PHẦN 3
Bài viết của Nam Quân
SƠ LƯỢC VỀ QUỐC CHÚA MINH VƯƠNG NGUYỄN PHÚC CHU
Chúng ta tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp Quốc Chúa - Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, tác giả của Bài thơ Ải Lĩnh Xuân Vân.
Nguyễn Phúc Chu hay đọc theo miền Nam là Nguyễn Phước Châu
Theo sách Đại Nam Thực Lục:
Chúa được sinh vào Ngày 18 tháng 5 năm Ất Mão (1675) tức năm Đức Nguyên thứ hai Hoàng Lê Đại Việt đồng với năm Khang Hy thứ 14 Đại Thanh, “là con cả của Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế (Chúa Nghĩa hay Chúa Ngãi), mẹ là Hiếu Nghĩa Hoàng Hậu Tống thị (Con của Thiếu phó Quốc công Tống Phúc Vinh). Trước kia, năm Giáp dần, mùa thu, ở phương Tây Nam trên trời mở ra một lỗ, có mây sắc vận quanh, ở giữa một luồng ánh sáng rực trời tỏa ngay vào chỗ nhà mẫu hậu ở, người thức giả cho là điềm thánh. Năm sau chúa đúng kỳ giáng sinh, mùi thơm nức nhà. Lớn lên học chăm chữ tốt, đủ tài lược văn võ. Đầu được phong Tả Bính Dinh Phó Tướng Tô Trường Hầu (theo Phủ Biên Tạp Lục là Phúc Tộ Hầu), làm phủ đệ ở cơ Tả Bính. Năm Tân Mùi (1691), mùa xuân, tháng Giêng, ngày Bính Thân, Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế băng. Bầy tôi vâng di mệnh tôn Chúa làm Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh Kiêm Tổng Nội Ngoại Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự Thái Bảo Tộ Quốc Công. Bấy giờ 17 tuổi, hiệu là Thiên túng đạo nhân. Chúa nối ngôi, vọng bái đài Kính Thiên. Ngày hôm ấy trời trong mây sáng, người ta đều cho là cảnh tượng thái bình.”
Khi mãn tang Chúa Nghĩa quần thần tôn là Thái Phó Quốc Công và dâng tôn hiệu là Quốc Chúa. Trong các quan hệ đối ngoại thường xưng là Quốc Chúa. Trong dân gian gọi Chúa là Quốc Chúa hay Minh Vương hoặc chúa Quốc hay chúa Minh.
Từ các sách Đại Nam Thực Lục, Phủ Biên Tạp Lục, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Việt Nam Sử Lược, Việt Nam Danh Nhân Từ Điển, chúng tôi xin khái lược niên biểu chính trong thời gian Chúa trị vì Nam Hà như sau:
- Năm Tân Mùi (1691), kế nghiệp đời thứ 6 của Chúa Nguyễn ở Nam Hà, được tôn Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh Kiêm Tổng Nội Ngoại Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự Thái Bảo Tộ Quốc Công, Chúa sửa sang mọi việc chính trị. “Chúa mới giữ chính quyền, chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói hay, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế mà giao dịch, bớt việc hình ngục, trăm họ không ai không vui mừng”.
- Năm Nhâm Thân (1692), Mùa thu, tháng 8, vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh làm phản, họp quân đắp lũy, cướp giết cư dân ở phủ Diên Ninh. Dinh Bình Khang đem việc báo lên. Chúa sai Cai cơ Nguyễn Hữu Kính (con Nguyễn Hữu Dật bấy giờ gọi là Lễ tài hầu; chữ Tài, có chỗ viết là Thành, lại là Hòa) làm Thống binh, lấy văn chức Nguyễn Đình Quang làm Tham mưu suất lãnh quân Chính dinh, cùng quân Quảng Nam và Bình Khang đi đánh.
