Hoa khảm hay còn được gọi là công nghệ tế kim, đem các sợi đồng, vàng, bạc làm thành những sợi mỏng như tơ như tóc, sau đó được uốn cong thành hoa văn hoặc bện lại cùng nhau. Đằng sau mỗi món đồ hoa khảm tuyệt đẹp là một quy trình thủ công khó khăn, vất vả, cùng biết bao mồ hôi của những nghệ nhân tâm huyết.
Tám loại cổ vật tuyệt vời nhất thuộc về nước Yên (Thời Chu, ngày nay thuộc phía Hà Bắc và phía nam Liêu Ninh, Trung Quốc), bao gồm: Hoa khảm, khảm nạm sơn kim, đồ men cảnh thái lam, ngọc bội, chạm khắc ngà voi, sơn khắc, thảm hoàng cung, và thêu thủ công. Tám tuyệt kỹ nghệ thuật thủ công này đã hấp thu hết thảy tinh hoa của nghề thủ công dân gian; đến thời Thanh triều đã lên đến đỉnh cao, cũng dần dần hình thành một trường phái nghệ thuật đặc sắc trong cung đình gọi là “Kinh tác”. Hết thảy đều thiện mỹ, chỉ có thể chiêm ngưỡng, không thể nói lên lời.
Những cổ vật thượng hạng của đất nước Trung Hoa này thể hiện: tinh xảo mỹ cảm cùng yên tĩnh siêu nhiên; là cảnh giới tối cao của sự xa hoa; với những màu sắc đỏ thắm, vàng của ánh dương, màu tím hồng…; những hoa văn huyền diệu mang dáng dấp cung đình Đông Phương; những tay nghề khéo léo tuyệt vời; và đủ để làm cả thế giới tươi đẹp.
Hoa khảm gắn liền với những báu vật hoàng gia
Có câu rằng:
Thái kim vi ti, diệu thủ biên kết
Khảm ngọc chuế thúy, thị vi nhất tuyệt
(Sắc thái vàng kim trên sợi tơ, dùng tay đan kết; khảm ngọc phỉ thúy (màu lông chim bói cá xanh), là đệ nhất tuyệt mỹ)
Khay đựng và chén bằng công nghệ hoa khảm
Hoa khảm hay còn được gọi là công nghệ tế kim, đem các sợi đồng, vàng, bạc làm thành những sợi mỏng như tơ như tóc, sau đó được uốn cong thành hoa văn hoặc bện lại cùng nhau. Những sợi tơ bằng kim loại quý được khảm với mã não hay điểm thúy (lông màu xanh của chim phỉ thúy – chim bói cá) hay ngọc bích với các màu lam hay đỏ khác nhau.
Công nghệ cơ bản của hoa khảm được khái quát trong 8 từ: bóp, lấp, xếp, chồng, dệt, bện, lắp ghép, hàn. Tám kỹ thuật này, trong quá trình làm có thể căn cứ tình huống thực tế để tiến hành theo các thứ tự khác nhau. Đằng sau mỗi món đồ hoa khảm tuyệt đẹp là một quy trình thủ công khó khăn, vất vả, cùng biết bao mồ hôi của những nghệ nhân tâm huyết.
Kỹ thuật Hoa khảm
Kỹ thuật Hoa khảm
Từ thời Xuân Thu đến “Yến kinh tám tuyệt” (Tám loại cổ vật tuyệt vời nhất của nước Yến, thời nhà Chu) và cho tới tận ngày nay, hoa khảm luôn luôn là nghề thủ công đệ nhất của chế tác đồ châu báu thượng hạng, “vô xuất kỳ hữu” (chưa từng có đối thủ). Bởi vì quá trình làm ra sản phẩm cực kỳ phức tạp và sử dụng vật liệu đắt tiền, nó chủ yếu được sử dụng để làm đồ dùng cho Hoàng thất.
Mũ miện của Hoàng đế Vạn Lịch thời Minh với công nghệ hoa khảm
Mũ miện của Hoàng đế Vạn Lịch thời Minh với công nghệ hoa khảm
Qua trình này bắt đầu bằng việc rút kim loại vàng ra thành những sợi mỏng như tơ, rất nhẵn nhụi và mềm dẻo. Sau đó những người thợ thủ công giỏi có thể bện những sợi dây vàng này thành những đường nét; như được thể hiện trên những mũ miện của Hoàng đế. Mũ miện của Hoàng đế Vạn Lịch thời Minh chính là mũ miện đầu tiên được sử dụng công nghệ hoa khảm; qua đó đã trở thành huyền thoại trong mắt của mọi người.
Vương miện của Hoàng hậu với nghệ thuật điểm thúy lục long tam phượng – Thời Minh
Phượng quan (vương miện) của Hoàng hậu cũng chính là một loại sản phẩm khác của nghệ thuật hoa khảm; loại hoa khảm nhẵn nhụi kết hợp với điểm thúy, tạo nên một sự kết hợp giữa màu xanh bích với màu ánh kim cực kỳ sang trọng, quý phái. Trên miệng của hai con rồng có đính hai chuỗi hạt mã não, theo bước đi của người đội mũ mà chuyển động, tạo ánh sáng lung linh đẹp tuyệt trần.
