Thành phố | Loại vàng | Giá bán | Giá mua |
TẢN MẠN VỀ CHIẾC HỦ GỪNG THỜI TUYÊN THỐNG – ĐẠI THANH
Bài viết của Nhã Thức
Ngày 14 tháng 11 năm 1908, Thanh Đức Tông Cảnh Hoàng Đế - 清德宗景皇帝 (tức Quang Tự đế - 光緒) của Đại Thanh băng hà tại Doanh Đài sau 10 năm bị Từ Hy Thái Hậu - 慈禧太后 giam cầm khổ sai vì làm cuộc Chính biến Mậu Tuất (1898) và Bách nhật duy tân. Từ Hy Thái Hậu lại băng hà sau Quang Tự đế một ngày tại điện Nghi Loan ở Trung Nam Hải và khi hấp hối Bà ấn định Phổ Nghi - 溥儀 là người kế vị hoàng đế. Phổ Nghi trở thành hoàng đế thứ 12 của Đại Thanh lúc 3 tuổi vào tháng 12 năm 1908, lấy năm 1909 làm Tuyên Thống nguyên niên - 宣統元年. Ngày 29 tháng 12 năm 1911, Tôn Trung Sơn - 孫中山 được cử làm Đại tổng thống Lâm thời của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc - 中華民國 tại Nam Kinh. Ngày 12 tháng 2 năm 1912, Long Dụ Thái Hậu - 隆裕太后 với thân phận Nhiếp Chính đã thay mặt hoàng đế ký với Trung Hoa Dân Quốc Thanh đế thoái vị chiếu thư - 清帝退位詔書 và Thanh đế thoái vị ưu đãi điều kiện - 清帝退位優待條件 tại Bắc Kinh. Theo đó, Phổ Nghi và triều đình được phép sống tiếp tục tại Tử Cấm Thành, kể cả Di Hoà Viên, Chính phủ Cộng Hoà sẽ trợ cấp cho hoàng gia 4 triệu lượng bạc mỗi năm và duy trì một vị hoàng đế cũng như một triều đình nhà Thanh chỉ còn lại hư danh trong Tử Cấm Thành và tồn tại song song với chính quyền dân quốc. Thời gian này, Phổ Nghi vẫn được đối xử như một vị Thiên tử và nhận được mọi sự kính trọng cũng như quyền hành trong triều đình riêng của mình. Đặc biệt, Quân phiệt Trương Huân - 張勛 đã phục hồi đế vị cho Phổ Nghi trong 12 ngày từ ngày 1 tháng 7 đến 12 tháng 7 năm 1917. Như vậy, niên hiệu Tuyên Thống về ý nghĩa toàn quốc thì không còn sau ngày 12 tháng 2 năm 1912, nhưng thực tế vẫn tồn tại đến khi Phổ Nghi chính thức bị Quân phiệt Phùng Ngọc Tường - 馮玉祥 trục xuất khỏi Tử Cấm Thành ngày 5 tháng 11 năm 1924.
Hình 1 - Phế đế Tuyên Thống
Hình 2 - Phế đế Tuyên Thống
Hình 3 - Cố Cung - Tử Cấm Thành - Bắc Kinh
Hình 5 - Di Hòa Viên
Hình 7 - Thanh Đế thoái vị chiếu thư
Qua mấy dòng lược sử trên, chúng ta đủ thấy một thời kỳ nhiễu nhương, loạn lạc của thời quân chủ suy vong mà dân chủ cũng còn mờ mịt. Bên cạnh phái “Đả cựu nghinh tân” (đánh đổ cái cũ, chào đón cái mới) thì không ít người vẫn “Thủ cựu bài tân” (Giữ gìn cái cũ, bài bác cái mới) mà sự kiện phục hồi đế vị năm 1917 là một ví dụ về bề nổi của lập trường này. Tất cả những lập trường đó có thể có động lực đằng sau từ sự tranh giành quyền lực, quyền lợi cá nhân, phe nhóm nhưng đâu đó vẫn có những người không thoát khỏi hoài niệm thưở vàng son, chưa quên được ký ức thời quá vãng như một nữ danh sĩ nước ta – Bà Huyện Thanh Quan từng chạnh lòng:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương.