- Năm Quí Dậu (1693), mùa xuân, tháng Giêng, bọn Thống binh Nguyễn Hữu Kính đánh bại Chiêm Thành, Bà Tranh bỏ thành chạy. Tháng 3, Nguyễn Hữu Kính bắt được Bà Tranh và bầy tôi là Tả trà viên Kế Bà Tử với thân thuộc là Nàng mi Bà Ân đem về. Chúa sai đổi nước ấy làm trấn Thuận Thành. Ngày ất mão, chúa coi việc chầu (việc quốc hiếu đã xong rồi làm lễ mừng), bầy tôi đến mừng, tấn tôn chúa làm Thái phó quốc công, lại dâng tôn hiệu là quốc chúa. Từ đấy sắc lệnh đều xưng là Quốc Chúa. Gia phong các linh thần trong cõi. Mùa thu, tháng 7, Nguyễn Hữu Kính đến cửa khuyết dâng chiến tù Chiêm là bọn Bà Tranh. Chúa sai kể tội và giam ở núi Ngọc Trản, hàng tháng cấp cho tiền gạo vải lụa đủ dùng. Tháng 8, đổi trấn Thuận Thành làm phủ Bình Thuận, lấy Tả trà viên Kế Bà Tử làm Khám lý, ba người con Bà Ân làm Đề đốc, Đề lãnh và Cai phủ, bắt mặc quần áo theo lối người kinh và sai về để vỗ yên lòng dân. Tháng 12, người Thanh là A Ban cùng với Hữu trà viên là óc Nha Thát ở Thuận Thành nổi loạn. Trước là A Ban đến ở Thuận Thành, vốn cùng óc Nha Thát đi lại rất thân. Từ lúc Bà Tranh bị bắt, hai người đều chạy về đất Đại Đồng, A Ban đổi tên là Ngô Lãng tự xưng mình có phép hô phong hoán vũ, gươm đao không thể làm bị thương. Người Thuận Thành là Chế Vinh kêu họp dân man đi theo.
- Năm Giáp Tuất (1694), mùa xuân, tháng Giêng, Bà Tranh chết, Chúa cho 200 quan tiền và gấm vóc để hậu táng. Tháng 2, Chúa ra lệnh cho Cai cơ Nguyễn Hữu Kính, và văn chức Trinh Tường (không rõ họ) tiện nghi xử trí việc giặc A Ban. Cai cơ Nguyễn Thắng Hổ đem quân tiến đánh, đảng giặc dẹp yên. Thăng Nguyễn Hữu Kính làm Chưởng cơ, lãnh Trấn thủ dinh Bình Khang.
- Năm Ất Hợi (1695), Chúa cho mở khoa thi Văn Chức và Tam Ty trong Phủ Chúa để kén chọn nhân tài.
- Năm Đinh Sửu (1697), Chúa cho đặt phủ Bình Thuận, lấy đất từ Phan Rang, Phan Rí trở về tây chia làm hai huyện An Phước và Hòa Đa cho thuộc vào.
- Năm Mậu dần, (1698), mùa xuân, tháng Hai, Chúa sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay), mỗi dinh đều đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh. Mở rộng đất được nghìn dặm, được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ những dân xiêu dạt từ Bố Chính trở về Nam cho đến ở cho đông. Thiết lập xã thôn phường ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định lệnh thuế tô dung, làm sổ đinh điền. Lại lấy người Thanh đến buôn bán ở Trấn Biên lập làm xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn, lập làm xã Minh Hương. Từ đó người Thanh ở buôn bán đều thành dân hộ của Nam Hà. Mùa hạ, Lấy Nguyễn Hữu Khánh làm Lưu thủ dinh Trấn Biên.
- Năm Kỷ mão (1699), mùa thu, tháng 7, Nặc Thu nước Chân Lạp làm phản, đắp các lũy Bích Đôi, Nam Vang và Cầu Nam, cướp bóc dân buôn. Tướng Long Môn là Trần Thượng Xuyên đóng giữ Doanh Châu (nay thuộc Vĩnh Long) đem việc báo lên. Mùa đông, tháng 10, lại sai Nguyễn Hữu Kính làm Thống suất, Cai bạ Phạm Cảm Long làm Tham mưu, Lưu thủ Trấn Biên là Nguyễn Hữu Khánh làm tiên phong, lãnh quân hai dinh Bình Khang, Trấn Biên, và thuộc binh 7 thuyền dinh Quảng Nam, cùng với tướng sĩ Long Môn đi đánh. Sai Gia Định tra bắt người theo đạo Hoa Lang (1. Đạo Hoa Lang: Đạo Thiên chúa, vì người đem đạo ấy đầu tiên vào nước ta là người Hà Lan hay Hoa Lang.1). Phàm người Tây phương đến ở lẫn đều đuổi về nước. Tháng 12, sai quan kiểm duyệt những súng đạn khí giới ở Chính dinh và các dinh.
