đức Nùng – 1973.
Ngoài những tác giả kể trên, ngày nay, một nhóm họa sĩ (hiện nay có 52 thành viên) lấy tên là Nhóm họa sĩ Sơn ta cũng góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo mới cho thể loại tranh sơn mài nước nhà. Có thể kể đến một số tên tuổi như: Nguyễn Trường Linh , Phan Quang Tuấn, Trần Tuấn Long, Chu Viết Cường, Nguyễn Kim Đồng, Nguyễn Đức Đàn, Trần Ngọc Hưng, Đặng Phương Thảo, Nguyễn Văn Bảy, Đặng Chính Trung…
Xuân trên rẻo cao – Phan Quang Tuấn.
Nắng chiều – Phan Quang Tuấn.
Bình minh – Nguyễn Trường Linh.
Hà Nội có cầu Long Biên – Nguyễn Trường Linh.
Lai Châu – Nguyễn Kim Đồng.
Nhịp điệu – Đặng Phương Thảo.
Trong vườn – Đặng Chính Trung.
Theo DESIGNS.VN