TẢN MẠN VỀ CHIẾC TÔ SỨ KÝ KIỂU ĐỀ TÀI “ẢI LĨNH XUÂN VÂN” - PHẦN 1, PHẦN 2 - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

TẢN MẠN VỀ CHIẾC TÔ SỨ KÝ KIỂU ĐỀ TÀI “ẢI LĨNH XUÂN VÂN” - PHẦN 1, PHẦN 2 - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

TẢN MẠN VỀ CHIẾC TÔ SỨ KÝ KIỂU ĐỀ TÀI “ẢI LĨNH XUÂN VÂN” - PHẦN 1, PHẦN 2 - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

TẢN MẠN VỀ CHIẾC TÔ SỨ KÝ KIỂU ĐỀ TÀI “ẢI LĨNH XUÂN VÂN” - PHẦN 1, PHẦN 2 - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

TẢN MẠN VỀ CHIẾC TÔ SỨ KÝ KIỂU ĐỀ TÀI “ẢI LĨNH XUÂN VÂN” - PHẦN 1, PHẦN 2 - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU
TẢN MẠN VỀ CHIẾC TÔ SỨ KÝ KIỂU ĐỀ TÀI “ẢI LĨNH XUÂN VÂN” - PHẦN 1, PHẦN 2 - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU
Scroll top

bàn tròn thưởng ngoạn

Liên kết

Tỉ giá

Tỷ giá ngoại tệ Vietcombank ngày :


Thành phố Loại vàng Giá bán Giá mua

TẢN MẠN VỀ CHIẾC TÔ SỨ KÝ KIỂU ĐỀ TÀI “ẢI LĨNH XUÂN VÂN” - PHẦN 1, PHẦN 2

11-06-2018

TẢN MẠN VỀ CHIẾC TÔ SỨ KÝ KIỂU ĐỀ TÀI “ẢI LĨNH XUÂN VÂN”

Bài viết của Nam Quân

PHẦN 1

CƠ SỞ THÔNG TIN

Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, việc định danh những hiện vật đồ sứ do Việt Nam đặt các lò gốm sứ trứ danh của Đại Minh và Đại Thanh làm là đề tài tranh luận của nhiều nhà sưu tầm, nghiên cứu. Nhưng dần dần theo năm tháng, sự phát hiện thêm nhiều nguồn thư tịch viết về vấn đề này đồng thời sự trưởng thành và phát triển của giới sưu tập nên danh từ “đồ sứ ký kiểu” được cộng đồng chấp nhận rất cao. Hôm nay, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin về vấn đề này cùng những ý kiến chủ quan của mình ngõ hầu góp thêm một chút tư liệu và quan điểm vào bàn trà thưởng ngoạn.

Do hoàn cảnh lịch sử nước nhà, các thư tịch của chúng ta đã mất mát nhiều qua các cơn binh lửa cũng như những lần thay chủ đổi ngôi…đến nay chúng tôi tiếp cận được các tài liệu có viết đề đồ sứ ký kiểu sau:

Một là, Phủ Biên Tạp Lục của Quế Đường - Lê Quý Đôn (1726-1784), một tác phẩm rất đặc biệt trong nền thư tịch nước ta nhất là đối với những ai muốn nghiên cứu về Nam Hà thời Chúa Nguyễn. Theo lời tựa do chính Lê Quế Đường viết đầu sách thì Ông được Chúa Trịnh cử vào Nam Hà làm Hiệp trấn Tham thị quân cơ vào mùa xuân năm Bính Thân – năm Cảnh Hưng thứ 37 (1776) và hoàn thành tác phẩm này vào ngày 15 tháng 8 cùng năm. Phải chăng sau khi tiếp đánh chiếm Phú Xuân, quân Trịnh đã phá hủy nhiều văn vật ở Nam Hà trong đó có thư tịch hay là mang hết về Bắc sau đó bị binh lửa Tây Sơn rồi Đại Thanh…nên ngày nay thư tịch viết về Nam Hà thì Phủ Biên Tạp Lục là tác phẩm đáng quan tâm nhất viết về thời kỳ đó vì:

