Thành phố | Loại vàng | Giá bán | Giá mua |
TẢN MẠN VỀ CHIẾC RÌU TRONG VĂN HÓA CỔ
Bài viết của Nhã Thức
Một trong những công cụ hay vũ khí đầu tiên của loài người là chiếc rìu tay và chiếc lao. Ở thời kỳ hồng hoang, rìu và lao là những hòn đá và cành cây dễ cầm có sẳn trong thiên nhiên dần dần có tác động của con người. Đến một trình độ phát triển, con người đã kết hợp rìu tay và lao tạo thành hai loại hình:
Cả hai đều ít nhiều còn mang ít nghĩa phồn thực.
Hình 1: Cặp khánh đá cổ - Chùa Long Cảm - Thanh Hóa - Việt Nam
Trong phạm vi bài này, chúng ta sẽ trò chuyện cùng nhau về chiếc rìu.
Rìu là một dụng cụ lao động và chiến đấu phổ biến từ Đông sang Tây với hầu hết các nền văn hóa trên thế giới từ cổ xưa đến hiện đại. Tiếng Anh gọi là Ax, tiếng Pháp là Haches, Tiếng Tây Ban Nha là Hacha, tiếng Bồ Đào Nha là Machado đều bắt nguồn từ tiếng La tinh là Axe. Tiếng Hy Lạp là τσεκουρια, tiếng Ba Tư là تبر, tiếng Ả rập là الفأس, tiếng Hindi là कुल्हाड़ी, tiếng Hán là 斧钺.
Về vật lý học, rìu là một dạng máy cơ đơn giản. Năng lượng của rìu gồm thế năng rìu lúc được nâng lên và sức người tác động, được giải phóng dưới dạng động năng với thời gian tác động nhỏ nên lực tác động lớn.
Về văn hóa, phương Tây từ thời La Mã rìu đã trở thành một biểu tượng của uy quyền; phương Đông từ đời Thương (Trung Quốc), rìu được gọi là phủ việt và được xem nghi trượng thống lĩnh quân đội. Trước sự tàn bạo của Trụ Vương, Chúa của Tây Kỳ - Chu Võ Vương đã vượt Hoàng Hà, hội 800 chư hầu tại Mạnh Tân để diệt Trụ. Tại Đàn Kim Đài, Võ Vương “bái” Khương Tử Nha làm tướng soái thống lãnh đại quân phạt Trụ, trao Búa Việt, Cờ Mao để hiệu lệnh quân đội. Rìu cũng là một dụng cụ hành quyết phổ biến ở cả Đông - Tây cho đến đầu thế kỷ 20.
Hình 2: Thần Thor - Hy Lạp
Hình 3: Hoàng đế Decius - La Mã
Hình 4: Rìu (Phủ Việt) và lưỡi rìu - Đời Thương - Trung Quốc
Ở Việt Nam, chúng ta đã phát hiện rìu tại các di chỉ khảo cổ có niên đại rất sớm từ thời đại đồ đá cũ thuộc các nền văn hóa như: Văn hóa Ngườm (23000 năm trước Tây lịch), Văn hóa Tràng An (23000 - 1000 năm trước Tây lịch), Văn hóa Sơn Vi (20000 - 12000 năm trước Tây lịch), Văn hóa Soi Nhụ (18000 - 7000 năm trước Tây lịch); thời đại đồ đá mới thuộc các nền văn hóa như: Văn hóa Hòa Bình (12.000 - 10.000 năm trước Tây lịch), Văn hóa Bắc Sơn (10.000 - 8.000 năm trước Tây lịch), Văn hóa Quỳnh Văn (8.000 - 6.000 năm trước Tây lịch), Văn hóa Cái Bèo (7.000 - 5.000 năm trước Tây lịch), Văn hóa Đa Bút (6.000 - 5.000 năm trước Tây lịch); thời đại đồ đồng đá như Văn hóa Hạ Long (3.000 - 1.500 năm trước Tây lịch), Văn hóa Phùng Nguyên (2.000 - 1.500 năm trước Tây lịch); thời đại đồ đồng như: Văn hóa Đồng Đậu (1.500 - 1.000 năm trước Tây lịch), Văn hóa Gò Mun (1.000 - 600 năm trước Tây lịch); đặc biệt đến thời đại đồ sắt mà tiêu biểu là Văn hóa Đông Sơn (700 – 100 năm trước Tây lịch) rìu được chế tác rất tinh tế và thẩm mỹ có thể đã mang một biểu tượng văn hóa – chính trị rõ nét. Rìu với công dụng là vũ khí và ý nghĩa biểu tượng tồn tại đến hết triều Nguyễn – triều đại Quân chủ sau cùng của nước ta. Trong suốt thời quân chủ, đặc biệt là vương triều và hoàng triều Nguyễn (1558 – 1945), Búa Việt và Cờ Mao (Phủ Việt – Mao Kỳ) là biểu tượng của nhà chúa, nhà vua và chiếc rìu được đi vào nghệ thuật múa qua bài múa Bát Dật. Rìu với công dụng là công cụ lao động vẫn đang tồn tại trong cuộc sống hằng ngày ở nước ta đến ngày nay và có lẽ rất lâu sau nữa.