Trâm cài tóc Song loan hàm thọ
Trâm cài tóc Song loan hàm thọ
Trâm cài đầu Song loan hàm thọ là đỉnh cao của nghệ thuật hoa khảm triều đại nhà Minh. Triều đại nhà Minh có nghệ thuật hoa khảm phức tạp và tinh tế hơn so với các triều đại trước đây, yêu cầu cao về tính sinh động khéo léo. Đôi chim loan này được chế tạo bằng nghệ thuật hoa khảm, hai cánh màu vàng kim được phân biệt rõ ràng, thân hình nhỏ xinh, đầy đặn và sinh động. Xảo diệu nhất ở chỗ, cặp chim được kết nối với nhau qua một bông hoa và sử dụng lò xo dưới chân chim để tạo sự động đậy nhẹ nhàng cho đôi chim khi người cài trâm di chuyển, giống như đôi chim đang sắp cất cánh bay, sống động như thật.
Ly Vĩnh cổ của Hoàng đế Càn Long – Thanh triều
Ly Vĩnh Cổ trong thời Càn Long được khảm nạm rất nhiều những bông hoa trên toàn bộ thân ly; ở giữa mỗi một đóa hoa đều có một nhụy hoa, mỗi một nhụy hoa lại là một viên ngọc màu sắc khác nhau; so với những tác phẩm thời Minh thể hiện quý giá hơn. Phức tạp hơn nữa là, chân ly nhìn giống như chiếc vòi voi; nên toàn bộ chiếc ly giống như chú voi mạnh mẽ, đứng vững trên mặt đất. Lịch sử đương triều ghi chép rằng, nó ngụ ý cho sự toàn vẹn và phồn vinh của quốc gia.
Bình hoa bằng bạc mạ vàng với công nghệ hoa khảm – Thanh triều
Bình hoa bằng bạc mạ vàng với công nghệ hoa khảm – Thanh triều
Thời Khang Càn thịnh thế, quyền lực quốc gia nhà Thanh đã đạt đến đỉnh cao, nghệ thuật thủ công cũng được đạt đến mức độ tột đỉnh; nhất là những tác phẩm về hoa khảm, bình hoa bằng hoa khảm là một ví dụ. Nó là một chiếc bình hoa đặc biệt, được phối hợp từ những sợi bạc sợi vàng. Những sợi tơ mạ vàng tỏa ra ánh sáng lấp lánh, hư ảo, khiến cho bình hoa như đưa người xem vào một không gian đầy linh thiêng. Tầng tầng lớp lớp tơ vàng, đường nét quanh co, dù nhìn từ góc nào cũng có thể cảm giác được sự tròn đầy của bình hoa. Theo lịch sử ghi chép lại, bình hoa này do hơn 10 người thợ thủ công có tay nghề cao phối hợp mới làm ra.
Những công dụng khác của đồ hoa khảm trong Hoàng thất
Kỹ nghệ Hoa khảm có thể ứng dụng trong nhiều loại và hình dạng đồ vật thượng hạng khác nhau.
Loại thứ nhất là đồ trang sức như vòng tay, giây chuyền, bông tai, trâm cài đầu, cài áo, nơ áo v.v.
Bông tai Hoa khảm (Ảnh: zhengjian)
Vòng tay Hoa khảm
Trâm cài đầu Hoa khảm
Loại thứ hai là đồ vật trang trí trong phòng, như bình phong nhỏ treo trong phòng, bình hoa, kiến trúc, tạo hình dáng các loại động vật v.v.
Hộp đựng Hoa khảm
Nắp đậy cốc Hoa khảm
Thứ ba là các loại đồ dùng, chủ yếu là những món đồ nhỏ như hộp đựng kính, hộp đựng các loại, gạt tàn thuốc, nắp đậy cốc chén, hộp tăm, dao nhỏ, thậm chí cả túi xách v.v.
Hộp đựng Hoa khảm
Túi xách Hoa khảm
Hoa khảm là nghệ thuật của vàng và lửa, là kho báu của Hoàng gia cổ xưa, cũng là nghề thủ công tinh tế nhất, cùng với những viên đá nạm quý giá, đã đưa vẻ đẹp của vàng và bạc đến cấp độ cao nhất.
Cái đẹp không phân biệt cao thấp, giàu nghèo; tất cả cái đẹp được tạo ra với khát khao cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cho dù, với mức độ quý giá của nó, đồ vật hoa khảm có lẽ sẽ vĩnh viễn không bao giờ đi được vào được cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhưng sự tồn tại của chúng làm chúng ta tin tưởng vào những sáng tạo và tiềm năng không giới hạn để tạo ra cái đẹp của con người.
Theo sohu.com