  • Lê Quý Đôn vào Nam Hà thời kỳ đầu của công cuộc bình định Nam Hà với chức quan lớn – Phụng sai Thuận Hóa Quảng Nam đẳng đạo tham thị, tham tán quân cơ, Thuận Hóa trấn hiệp trấn phủ hữu thắng cơ, nhập thị bồi tụng Hộ bộ tả thị lang, Dĩnh Thành Hầu nên Ông tiếp cận được nguồn tài liệu cao cấp của Phủ chúa Nguyễn, các cơ quan hành chính trọng yếu của Nam Hà và tìm hiểu mọi việc một cách thuận lợi. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy tác phẩm này chỉ hoàn thành trong khoảng sáu tháng có khả năng Ông biết các tài liệu này sẽ khó được tham khảo về sau.
  • Lê Quý Đôn là một nhà khoa học nên tác phẩm Ông viết rất sinh động và khá trung thực mặc dù Ông khi viết Ông ở vai trò là một đại quan của Bắc Hà. Trong tác phẩm chúng ta không khó thấy được những đoạn Ông ca ngợi những thành tựu kinh tế – văn hóa – xã hội …của Nam Hà nhưng bằng lối viết tài hoa Ông đã tránh việc không hài lòng chúa Trịnh.
  • Tác phẩm này đến nay kết cấu, hành văn rất khúc chiết, lien tục, tinh tế…không có dấu hiệu dị bản của đời sau. Các bản hiện đang được lưu trữ có độ đồng nhất khá cao.
  • Tác phẩm này hoàn thành vào giai đoạn gần nhất với thời kỳ Chúa Nguyễn do người nước ta viết được phát hiện và giới thiệu cho đến hiện nay.

Trong Phủ Biên Tạp Lục, Tác giả có viết:

“Thời Tuyên Đức nhà Đại Minh, đồ đạc chế tác rất tinh xảo. Lò hương đồng có khắc chữ “Tuyên Đức Niên Chế” đều sang bóng tươi nhuần, không một chút cặn. Ở Thuận Hóa nhiều người chứa đồ đồng cổ làm đồ quý. Đồ sứ thì bát đĩa chén bình có đường hoa nứt rạn gọi là “diêu biến” cũng là kiểu đời Tuyên Đức”.

Lê Quý Đôn tường thuật lại cuộc phỏng vấn một thương nhân người Quảng Đông họ Trần, có đoạn:

“Lại hỏi:

“Các thứ hang từ Đại Thanh mang đến thế nào? Đến đây có gián hoặc ế không?”

Hắn nói:

“Bán đi chạy lắm, hàng bán nhiều lời, không có ế đọng. Hàng mang đến thì sa, đoạn, gấm, vóc, vải, các vị thuốc, giấy vàng bạc, hương vòng, các thứ đồ giấy, kim tuyến, ngân tuyến, các thứ phẩm, y phục, giầy tốt, nhung, kính, pha lê, quạt giấy, bút, mực kim, cúc áo, các thứ bàn ghế, các thứ đèn lồng, các thứ đồ đồng, các thứ đồ sành sứ, đồ ăn uống thì các loại chè, cam, chanh, lê, táo, hồng, bánh miến, bột mì, tram muối, cải khô, trứng muối, tương gừng, tương ngọt, đậu phụ, kim châm, mộc nhỉ, nấm hương, kẻ có người không, cùng nhau đổi chác, không ai là không được thỏa sở thích”.

Và khi viết về Thuận Hóa dưới thời các Chúa Nguyễn như sau:

“Thuận Hóa được bình yên đã lâu, công tư đều dồi dào, mặc dùng tươi đẹp, lại trải qua thời Nguyễn Phúc Khoát hào phóng bắt chước nhau, làm thành thói quen, quan viên lớn nhỏ không ai là không nhà cửa chạm gọt, tường vách gạch đá, the màn trướng đoạn, đồ đạc đồng thau, bàn ghế gỗ đàn, gỗ trắc, chén mâm đồ sứ đồ hoa, yên cương vàng bạc, y phục gấm vóc, chiếu đệm mây hoa, phú quý phong lưu, đua nhau khoe đẹp. Những sắc mục ở dân gian cũng mặc áo đoạn hoa bát ty và áo sa, lương, địa làm đồ mặc ra vào thường, lấy áo vải áo mộc làm hổ thẹn. Binh sĩ đều ngồi chiếc mây, dựa quả tựa hoa, ôm lò hương cổ, hãm chè hảo hạng, uống chén sứ bịt bạc và ống nhổ đồng thau, đĩa chén ăn uống thì không cái gì là không phải hàng Bắc (Đại Thanh), một bữa cơm ba bát lớn. Đàn bà con gái thì đều mặc áo the là và hàng hoa, thêu hoa ở cổ tròn, coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, xa xỉ rất mực.”