- Năm Canh Thìn (1700), mùa xuân, tháng giêng, mở trường diễn ngựa, các nội ngoại đội trưởng, các văn chức, nội giám và mã đội tả hữu đều được thao diễn. Tháng 2, Nguyễn Hữu Kính đem quân các đạo tiến vào nước Chân Lạp, đóng ở Ngư Khê (Rạch Cá), sai người dò xét thực hư, chia đường tiến quân. Tháng 3, Thống binh Trần Thượng Xuyên cùng quân giặc đánh liên tiếp nhiều trận đều được. Khi quân ta đến lũy Bích Đôi và Nam Vang, Nặc Thu đem quân đón đánh. Nguyễn Hữu Kính mặc nhung phục đứng trên đầu thuyền, vung gươm vẫy cờ, đốc các quân đánh gấp, tiếng súng vang như sấm. Nặc Thu cả sợ, bỏ thành chạy. Nặc Yêm (con vua thứ hai Nặc Nộn) ra hàng, Hữu Kính vào thành, yên vỗ dân chúng. Mùa hè, tháng 4, Nặc Thu đến cửa quân đầu hàng, xin nộp cống. Nguyễn Hữu Kính báo tin thắng trận rồi lùi quân đóng đồn ở Lao Đôi, kinh lý việc biên giới. Lập phép diễn trận voi, Chúa ra thăm diễn trường ở xã Thọ Khang. Sai viên thống lãnh dẫn voi vào trường theo thứ tự mà bày hàng. Nhạc bộ đánh trống ba hồi, rồi gẩy đàn thổi sáo hát khúc Thái bình. Hát xong đánh ba tiếng chuông. Thống lĩnh dẫn voi tới. Chúa đến duyệt. Lại sai quan duyệt xem voi công ở ba đạo Lưu Đồn, Quảng Bình và Bố Chính. Tháng 5, Thống suất chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính chết. Đầu là Hữu Kính đóng quân ở Lao Đôi, gặp mưa to gió lớn, núi Lao Đôi lở tiếng kêu như sấm. Đêm ấy mộng thấy một người mặt đỏ mày trắng, tay cầm cái phủ việt bảo rằng: “Tướng quân nên kíp đem quân về, ở lâu đây không lợi”. Hữu Kính cười nói rằng: “Mệnh ở trời, có phải ở đất này đâu?”. Khi tỉnh dậy, thân thể mỏi mệt, nhưng vẫn cười nói như thường để giữ yên lòng quân. Kịp bệnh nặng, bèn than rằng: “Ta muốn hết sức báo đền ơn nước nhưng số trời có hạn, sức người làm được gì đâu?”. Bèn kéo quân về, đi đến Sầm Khê(1. Rạch Gầm. 1) (thuộc tỉnh Định Tường) thì chết, bấy giờ 51 tuổi. Chúa nghe tin thương tiếc, tặng Hiệp tán công thần đặc tiến chưởng dinh, thụy là Trung cần. Cho vàng lụa để hậu táng. Về sau thiêng lắng, người Chân Lạp lập đền thờ (năm Gia Long thứ 5 được tòng tự ở Thái miếu: Năm Minh Mệnh thứ 12, phong Vĩnh An Hầu). Mùa thu, tháng 7, bắt đầu định sắc cờ cho các thuyền vận tải, ra lệnh cho thuyền các hạt chở thuế, mỗi hạt có sắc cờ riêng : Thăng Hoa thì cờ vàng, Điện Bàn cờ xanh, Quảng Ngãi cờ đỏ, Quy Ninh cờ trên đỏ dưới trắng, Phú Yên cờ trên trắng dưới đen, còn Bình Khang, Diên Ninh, Bình Thuận, Gia Định thì cờ trên xanh dưới đỏ, để cho dễ nhận. Tháng 8, sửa phủ cũ ở Dương Xuân, cơ Tả thủy đào đất được quả ấn đồng, có khắc chữ Trấn lỗ tướng quân chi ấn. Chúa cả mừng, gọi tên phủ này là phủ An. Mùa đông, tháng 12, sai Cai cơ nội hữu Tống Phước Tài và văn chức Trần Đình Khánh (con Trần Đình Ân) đến Quảng Bình và Bố Chính xem xét hình thế núi sông, khi về họ xin sửa đắp thành lũy cầu cống, đặt sở tuần các nơi, giữ những đường quan yếu để vững chắc biên thùy. Chúa theo lời.