(Thăng Long Thành hoài cổ)
Và Cụ Tam Nguyên Yên Đổ từng viết:
“Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào.”
(Thu Vịnh)
Hay Cụ Tú Xương từng hoài niệm khi sông Vị Hoàng bị lấp một đoạn:
“Sông kia rày đã nên đồng,
Nơi làm nhà cửa, nơi trồng ngô khoai,
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”.
(Sông Lấp)
Và có những người vẫn rất ủng hộ cái mới nhưng cũng vô cùng trắc ẩn với cái đã qua như:
Đêm bạc đớn đau lòng Chiêu Thánh,
Ngày hồng khấp khởi cuộc Nguyên Phong.
(Không đề - Viên Thông Đường)
Sự hoài niệm ấy cùng với sự chuyển mình tích cực của một số hoàng gia, dung hòa được quyền lợi chính đáng của các giai tầng trong xã hội, cùng chung hướng về quyền lợi đất nước và cuộc sống người dân đã hình thành và quyết định sự thành công của nhiều nền quân chủ lập hiến vẫn đang tồn tại và phát triển trên thế giới đến hôm nay với không hiếm các Anh quân cường quốc.
Trong những năm Tuyên Thống đó, bên cạnh những loạn lạc thay chủ, đổi ngôi thì có những nghệ nhân nơi trấn Cảnh Đức vẫn cần mẫn tay nghề, tiếp tục tạo ra những tác phẩm cung tiến về Tử Cấm Thành – Bắc Kinh. Ai đã từng đọc qua tự truyện Nửa cuộc đời trước đây của tôi - 我的前半生 (bản dịch tiếng Anh có tên From Emperor to Citizen - Từ Hoàng đế đến Thường dân) của chính Phổ Nghi và xem Phim hoàng đế cuối cùng của đạo diễn người Ý Bernardo Bertolucci thì cảm nhận được bên trong những vòng thành màu đỏ (Tử cấm thành) ấy không gian và thời gian dường như đọng lại chỉ có vị phế đế đang lớn lên âm thầm mà thôi. Những vị “lão thần” vẫn phe phẩy cờ long tinh vào 12 ngày phục hồi đế vị năm 1917 mà đâu biết trời đất đang rung chuyển với Đệ nhất thế chiến, người dân đang oằn mình với chiến loạn cát cứ của các tập đoàn quân phiệt… Những nghệ nhân vẫn miệt mài như định mệnh an bài họ như vậy. Nếu hỏi họ rằng họ yêu nghề hay yêu hoàng đế,…họ sẽ không trả lời được. Điều duy nhất họ có thể là trình ra một tác phẩm mà người khó tính, sành chơi cách mấy cũng phải tấm tắc ngợi khen. Nên trong giai đoạn dầu sôi, lửa bổng ấy vẫn để lại hôm nay nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc biệt là đồ sứ đẹp đến nao lòng với những hiệu đề tá danh các tiên hoàng uy dũng của Đại Thanh như Khang Hy, Ung Chính, Càn Long và một số rất ít đề niên hiệu chính triều tức Tuyên Thống. Thật nhân quả tuần hoàn, ba thế kỷ trước đó, Khi người Mãn Châu thống lĩnh bát kỳ vượt Sơn Hải Quan tiến vào Bắc Kinh nhờ sự phản trắc của Ngô Tam Quế, nắm quyền đại thống thì đâu đó những tàn quân sót lại của Đại Minh cố lây lất thêm mấy triều (mà sử gọi Nam Minh) cũng làm đồ sứ đề niên hiệu Tuyên Đức, Thành Hóa, Vạn Lịch,… Điều giống nhau của hai thời kỳ này có những vị hoàng đế như Sùng Chinh và Tuyên Thống, có những phản thần như Ngô Tam Quế và Viên Thế Khải, có những “tân quân” rộng lượng như Khang Hy và Tôn Trung Sơn … mà chúng ta quan tâm nhất là có những đồ sứ rất đẹp, rất tinh tế nhưng như những tia nắng hoàng