Hình 1 - Sách Phủ Biên Tạp Lục  - Lê Quý Đôn - NXB KHXH - Hà Nội - 1977

Hai là, Tập sách Tinh tuyển Văn học Việt Nam (NXB KHXH, 2002) có chép bài thơ Đăng Hải Vân sơn ngẩu tác của Tiến sĩ Phan Huy Ích (1751-1822 ) kèm lời nguyên dẫn:

“Khi đó nhà vua thân đi chinh phạt, tôi được dự vào hàng tùy tùng. Vào ngày mồng bốn tháng Bảy thì lên đường hôm sau tới núi Hải Vân, đó là vùng giáp giới hai tỉnh Thuận, Quảng. Núi chạy dài chắn ngang, vách dựng đứng phía biển, tục gọi là đèo Hải Vân. Cuộc hành trình vất vả phải nửa ngày mới vượt qua được.

Ở Nam Hà xưa có lệ đề thơ vào bức tranh Hải Vân gởi cho thương nhân phương Bắc (Trung Quốc) để vẽ vào bát to rồi đem dùng”.

Hình 2 - Sách Tinh tuyển Văn học Việt Nam - NXB KHXH - Hà Nội - 1977

Ba là, Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ Tập Thượng viết về đèo Hải Vân như sau:

“Đời Hiển Tông Hoàng Đế (tức Quốc Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu) tuần hành Quảng Nam qua nơi đây, đã ngự chế bài thơ rằng:

Việt Nam hiểm ải thử sơn diên,

Hình thế hồn như Thục đạo thiên.

Đản kiến vân hoành tam tuấn lĩnh,

Bất tri nhân tại kỉ trùng thiên.”

Hình 3 - Hình Sách Đại Nam Nhất Thống Chí - Quốc Sử Quán Triều Nguyễn 

Bốn là, Sách Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của, Sài Gòn, 1895 phần về chữ Kiểu như sau:

“Kiểu: cách thức, thể thức, thức dạng”

“Đồ kiểu: đồ làm theo thức dạng, đồ khéo léo

Đồ kí kiểu: Đồ làm theo kiểu mình gửi như đồ trà, bát kiểu.

Chén kiểu, bát kiểu: chén bát làm theo kiểu thức chỉ vẽ.”

Hình 4 - Hình sách Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của, Sài Gòn, 1895

(Vui lòng xem tiếp phần 2)

 

PHẦN 2

ĐỒ SỨ KÝ KIỂU

 

Qua các trích dẫn từ thư tịch bên trên, chúng ta có thể có một số nhận xét sau:

  1. Cho đến hiện nay, chúng ta chỉ có những tư liệu thư tịch viết về việc “ký kiểu” đồ sứ ở Trung Hoa tại Nam Hà.
  2. Việc kinh doanh và sử dụng đồ sứ Trung Hoa rất phổ biến từ tầng lớp quý tộc đến dân gian ở Nam Hà.
  3. Việc sưu tập và thưởng ngoạn đồ quý như đồ đồng, đồ sứ…khá phổ biến tại Nam Hà. Đời sống vật chất và tinh thần ở Nam Hà đã rất phong phú, tinh tế và tiến bộ.
  4. Việc đề thơ vào bức tranh gởi cho thương nhân phương Bắc (Trung Quốc) để vẽ vào đồ sứ là một cái “lệ” – nét văn hóa đặc trưng của Nam Hà.
  5. Bài thơ “Việt Nam…” là bài thơ ngự chế của Quốc Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu khi đi qua Hải Vân.
  6. Danh từ “đồ kí kiểu” đã có tại Việt Nam từ trước, ít nhất là tại Trung và Nam Kỳ trước năm 1895.