- Năm Tân tỵ, (1701), mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, làm lễ khánh hạ, hát khúc Thái bình làm vui. Bàn bạc cho các quan văn võ theo thứ bực. Sai quan làm duyệt tuyển nhỏ. Sai Ngoại tả chưởng dinh Tôn Thất Diệu (lại tên là Hồng, con Tôn Thất Khê), Nội hữu cai cơ Tống Phước Tài, văn chức Trần Đình Khánh, Thủ hợp Nguyễn Khoa Chiêm đi Quảng Bình trông coi các quân sửa đắp chính lũy, từ núi Đâu Mâu đến cửa biển Nhật Lệ; lại ở hai lũy Trấn Ninh và Sa Phụ đắp thêm đài súng lớn, đặt điếm tuần thủy và bộ. (Quân bộ binh Quảng Bình chia đặt 26 sở tuần trên chính lũy từ Ông Hồi đến Mỗi Nại: 2 thuyền Tân chí, Đại an thuộc đội Tả tiệp, 3 thuyền Phú nhị, Hậu súng, An nhất thuộc cơ Tả kiên, 4 thuyền Tả hùng, Hữu hùng, Hậu đao nhất, Hậu đao nhị, thuộc cơ Hữu kiên, 5 thuyền Tả nhất, Quảng nhất, Súng Nhị, An Nhị, Tiền kiên súng thuộc cơ Tả bộ, 5 thuyền Chí nhất, Chí nhị, Tráng súng, Kiên súng, Nhuệ súng, thuộc cơ Hữu bộ, các đao thuyền và các súng thuyền thuộc Trung cơ. Quân thủy bộ dinh Bố Chính chia đặt 36 sở tuần từ đường Phong Nha men sông và Đại Thành đến lũy Trấn Ninh : 3 thuyền Đột tam, Tiên trụ và Nhuệ súng thuộc đội Tuần bộ, đội Tả hùng, đội Tiền thắng, 3 thuyền Hữu súng, Kiên trụ, Hậu kiên đao thuộc đội Tả thắng, 3 thuyền Tân nhất, Trụ súng, Hữu cai thuộc đội Hữu thắng, 3 thuyền Tả đao, Tiền trụ, Hữu kiên thuộc đội Hậu thắng, 2 thuyền Lý ninh, An náu thuộc đội Thủy sai, thuyền Kiên nhất thuộc Trung cơ, 5 thuyền Tiền kiên, Tả kiên, Hữu kiên, Hậu kiên, Toàn kiên thuộc Tả tuần hà, 5 thuyền Tiền thắng, Tả thắng, Hữu thắng, Hậu thắng, Toàn thắng thuộc Hữu tuần hà. ? Các cửa lũy và các đường trọng yếu ở dinh Bố Chính đặt 14 sở: 12 thuyền Tiền kiên, Tả nhị, Tả trụ, Hữu trụ, Hữu đao, Hậu hùng, Chí nhất, Bố nhất, Bố nhị, Đông sơn, An mô, Kỳ hoa thuộc Trung cơ, đình phố của Mã đội thuộc Trung cơ, thuyền Hữu súng thuộc đội Tả thắng). Lại coi khắp những hình thế đầu non cửa biển, đường sá xa gần, núi sông hiểm dễ, vẽ đồ bản dâng trình. Sau 3 tháng công việc làm xong, thưởng cho tướng sĩ 500 lạng bạc, 800 quan tiền. Mùa thu, tháng 8, mở khoa thi. Ngày thi, chúa ra đầu đề. Lấy trúng cách về chính đồ được 4 người giám sinh, 4 người sinh đồ và 5 người nhiêu học, trúng cách về hoa văn được 17 người, trúng cách về thám phỏng được 1 người. Giám sinh bổ tri phủ, sinh đồ bổ tri huyện, nhiêu học bổ huấn đạo, hoa văn và thám phỏng bổ vào ba ty. Chúa đến thăm trường súng, xem quân thủy quân bộ thuộc nội đội diễn tập, quân thủy thi đứng trên nên được hậu thưởng. Mùa đông, tháng 11, chúa đến thăm trường bắn, triệu các tướng và các nội ngoại đội trưởng cùng tam ty thi bắn cung, chọn người bắn giỏi làm giáp bộ để luân lưu hầu diễn bắn.
- Năm Nhâm Ngọ (1702), mùa xuân, tháng giêng, sai thủy quân sửa đóng chiến thuyền, chia làm 3 đội tiền hậu trung, đến cuối mùa xuân thì diễn tập thủy trận. Sai các tướng thi ngựa, hai bên tả hữu mỗi bên đều 30 con, bên tả cầm cờ đỏ, bên hữu cầm cờ vàng, theo thứ tự chạy phi, thưởng tiền bạc theo thứ bực. Chúa sai bọn Hoàng Thần, Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm (kỳ nam 5 cân 4 lạng, vàng sống 1 cân 13 lạng 5 đồng cân, ngà voi 2 chiếc nặng 350 cân, mây song hoa 50 cây) sang Quảng Đông để cầu phong (Thần và Triệt người Quảng Đông nước Thanh, theo hòa thượng Thạch Liêm đến yết kiến, nhân đó (chúa) sai đi. Bấy giờ thuyền đi cống của Xiêm La bị gió đậu ở hải phận ta, ta sửa sang thuyền lái và giúp đỡ lương thực cho họ, rồi sai bọn Thần Triệt đáp đi). Vua Thanh hỏi bầy tôi, đều nói rằng “Nước Quảng Nam hùng thị một phương, Chiêm Thành, Chân Lạp đều bị thôn tính, sau tất sẽ lớn. Duy nước An Nam còn có nhà Lê ở đó, chưa có thể phong riêng được. Việc (phong) bèn thôi. (Thuyền Thanh thường đến buôn ở Quảng Nam, nên gọi ta là nước Quảng Nam). Giặc biển là người Man An Liệt (Tức người Anh (English)) có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn. Trưởng là bọn Tô Thích Già Thi 5 người tự xưng là nhất ban, nhị ban, tam ban, tứ ban, ngũ ban (Tức các cấp bực quan một, quan hai v.v... ) (mấy ban cũng như mấy bực, nguyên người Tây phương dùng những tên ấy để gọi bọn đầu mục của họ) cùng đồ đảng hơn 200 người, kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác. Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phước Phan (con Chưởng dinh Trương Phước Cương, lấy công chúa Ngọc Nhiễm) đem việc báo lên. Chúa sai Phước Phan tìm cách trừ bọn ấy.