hôn cuối cùng cố lóe sáng trước khi bóng đêm trùm phủ chăng? Tuy nhiên, sau Nam Minh, Đại Thanh đã phục hồi và phát triển văn hóa đồ gốm sứ lên tầm cao mới để nay bao người yêu đồ xưa cũ mới có dịp vui – buồn với những: nấm linh chi, Khang Hy Niên chế, Ung Chính Niên chế, Càn Long Niên chế,... Lang Diêu Hồng, Thúy lĩnh, Phấn thái,...còn sau thời Tuyên Thống (tồn tại song song cùng Hồng Hiến, Dân Quốc) thì tất cả đã chìm vào sâu thẳm của tang thương, dâu bể,…Có thể nói không ngoa rằng: Gốm sứ Đại Thanh Tuyên Thống Niên Chế là chiếc hồng diệp sau cùng của dãy Thiên Sơn trước khi bước vào trời đông giá lạnh. Tại sao là chiếc hồng diệp của dãy Thiên Sơn? Bởi Thiên Sơn là một ngọn núi rất hùng vĩ mà đẹp nhất vào cuối thu khi mà các cây phong vào mùa sắp rụng lá, khi đó tất cả lá màu đỏ như hoa của mùa xuân nên Thiên sơn hồng diệp là một tuyệt cảnh:
停車坐愛楓林晚
霜葉紅於二月花
(山行 - 杜牧)
Âm cổ:
Đình xa tọa ái phong lâm vãn
Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa
(Sơn hành – Đỗ Mục)
Nghĩa:
Dừng xe ngồi ngắm rừng phong xế,
Sương lá hồng như hoa giữa xuân.
(Đi đường núi – Đỗ Mục)
Hình 8 - Sắc thu Thiên Sơn
Hình 9 - Sắc thu Thiên Sơn
Hình 9 - Lá đỏ Thiên Sơn
Đồ sứ Trung Hoa là đỉnh cao của gốm sứ trên thế giới như ngọn Thiên Sơn mà đồ sứ thời Tuyên Thống như những chiếc hồng diệp sau cùng vụt đỏ rực xinh đẹp như hoa xuân để vào đông băng giá, nét đẹp của úa tàn, phôi pha, …
Qua đó, chúng ta càng đồng cảm hơn với người nghệ nhân thời loạn vượt qua mọi xáo trộn cuộc sống vẫn dâng tặng cho đời những đó hoa ngát hương để rồi ở đâu đó không hiếm kẻ thiển cận, cuồng tín đã ném đóa hoa của họ kèm theo lời miệt thị là “tàn dư của …”. Người Việt xưa thật chí lý:
Thương thay thân phận con rùa,
Lên đền đội hạc, xuống chùa đội bia.
(Ca dao Việt Nam)
Và tiếc rẻ:
Anh tưởng giếng sâu, anh nối sợi dây dài,
Ai ngờ giếng cạn, Anh tiếc hoài sợi dây.
(Ca dao Việt Nam)
Và nhắn nhủ trong tuyệt vọng rằng:
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
(Ca dao Việt Nam)
Trở lại, bộ sưu tập mà tôi hữu duyên thưởng ngoạn, không khỏi bồi hồi, phấn kích hòa lẫn trắc ẩn, bâng khuâng về một hiện vật có hiệu đề sáu chữ Đại Thanh Tuyên Thống Niên Chế - 大清宣統年製, tạo dáng lọ gừng hay hũ gừng hoặc chóe gừng (Ginger Jar Vase). Bên cạnh tạo dáng chỉnh chu, sang trọng, lọ này được trang trí rất tinh tế, thẩm mỹ và kỹ thuật bằng việc kết hợp men lam vẽ hoa dây dưới men bổ ô vẽ hoa cảnh men màu trên men rất tài hoa, điêu luyện.
Hình 10 - Lọ gừng - Hủ gừng - Chóe gừng - Jinger Jar Vase thời Tuyên Thống
Vượt qua những vấn đề vật chất, chiếc lọ này khơi dậy cho ta một niềm trắc ẩn về những thân phận con người dù họ là đế vương một thưở:
閣中帝子今何在
檻外長江空自流
(滕王閣 - 王勃)
Âm cổ:
Các trung đế tử kim hà tại?
Hạm ngoại Trường Giang không tự lưu.
(Đằng Vương Các – Vương Bột)
Nghĩa:
Con vua trong gác giờ đâu nhỉ?
Cuồng cuộng Trường giang chảy trước hiên.
(Gác Đằng Vương – Vương Bột)
Hình 11 - Trường Giang