Thành phố | Loại vàng | Giá bán | Giá mua |
TẢN MẠN VỀ CHIẾC LỌ HOA SỨ CÓ HIỆU ƯU ĐÀM
Bài viết của Từ Hạnh
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ hơn hai nghìn năm trước và cùng thăng trầm với vận mệnh dân tộc Việt Nam. Phật giáo đã mang tinh thần bình đẳng, vị tha và giải thoát hòa nhập vào dòng chảy của tư tưởng, tâm linh và cuộc sống để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Trong thời kỳ Bắc thuộc, với tác phẩm Mâu Bác Lí Hoặc Luận, tầng lớp trí thức Phật giáo ở Giao châu đã đủ trưởng thành về lí luận trên cơ sở yêu nước và tinh thần bình đẳng của Phật giáo, khẳng định mọi dân tộc đều có quyền bình đẳng, không một dân tộc nào dù lớn hay mạnh mà có quyền áp đặt những y chí phi nghĩa của mình lên dân tộc khác, tư tưởng này đã bác bỏ những tư tưởng bá quyền “Đại Hán” của bọn “Thánh hiền” phương Bắc nhằm muốn đồng hóa và nô dịch dân tộc ta,. Sự quật khởi của dân tộc ta đã lớn dần đến khi đuổi sạch bọn bá quyền mở ra kỷ nguyên độc lập – tự chủ của dân tộc: Đinh, Lí, Trần, …
Trong các triều Đinh, Tiền Lê, Lí, Trần, Phật giáo đã giữ vai trò then chốt trong tư tưởng của những người lãnh đạo lẫn quần chúng cần lao. Văn hóa nước nhà phát triển đến đỉnh cao với màu sắc Phật giáo rõ nét. Từ những công trình kiến trúc hoàng thành, chùa chiền,…đến những vật dụng gốm. Ngày nay, chúng ta không quá khó để thấy các hiện vật này ở các bảo tàng trong nước và quốc tế, các bộ sưu tập quốc gia và tư nhân: những chiếc thạp gốm vai chạm cánh sen, những chiếc âu, ang, bát vuốt cánh sen với chất liệu là gốm hoa nâu, lục,…Tuy nhiên, những biến động triều Hồ và hai mươi năm u ám trong sự tàn bạo và tàn độc của quân xâm lược nhà Minh, những thư tịch và các công trình lớn của chúng ta đã bị phá hủy. Khi Bình Định Vương Lê Lợi dương cao ngọn cờ tụ nghĩa quét sạch bóng quân thù mang lại độc lập cho quê hương thì do những mâu thuẫn của hậu duệ họ Trần và âm mưu chia rẽ của quân thù nên các triều đầu của nhà Lê đã quay lưng lại với Phật giáo. Rồi triều Lê sơ lâm vào nguy biến, khi mà tư tưởng Nho giáo của “Đại Hán” không thể đáp ứng được tâm tư, tình cảm,…của đại bộ phận xã hội Việt Nam. Nhà Mạc đã thay nhà Lê trong vai trò quản lí đất nước và đã phát hiện ra điều đó nên đã phục hồi và phát huy vai trò của Phật giáo. Khi nhà Lê trung hưng, chúa Trịnh ở Bắc hà, chúa Nguyễn ở Nam hà đều kế thừa và phát huy truyền thống Phật giáo.