- Năm Quý Mùi (1703), Mùa thu, tháng 8, Tham chính đoán sự Trần Đình Ân 78 tuổi, xin về trí sĩ, trần thỉnh hai ba lần chúa mới cho. Khi vào tạ, chúa nhân làm bài thơ và lời tựa, viết vào lĩnh hoa trắng để cho như sau :
“Quốc chúa Thiên túng đạo nhân ngự chế thơ và tựa, sắc cho Tham tri chánh đoán sự Đông Triều hầu Trần Đình Ân từ chức về làng. Khanh trải giúp bốn triều, quốc chính triều cương, có nhiều giúp đỡ. Bề tôi siêng năng, duy khanh hơn cả. Lại tính hay nhún nhường êm dịu, vui đạo thích lành, cho nên lan quế thơm tho, một nhà vinh hiển. Tuổi gần tám chục, mà chưa suy hèn, thực là Phước thọ của nước nhà ta. Nay vì mến đạo ưa tĩnh, từ quan chức về làng, ta hai ba lần cố giữ mà cuối cùng không cản được chí. Khi từ biệt ra về, ta đặc tứ 10 mẫu ruộng và 10 lính hầu, dùng để dưỡng lão. Sợ thế chưa phỉ lòng ta, nên tặng một bài thơ thất ngôn để trọn ý ta vậy. Thơ rằng:
Phiên âm
Bình sinh trì thiện tính tinh thuần.
Tán phụ ngô triều tứ thế nhân.
Chính nghiệp dĩ thành từ tử thụ.
Đạo tâm hằng hiện khước hồng trần.
Hi hi hạc phát đồng Thương hạo,
Nghiễm nghiễm tiên phong diệc Hán thần.
Thử khứ Quảng Bình hà sở sự,
Thanh sơn lục thủy lạc thiên chân.
Dịch
Suốt đời vui thiện, tính tinh thuần
Giúp việc bốn triều, bậc lão nhân
Chính nghiệp đã thành, từ mũ ấn
Đạo tâm thường hiện, lánh hồng trần
Phơ phơ tóc bạc như Thương Hạo
Phơi phới lòng tiên tựa Hán thần
Về ở Quảng Binh chi bận nhỉ?
Non xanh nước biếc thỏa tinh thần.
Đình Ân về hưu, ở chùa Bình Trung (thuộc xã Hà Trung, huyện Minh Linh), dựng đá khắc tờ sắc thư đặt ở trước chùa, lấy thiền học làm vui.
Mùa đông, tháng 10, dẹp yên đảng An Liệt.
- Năm Mậu Tý (1708), mùa thu, tháng 8, lấy Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên. Cửu người Lôi Châu, Quảng Đông. Nhà Minh mất, để tóc chạy sang phương Nam, đến nước Chân Lạp làm chức ốc Nha, thấy phủ Sài Mạt ở nước ấy có nhiều người buôn các nước tụ họp, bèn mở sòng gá bạc để thu thuế gọi là hoa chi, lại được hố bạc chôn nên thành giàu. Nhân chiêu tập dân xiêu dạt đến các nơi Phú Quốc, Cần Bột, Gia Khê, Luống Cày, Hương úc, Cà Mau (thuộc tỉnh Hà Tiên) lập thành 7 xã thôn. Thấy ở đất ấy tương truyền có người tiên thường hay hiện ra ở trên sông nhân thế đặt tên là Hà Tiên. Đến đấy Cửu ủy cho người bộ thuộc là Trương Cầu và Lý Xã dâng thư xin làm Hà Tiên trưởng. Chúa nhận cho, trao cho chức Tổng binh. Cửu xây dựng dinh ngũ, đóng ở Phương Thành, nhân dân ngày càng đến