Hình 5: Rìu đá - Văn hóa Phùng Nguyên - Việt Nam
Hình 6: Rìu, lưỡi rìu đồng và họa tiết người cầm rìu trên trống đồng - Văn hóa Đông Sơn
Hình 7: Cảnh sinh hoạt thời Nguyễn - Việt Nam
Hình 8: Múa Bát Dật - Cung Đình Huế - Vũ công cầm rìu - Việt Nam
Về Dịch học, chiếc rìu có hai phần 金 - 木 kim – mộc hoặc 金 - 木 mộc – kim, tương ứng với quẻ 天雷無妄 – Thiên Lôi Vô Vọng (|::|||) hoặc 雷天大壯 – Lôi Thiên Đại Tráng (||||::). Quẻ Vô Vọng có nghĩa là không nghĩ càn, không làm càn khi trật tự đã được lập lại, nên quẻ sau quẻ 復 – Phục. Mới xem qua quẻ này dường như biểu hiện sự tiêu cực vì khuynh hướng bảo thủ (Conservatism) trái với khuynh hướng cấp tiến (Radicalism) luôn biến động của Dịch, cuộc sống và sự sống. Tuy nhiên, nếu nghiệm kỹ thì ta thấy không phải vậy. Bởi lẻ, khi trật tự đã được lập lại thì thời vô vọng phải diễn ra để duy trì cái trật tự đó đến khi có biến động mới. Khi nào thời biến đổi đến thì chỉ cần đảo quẻ Vô Vọng sẽ thành quẻ Đại Tráng với ý nghĩa hoàn toàn ngược lại là phấn chấn, tiến lên. Qua đó, chúng ta càng thấm thía tâm ý của người xưa khi trao phủ việt cho tướng soái, đạo làm tướng là:
以大義而勝兇殘
以至仁而易彊暴
(平吳大告 - 阮廌)
Âm cổ:
Dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn
Dĩ chí nhân nhi dị cường bạo
(Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi)
Nghĩa:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo
(Đại cáo Bình Ngô – Nguyễn Trãi)
Lúc nhân dân đang hứng chịu sự “hung tàn” của lũ “cường bạo” thì người làm tướng phải đứng lên đập tan ách thống khổ lập lại thái bình cho bá tính. Khi cuộc sống đã an vui, người làm tướng không nên nghĩ càn, làm càn để trở thành kẻ kiêu binh mà luôn đứng giám sát, giữ an bình cho xã hội nếu có sự đe dọa cho sự an bình đó thì người làm tướng lại:
揭竿為旗 氓隸之徒四集
投醪饗士 父子之兵一心
(平吳大告 - 阮廌)
Âm cổ:
Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập
Đầu giao hưởng sĩ, phụ tử chi binh nhất tâm.
(Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi)
Nghĩa:
Nhân dân bốn cỏi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới
Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào
(Đại cáo Bình Ngô – Nguyễn Trãi)
Và sâu xa hơn, bậc làm tướng chỉ dụng binh vì chính nghĩa hay khi chính nghĩa bị đe dọa, dùng chiến tranh để lập lại thái bình, làm tướng là bảo vệ sự sống chứ không phải cướp đoạt sự sống, không vì mục đích phi nghĩa mà trở thành kẻ xâm lược, quân khát máu, lũ bạo tàn.
Như vậy, đối với dân tộc cũng như đất nước Việt Nam và nhiều dân tộc cũng như đất nước khác ttrên thế giới, rìu đã từng tồn tại và phát triển với vai trò là một biểu tượng văn hóa chính trị, được chế tác với nhiều chất liệu tùy theo điều kiện, nguyên liệu và quan điểm thẩm mỹ của từng cộng đồng nên việc tìm hiểu và sưu tầm về rìu hay phủ việt là một điều thú vị.
Chúng tôi có cũng có sưu tập được một chiếc phủ việt với chất liệu đồng, được chế tác công phu, tinh xảo, lớp “men” thời gian như ngọc, tạo dáng hình rồng, đầu rồng có chữ “王”- Vương biểu tượng của uy quyền…nhìn tổng thể phong cách và chất liệu đây là một phủ việt của nước ta thời quân chủ.
Hình 9: Phủ Việt trong bộ sưu tập - Hiếu Cổ - Việt Nam
Sau bao biến cố thăng trầm của dân tộc, thịnh suy của triều đại, tồn vong của đất nước…hôm nay, nhìn lại hiện vật của một thời kỳ vàng son của một dân tộc mà chưa bao giờ không phải chống ngoại xâm như chúng ta, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động lẫn bâng khâng: phủ việt nào từng trong tay của Phù Đổng Thiên Vương phá Thương Ân, Triệu Vũ Đế, Trưng Vương phá Đại Hán, Lý Nam Đế phá Đại Lương, Mai Hắc Đế phá Đại Đường, Thái úy - Lý Thường Kiệt phá Đại Tống – bình Chiêm Thành, Thái sư – Trần Thủ Độ phá Mông Nguyên, Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn phá Đại Nguyên, Lê Thái Tổ phá Đại Minh, Quang Trung Hoàng đế phá Đại Thanh, Thế Tổ - Gia Long đã trao cho hải đội khi Ngài thân chinh đến Hoàng Sa – Trường Sa, Trương Minh Giảng phá Xiêm La, Nguyễn Tri Phương phá Đại Pháp ở Sơn Trà…tất cả biến thành một động lực thôi thúc chúng tôi, ngày càng sống tốt hơn, lao động hăng say hơn…sưu tập nhiều hiện vật hơn để lưu giữ những hơi ấm, những bài học của tiền nhân đã để lại cho ta nghìn năm văn hiến huy hoàng như bài thơ trong nội thất điện Thái Hòa – Đại Nội Huế:
文獻千年國
車書萬里圖
鴻厖開闢後
南服一唐虞
Âm cổ:
Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ
Hồng bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất đường ngu
Nghĩa:
Đất nước nghìn năm văn hiến
Non sông muôn dặm nối liền
Kể từ Hồng Bàng mở cõi
To đẹp một dãy trời Nam