Ở Bắc hà, thiền phái Trúc Lâm được phục hồi với hình ảnh của bậc danh tăng – Thiền sư Minh Châu Hương Hải, thiền phái Tào Động với Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt. Tuy nhiên, vua Lê và chúa Trịnh là những nhà lãnh đạo ủng hộ và bảo trợ cho việc phát triển của Phật giáo ở giai đoạn này chứ không là trực tiếp tu hành hoặc có nhưng không có những đóng góp nổi bậc như thời Lí, Trần,…
Ở Nam hà, khi vào vùng đất mới với nhiều khó khăn, thử thách, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho dựng chùa Thiên Mụ như một điểm tựa tâm linh cho những người con tha hương và cũng là một tuyên ngôn về tư tưởng cho vùng đất mới. Các đời chúa sau vẫn tiếp tục tư tưởng này. Có một trường hợp đặc biệt là Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu. Ngài lên ngôi chúa Nam hà khi 17 tuổi, đến năm 19 tuổi Ngài thọ Bồ-tát giới với Hòa thượng Thạch Liêm Đại Sán, được ban pháp danh Hưng Long pháp hiệu Thiên Túng Đạo Nhân, Ngài cho dựng Giác Vương Nội Điện làm nơi tu trì mỗi khi xong việc chính sự. Từ đó, Ngài đã vận dụng tư tưởng Phật giáo vào công cuộc quản lí, xây dựng đất nước, định đất ở phương Nam,…với quan niệm “cư Nho mộ Thích” đã tạo nên một dãy Nam hà trù phú, thạnh trị, buôn bán sầm uất, giao thương rộng rãi với nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Mã Lai đa đảo,…với thương cảng Hội An, chính dinh Phú Xuân, dinh Trấn Biên, xứ Đông Nại, …Chính Ngài là nhà lãnh đạo đã chính thức kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bên cạnh là một Phật tử thuần thành, một vị minh chúa thì Ngài còn là một người đam mê và sáng tác nghệ thuật (Bức hoành phi “Lai Viễn Kiều” ở chùa Cầu – Hội An, hoành phi “Linh Thứu Cao Phong” ở chùa Thiên Mụ - Huế, câu đối chùa Diệu Đế - Huế là ngự bút của Ngài, Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” là văn chương ngự chế của Ngài,…). Thời kỳ đó, với chính sách ngoại giao cởi mở của Ngài, những thiền sư nổi tiếng của Trung Quốc, những trí thức, thương gia của các nước đến truyền đạo, tìm hiểu, giao dịch, …ở Nam hà rất nhiều. Ngài cho kí kiểu đồ sứ tại Trung Hoa, Nhật Bản,…với những trân phẩm mang hình ảnh thắng cảnh non nước Nam Hà với thơ Hán, Nôm ngự chế hoặc các tác phẩm kinh điển của các danh thần như Đào Duy Từ: Ải Lĩnh xuân vân, Tư Dung thắng Cảnh, Thiên Mụ hiểu chung, Hà Trung yên vũ, Tam Thai thính triều, Thuận Hóa vãn thị,… Qua những tác phẩm đó, chúng ta cảm nhận được ở Ngài một nhân cách lớn, một nhà cai trị tài ba, một tinh thần yêu nước nồng nàn, một tình yêu thiết tha cùng vạn hữu,…đặc sắc nhất là Ngài đã dùng quốc hiệu Việt Nam trong bài Hà Trung yên vũ (河中烟雨) – Mù tỏa Hà Trung:
越南亦有瀟湘景
欲倩丹青寫未成
Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh
Dục thiến đan thanh tả vị thành
Tạm dịch:
Việt Nam cũng có Tiêu Tương cảnh
Muốn vẽ mà sao vẽ chẳng thành.
Từ một số thông tin trên, chúng ta thấy Ngài là một Phật tử tu hành giới Bồ tát tinh nghiêm, một nhà lãnh đạo tài ba, chân chính,…Từ đức Nhân Tông triều Trần về sau ít có vị minh quân nào sánh được đạo đức công nghiệp như Ngài, xứng đáng là Bồ tát hạ sinh, Chuyển luân thánh vương giáng thế. Cũng vì thế, Ngài được sự kính mến của nhân dân, ngưỡng mộ của các trí thức trong nước (như nhà bác học Lê Quí Đôn – là đại thần Bắc hà) và ngoài nước mà trong đó có các thiền sư Phật giáo và đặc biệt là Hòa thượng Thạch Liêm – bổn sư của Ngài. Hòa thượng Thạch Liêm là một thiền sư uyên bác, quảng văn, tài hoa tột bực,…Hòa thượng không có những sáng tạo trong tư tưởng Phật giáo nhưng Hòa thượng lại rất thành công trong việc vận dụng tư tưởng Phật giáo trong cuộc sống và nghệ thuật. Hòa thượng đã ít nhiều ảnh hưởng đến nhân sinh quan, thế giới quan và phương pháp luận của Ngài trong tu thân, tề gia, trị quốc, an dân, đối đãi thiên hạ,… Trong tác phẩm Hải Ngoại kỉ sự, Hòa thượng Thạch Liêm đã thể hiện tình cảm, quí mến và trân trọng dành cho Ngài…
Khi được thưởng ngoạn chiếc lọ sứ xanh trắng có hiệu đề ưu đàm (優曇), nhìn dáng nhất thống uy nghi, men lam hồi xanh thẩm, thai thanh mảnh chỉnh chu, cốt bạch đôn tử trắng bóng, họa pháp tài hoa, hiệu đề thể triện,…thì rõ là đồ sứ thượng phẩm của trấn Cảnh Đức, Trung Quốc đầu thế kỉ 18, tức cùng thời của Ngài. Có nhiều người cho rằng đây có khả năng là đồ kí kiểu của Hoàng triều Lê – Trịnh. Tuy nhiên, khi nhìn hiệu đề ưu đàm thì chúng tôi có quan điểm khác.