đông. Thao diễn thủy quân : Sai thuyền hải đạo của các cơ đội : (4 thuyền Khanh Nhất, Minh Nhất, Minh Nhị, Minh Tứ cơ Tả thủy thuyền An Triền, thuyền Thạch Bình, thuyền Hiền Nhất, thuyền Trà Nhất cơ Tiền thủy, thuyền Nội Tráng, thuyền Tá, thuyền Minh Nhị, thuyền Giao Thủy, cơ Tả dực, thuyền Tả Hùng, thuyền Bạch Câu, thuyền Định Nhị, thuyền Nhuệ Nhất cơ Tiền dực, thuyền Văn Hà, thuyền Kiên Tam, thuyền Trạch Nhất, thuyền Cường Nhất đội Tả thủy, thuyền Minh Nhất, thuyền Triều Tôn, thuyền Tráng Tam, thuyền Hữu Hung đội Tiền thủy, thuyền Tráng Nhị, thuyền Tráng Nhất, thuyền Tráng Tam đội Tả bính, thuyền Cổ Liễu, thuyền Đại Nhất, thuyền An Xá đội Tiền bính, Nội Thủy nhất đội thì thuyền Kính, thuyền Tả trung kính, thuyền Nội Kiên, Nội thủy nhị đội thì thuyền Khang Nhất, thuyền Đại Nham, thuyền Trí, Nội Thủy tam đội thì thuyền Tiệp Nhất, thuyền Hải Châu, thuyền Đinh Nhất, Nội Thủy tứ đội thì thuyền Địch Cần, thuyền Khánh Mân, thuyền An Nội, Nội Thủy ngũ đội thì thuyền An Nhất, thuyền Kiên Nhị, thuyền Kiên Nhất, Nội Thủy lục đội thì thuyền Tả thủy, thuyền Trung Thủy, thuyền Hữu Thủy, Nội Thủy thất đội thì thuyền Tả Đột, thuyền Gia Nhất, thuyền Hữu Đột, Nội Thủy bát đội thì thuyền Tiệp Tam, thuyền Gia Nhị, thuyền Nghị Giang, thuyền Gia tam, Nội Thủy cửu đội thì Tân Hầu Thủy, thuyền Kiệu, thuyền Hữu trung kính, Nội Thủy thập đội thì thuyền Tân Khang, thuyền Trung Kính, thuyền Chạo, Nội Thủy thập nhất đội thì thuyền Tiệp Nhị, thuyền Xuân, Nội Thủy thập nhị đội thì thuyền Bác Vọng nhị, thuyền Thạch Than, thuyền Nam phù, Nội Thủy thập tam đội thì thuyền Võ Nhất, thuyền Trà Nhị, thuyền Đột Nhất, thuyền Thủy Nhị, cơ Hữu Thủy thì thuyền Quảng Nhất, thuyền Thủy bạn, thuyền Tín, thuyền Minh Tam, cơ Hậu thủy thì thuyền An Tam, thuyền An Nhất, thuyền An Nhị, thuyền Phú Lương, cơ Hữu dực, thì thuyền An Nhị, thuyền Kiên Nhị, thuyền Nội Hùng, cơ Hậu dực thì thuyền ỷ Bích, thuyền Nghĩa Nhất, thuyền Hữu Hầu, thuyền Trạch Nhị, đội Hữu Thủy thì thuyền Tả Hầu, thuyền Kiên, thuyền Nhuệ nhị, thuyền Hậu trạch, đội Hữu bính thì thuyền Thắng Nhị, thuyền Thắng Nhất, thuyền Thắng Tam, đội Hậu bính thì thuyền Hà Lộc, thuyền Phước Kinh, thuyền Đại Lộc, dinh Hậu thủy thì thuyền Phù Nam, thuyền Quảng Nhị, thuyền Nghĩa Nhị, thuyền Hiền Nhì), theo thứ tự bày hàng từ Phủ Cam trở xuống, hễ nghe hiệu trống thì mở thuyền chèo nhanh, đến mé sông Nội Thủy thì quay về. Chúa tới xem, thưởng bạc tiền theo cấp bực.