Từ những nhận xét trên, chúng tôi mạn phép có một số lạm bàn như sau:

1. Phải chăng các Chúa Nguyễn ở Nam Hà khởi xướng trào lưu ký kiểu đồ sứ ở nước ta? Bởi lẽ, Lê Quý Đôn và Phan Huy Ích là những đại thần của Triều Lê – Trịnh, việc từng ra vào phủ Chúa lại cũng từng đi sứ sang Đại Thanh nhưng việc họ lại xem việc sử dụng, sưu tập thưởng ngoạn và “ký kiểu” là “lệ” ở Nam Hà. Cho đến nay chúng ta chưa có một phát hiện thư tịch nào về việc ký kiểu đồ sứ ở Bắc Hà mà chỉ quy định về việc chỉ định sử dụng đồ sứ mà thôi! Sách Lê Triều Chiếu Lệnh Thiện Chánh cho biết năm Vĩnh Thọ thứ 4 (1661), vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tạc đã ban chỉ dụ, quy định về phẩm phục, đồ dùng bát đĩa: “Tước công: áo mặc thường dùng gấm vóc thêu lân, phụng… bát đĩa dùng đồ sứ Trung Quốc bịt vàng, vẽ rồng và màu sắc đều nghiêm cấm. Hoàng tử, vương tử và những chức thái sư, thái phó, thái bảo, thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo tước quận công: áo mặc thường, dùng gấm vóc thêu lân, phụng… bát đĩa dùng đồ sứ Trung Quốc bịt vàng. Nghiêm cấm các thứ vẽ rồng và màu sắc”. Và sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Phan Huy Chú cho biết trong niên hiệu Bảo Thái (1720 – 1729), vua Lê Dụ Tông (1705 – 1729) đã ra một chỉ dụ quy định các quan từ thượng thư, ngự sử trở xuống chỉ được dùng “bát đĩa hàng Trung Quốc bịt thau, cấm vẽ rồng lân phụng” còn các chức quan từ “hoa văn học sinh, án lại, xá nhân…” trở xuống thì dùng “bát đĩa hàng Nam”. Việc này có ý kiến cho rằng “cấm vẽ” là “cấm người Việt đặt vẽ” vì không thể cấm người nghệ nhân/ thợ Trung Hoa nên đây là thể hiện việc ký kiểu đồ sứ tại Trung Hoa ở Bắc Hà. Tuy nhiên, theo thiển ý của chúng tôi, kết luận trên vẫn mang tính suy đoán. Nếu là cấm đặt vẽ thì sẽ ghi rõ là “cấm đặt vẽ”. Mà chúng ta cũng biết trong đồ sứ dân dụng ở Đại Thanh và đồ sứ hàng hóa bán ra nước ngoài của họ cũng có họa tiết rồng, lân, phượng nên “cấm vẽ” ở đây vẫn có thể hiểu là “cấm có vẽ”. Vậy nguyên câu “bát đĩa hàng Trung Quốc bịt thau, cấm vẽ rồng lân phụng” có thể hiểu là “bát đĩa hàng Trung Quốc bịt thau, cấm vẽ rồng lân phụng” thay vì hiểu là “bát đĩa hàng Trung Quốc bịt thau, cấm đặt vẽ rồng lân phụng”. Và nếu đọc kỹ lại trích dẫn trên của Lê Triều Chiếu Lệnh Thiện Chánh, nhất là các đoạn “…bát đĩa dùng đồ sứ Trung Quốc bịt vàng, vẽ rồng và màu sắc đều nghiêm cấm”  và “… bát đĩa dùng đồ sứ Trung Quốc bịt vàng. Nghiêm cấm các thứ vẽ rồng và màu sắc” thì cách hiểu của chúng tôi có phần phù hợp hơn.

Hình Bản dịch sách Lê Triều Chiếu Lệnh Thiện Chánh

Hình ảnh Bản dịch sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí

2. Vậy nếu luận điểm trên của chúng tôi phù hợp thì, chúng ta có một câu hỏi đặt ra là vậy những đồ sứ “Khánh Xuân”, “Nội Phủ Thị…” và những đồ sứ cùng thể thức, phẩm chất mà không có hiệu đề do Nam Hà hay Bắc Hà đặt/ ký kiểu? Đây là một vấn đề lớn chúng tôi xin bàn trong một bài viết khác.

3. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị là một tác phẩm đồ sộ của nhà khoa học Huỳnh Tịnh Của, đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng quốc văn mới. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị là quyển tự vị Tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam, do người Việt Nam biên soạn. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị là một công trình nghiên cứu mang tính đột phá táo bạo của nhà khoa học Huỳnh Tịnh Của, khi mà phải đến hơn ba mươi năm sau mới Hội Khai Trí Tiến Đức ở Bắc Kỳ mới nghĩ đến tiếp tục công việc đó và cho tới tận bây giờ, Đại Nam quốc âm tự vị chẳng những giữ nguyên giá trị mà ngày càng phát huy là pho sách kinh điển cho công tác nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam, nhất là ở giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ở nước ta. Để hoàn thành tác phẩm này, Huỳnh Tịnh Của đã phải trì chí thực hiện, như lời ông viết: "nhân khi rỗi rảnh, ta cứ việc làm theo tiếng ta, chữ ta, viết đi chép lại, ngày đêm khó nhọc, hơn bốn năm trời mới thành công việc". Công sức của Huỳnh Tịnh Của đã được đền đáp xứng đáng khi bộ sách trở thành "sách gối đầu giường" với nhiều thế hệ các nhà ngôn ngữ Việt Nam. Bộ tự vị có những ưu điểm rất nổi bật mà trong đó có hai ưu điểm liên quan đến vấn đề chúng ta đang bàn luận:

  • Một là, ngữ vựng trong đó rất phong phú. Ví dụ như chữ "ăn" có tới 125 chữ ghép khác nhau, cho thấy công lao tìm tòi công phu và nghiêm túc trong làm việc của người biên soạn. Nó còn bao gồm chẳng những các từ ngữ văn chương, chung cho cả ba miền đất nước, rút ra từ các áng văn chương bác học và bình dân, mà cả ngôn ngữ bình dân, đặc biệt là những tiếng có màu sắc địa phương được sử dụng nhiều ở Nam Kỳ và Trung Kỳ thời bấy giờ, góp phần làm sáng tỏ rất nhiều khúc mắc ngôn ngữ học hiện đại sau này.
  • Thứ hai, cách giảng giải của Đại Nam Quấc Âm Tự rất rõ ràng. Bộ sách không chỉ vắn tắt giảng nghĩa, mà đôi khi còn trình bày nguồn gốc của chữ để cho nghĩa được rõ hơn, bằng cách trích thêm những câu tục ngữ, ca dao, những câu thơ trong Truyện Kiều, Lục Vân Tiên...

Trong Đại Nam Quấc Âm Tự đã cung cấp về từ “kí kiểu” rất rõ ràng như sau:

  • “Kiểu: cách thức, thể thức, thức dạng”
  • “Đồ kiểu: đồ làm theo thức dạng, đồ khéo léo
  • Đồ kí kiểu: Đồ làm theo kiểu mình gửi như đồ trà, bát kiểu.
  • Chén kiểu, bát kiểu: chén bát làm theo kiểu thức chỉ vẽ.”

Như vậy, từ “kí kiểu” trong việc ký kiểu đồ sứ đã được dùng phổ biến (ít nhất ở Trung Kỳ và Nam Kỳ) và được ghi nhận chính thức vào quyển tự vị có uy tín bậc nhất của nền thư tịch nước ta từ cuối thế kỷ 19. Do đó, ngày nay cộng đồng cổ ngoạn dùng danh từ “đồ sứ ký/kí kiểu” để chỉ những đồ sứ nước ta đặt các lò sứ Trung Hoa hay nước khác làm theo mẫu của mình bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch là chính xác và có tính kế thừa vốn ngôn ngữ của dân tộc chứ không phải “chế” mới để dùng. Từ đó, chúng ta thấy rằng việc sử dụng những danh từ khác để định danh các hiện vật đó thật sự không cần thiết. Qua đây, chúng tôi mạnh dạn đề nghị cộng đồng cổ ngoạn nên dùng danh từ “đồ sứ ký/ kí kiểu” với ý nghĩa như trên là một sự kế thừa truyền thống ngôn ngữ của dân tộc và đó cũng chính là niềm tự hào và khả năng bảo tồn tính phong phú và tính kế thừa của ngôn ngữ nước nhà được thực hiện một cách có ý thức từ các nhà sưu tập và lan tỏa đến xung quanh như việc gìn giữ một hiện vật “phi vật thể” của “thú vui đồ cổ”.

(Vui lòng xem tiếp phần 3)

 


COPYRIGHT BY ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU
Facebook chat