Ưu đàm là một loài hoa đặc biệt của Phật giáo. Trong kinh điển đạo Phật có nói về hoa ưu đàm như sau:
“Hoa Ưu Đàm do điềm lành linh dị sinh ra; đây là một loài hoa của Trời, trên thế gian không có. Nếu một đấng Như Lai hoặc Chuyển Luân Thánh Vương hạ xuống thế gian con người, loài hoa này sẽ xuất hiện nhờ đại ân và đại đức của Ngài.” (Kinh Huệ Lâm Nghĩa)
“Này A Nan! Như Lai vì lòng đại bi vô tận thương xót ba cõi nên xuất hiện ở đời, tuyên dương giáo pháp là muốn cứu bạt quần manh, đem lợi ích chân thật, khó gặp khó thấy, như hoa ưu đàm hiếm khi xuất hiện, lời hỏi hôm nay của ông lợi ích rất lớn.” (Kinh Vô Lượng Thọ)
''Chư Phật xuất thế
là sự khó có,
vì lẽ lâu xa
mới gặp một lần.
Mà dẫu chư Phật
đã xuất thế rồi,
nói về pháp này
là sự khó có.
Vô số thời kỳ
mới nghe pháp này,
nên sự nghe ấy
là sự khó có.
Như hoa ưu đàm
ai cũng ưa thích,
đến như chư thiên
cũng thấy hiếm có,
vì lẽ thỉnh thoảng
mới trổ một lần.
Những người nghe nổi
pháp như thế này
nghe rồi hoan hỷ
ca tụng tán dương,
thì dẫu đến nỗi
chỉ phát một lời,
cũng đã hiến cúng'
tam thế chư Phật.
Nên người như vậy
hết sức khó có,
khó có hơn cả
hoa thiêng ưu đàm...'' (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa)
"Nầy đại chúng ! Phật ra đời rất khó gặp khó thấy như hoa Ưu Đàm" (Kinh Đại Bát Niết Bàn).
Qua các đoạn trích trên, chúng ta nhận thấy hoa ưu đàm là loài hoa thiêng chỉ xuất hiện khi bậc thánh nhân xuất thế.
Phải chăng, chính Hòa thượng Thạch Liêm bằng uy tín và tài hoa của mình đã kí kiểu lọ hoa này để dâng tặng lên Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu? Vì hơn ai hết trong thời ấy, không ai xứng đáng và hiểu tường tận giá trị của trân phẩm có hiệu đề Ưu đàm như Ngài. Quà tặng này vừa tao nhã, vừa động viên mà cũng là sách tấn cho người đệ tử đặc biệt của Hòa thượng.
Hôm nay, ngồi ở thư phòng thấm giọng giọt trà thơm, lắng mùi hương trầm tỏa, thưởng ngoạn trân bảo, mở cửa sổ nhìn ra một dãy đất phương Nam trù phú, giở tờ báo thấy bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa của nước nhà,…mắt bỗng nhòe đi nhìn hoa mai vẽ trên lọ bổng chốc hóa ưu đàm, hương hoa thiêng lan tỏa cả tâm hồn kẻ tục tử phàm phu yêu đồ cũ kĩ này. Thầm ngâm:
Hương lòng đồng cảm dâng tiền bối
Vật mọn chân tình gửi hậu sinh.
(Kính cụ Vân Đường – Viên Thông Đường)