- Năm Kỷ Sửu, (1709), mùa đông, tháng 12, ngày Nhâm dần, đúc Quốc bảo. Sai Lại bộ đồng tri là Qua Tuệ Thư coi việc chế tạo (ấn khắc chữ Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo. Năm ấy đúc xong, về sau liệt thánh truyền nhau lấy làm quốc bảo. Đến khi Duệ Tông Hiếu Định Hoàng đế vào Nam, cũng đem ấn ấy đi theo. Duệ Tông Hiếu Định Hoàng Đế băng thì để lại cho Thế Tổ Cao Hoàng Đế. Bấy giờ binh lửa hơn 20 năm, ấn ấy mất rồi lại tìm thấy nhiều lần. Mùa hạ năm Nhâm dần, giặc đánh Sài gòn, (Thế Tổ) ra đảo Phú Quốc, điều khiển Ngô Công Quý mang ấn theo sau bị lạc. Đến khi Chu Văn Tiếp phá được giặc, rước vua hồi loan, Công Quý cũng từ Long Hồ đem ấn về hiến. Lại đến chiến dịch Ba Lai, quân giặc đuổi gấp, tòng thần (Người đi theo vua) mang ấn lội sông chạy, ấn rơi xuống nước, rồi thì người lội sau vướng chân chạm phải, lại mò lấy được, đem hiến ở hành tại. Lại khi vua lánh giặc, ra ngoài vụng đảo Thổ Châu, từ giá (Mẹ vua) và cung quyến (Những vợ con vua) đều đến lại ở đảo, vua Xiêm sai tướng là Thát Xỉ Đa đem binh thuyền đến đón vua mới vào nước họ. Trong lúc thảng thốt, tình trạng người Xiêm chưa lường được thế nào, vua mật sai tòng thần tên là Hựu đem ấn ấy vượt biển lên bờ giấu kín. Khi vua đến thành Vọng Các, thấy vua Xiêm đãi rất cung kính, không có ý gì khác, vua mới sai người về đảo Thổ Châu để đón từ giá và cung quyến, tên Hữu cũng mang ấn ấy đi theo. Khoảng năm Gia Long, vua từng dụ hoàng thái tử, tức Thánh Tổ Nhân Hoàng đế rằng: “ấn báu này các đời truyền nhau, ngày xưa đã trải nhiều phen binh lửa, người chẳng chắc còn, mà ấn này vẫn cứ giữ trọn trước sau, chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này, giữ tín trong nước, ai cũng hưởng ứng. ấn này quan hệ với quốc gia không nhỏ, thực là ngôi báu trời cho vẫn có quỷ thần giúp đỡ, khiến cho ngọc bích của Triệu lại trở về (Triệu bích: Lạn Tương Như nước Triệu đem ngọc bích sang Tần để đổi lấy 5 thành, Tần không đổi thành, Tương Như đem bích về) để truyền cho con cháu. Vả lại nhà nước ta liệt thánh nối nhau, chồng chất sáng hòa, hơn 200 năm, nay nhờ yêu dấu thiêng liêng mà thống nhất cả nước, Phước chứa vốn đã lâu rồi. Kinh Thi có câu “Nhà Chu nước dù cũ mà mệnh trời thì mới” (Chu tuy cựu bang, kỳ mệnh duy tân. 2), sự mở mang cơ nghiệp vốn bắt đầu tự Văn vương Vũ vương, mà công gây dựng buổi đầu thực là tự Cổ công và Vương Quý. Những vật cũ đời ấy để lại như cái đỉnh cái di, người Chu cũng đều xem là đồ báu. Huống chi cái ấn quốc bảo của tổ tiên ta để lại ư? Từ nay về sau nên lấy ấn này làm vật báu truyền ngôi. Con cháu ta phải đời đời để lại cho nhau, đừng làm mất đi mà truyền đến ức muôn năm dài lâu mãi mãi”. Năm Canh thìn, Minh Mệnh năm thứ 1, tháng 2, ngày tốt, Thánh tổ Nhân hoàng đế tự tay phong kín cất đi. Đến năm Đinh dậu thứ 18 ngày 22 tháng chạp lại mở xem một lần rồi viết chữ son niêm lại để cất như cũ, dùng để truyền cho ức - muôn đời).
Kim Tỷ truyền quốc "ĐẠI VIỆT QUỐC NGUYỄN CHÚA VĨNH TRẤN CHI BẢO"
- Năm Canh Dần (1710), mùa hạ, tháng 4, đúc chuông chùa Thiên Mụ (nặng 3.285 cân). Chúa thân làm bài minh khắc vào chuông. Mùa thu, tháng 9, bắt đầu dùng ấn long tỷ nhỏ. (Trong ấn khắc 8 chữ Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành). Bấy giờ người ở xã Tiên Nộn tên là Đạt ngụy tạo ấn son để làm bằng giả, chúa ghét thói tệ ấy, ra lệnh từ nay những bằng thị bổ thụ quan chức ở đầu giấy đều đóng ấn ấy để phòng giả mạo.
- Năm Tân Mão (1711), mùa hạ, tháng 4, Sai đo bãi cát Trường Sa dài ngắn rộng hẹp bao nhiêu. Tháng 12, chúa muốn dời phủ sang bãi phù sa (xã) Bác Vọng. Sai ký lục Lê Quang Hiến vẽ bản đồ để tiến.
- Năm Nhâm Thìn (1712), mùa xuân, tháng giêng, dựng phủ mới ở Bác Vọng.
- Năm Giáp Ngọ, năm (1714), mùa xuân, tháng 2, bọn ác man Cam Lộ quấy rối biên thùy. Chúa sai Nội hữu Nguyễn Cửu Thế (lại tên là Võ, con Nguyễn Cửu ứng, lấy công chúa Ngọc Phượng) đem quân 5 thuyền súng đao của Cựu dinh đi đánh, bắt được trưởng là Trà Xuy và đồ đảng đem về. Mùa hạ, tháng 6, trùng kiến chùa Thiên Mụ. Sai bọn chưởng cơ Tống Đức Đại trông nom công việc. Quy chế thì bắt đầu từ cổng chùa đến điện Thiên vương, điện Ngọc hoàng, điện Đại hùng, nhà Thuyết pháp, lầu Tàng kinh, hai bên thì lầu chuông, lầu trống, điện Thập vương, nhà Vân thủy, nhà Tri vị, nhà Thiền đường, điện Đại bi, điện Dược sư và phòng tăng nhà thiền có tới vài mươi sở, mà đằng sau các nơi phương trượng trong vườn Côn Gia cũng không kém vài mươi sở, đều là rực rỡ chói lọi, làm tới một năm mới xong. Chúa thân chế bài văn bia để ghi, sai người sang nước Thanh mua kinh Đại tạng cùng luật và luận hơn nghìn bộ để ở tự viện. Đằng trước chùa kề sông, dựng đài câu. Chúa thường ra chơi. (Bấy giờ nhà sư ở Chiết Tây tên là Đại Sán, tự là Thạch Liêm, vì thiền mà được yêu dùng, sau về Quảng Đông, lấy những gỗ quý chúa ban cho mà dựng chùa Trường Thọ, nay di tích hãy còn). Mùa thu, tháng 7, mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ. Chúa ăn chay ở vườn Côn Gia một tháng, phát tiền gạo chẩn cấp cho người nghèo thiếu. Phiên vương Thuận Thành là Kế Bà Tử cũng đem con và tướng tá tới hội, chúa ban yến rất hậu, phong cho ba người con là Phù Xác, Phác Xác và Tỳ Thôn Phù tước hầu. Tháng 8, ngày Đinh hợi, hoàng tôn (tức là Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng Đế) sinh.
Hoành phi " LINH THỨU CAO PHONG" đề từ QUỐC CHÚA THIÊN TÚNG ĐẠO NHÂN ĐỀ hiện tại chùa Thiên Mụ
Bia chùa Thiên Mụ có bài Minh văn của Quốc Chúa
Chuông chùa Thiên Mụ có khắc bài Minh của Chúa
- Năm Ất Mùi (1715), mùa hạ, tháng 4, Chúa sai dinh Trấn Biên dựng Văn miếu, giao cho Trấn thủ Nguyễn Phan Long, Ký lục Phạm Khánh Đức trông coi công việc (Miếu ở địa phận hai thôn Bình Thành và Tân Lại huyện Phước Chính, đằng trước kề sông Phước Giang, đằng sau gối núi Long Sơn). Chúa rộng xem kinh sử, vui cùng bút mực, phàm trước tác đề vịnh, đều có ý tứ tự nhiên. Bấy giờ Kinh phi Nguyễn Thị mất, chúa thương nhớ không nguôi, ngự chế bốn bài thơ điệu vong viết trên tường trai phòng:
Bài thứ nhất
[Phiên âm]
Vấn thiên hà sự chiết ngô phi,
Hoa tạ tam cung nguyệt yếm huy.
Bất đặc nữ trung vong khổn phạm,
Hoàn tri kỳ nội thất dung nghi.
Thời đương thất tịch ngân hà ám,
Sầu ký thiên niên giới lộ hy.
Mạn đạo tiếu nhân nhi phụ thái,
Cổ kim thùy cánh thử tình vi?
[Dịch]
Cớ chi trời lại cướp phi ta!
Hoa rụng ba cung bóng nguyệt tà
Chẳng những treo gương trong bạn gái
Lại đầy năm chẳn vắng người hoa
Đêm vừa mùng bảy sông Ngân tối
Sầu để ngàn năm móc hẹ pha
Đừng có cười trò nhi nữ nhé!
Tình này ai dễ tránh từ xưa.
Bài thứ hai
[Phiên âm]
Khứ niên chức nữ nhập song minh,
Khước bị trùng vân tựu địa sinh.
Chế cẩm vị hoàn ti tại trục,
Xuyên trâm tài bãi tuyến phiêu doanh.
Không hoài ngũ dạ Quỳnh lâu địch,
Khởi vọng song xuy Ngọc điện sinh.
Nhất phiến mê ly nghi thử tế,
Uyên ương tú chẩm mộng nan thành.
[Dịch]
Sao Nữ năm qua cửa sổ soi
Làn mây lớp lớp đến che rồi
Gấm dệt chưa xong, tơ lở dở
Kim xâu vừa được, chỉ tơi bời
Sáo lầu Quỳnh canh khuya chạnh nhớ
Sênh điện Ngọc nay dễ thổi đôi?
Mơ hồ tấc dạ ngờ đâu đó
Giấc mộng uyên ương uổng kiếm hoài!
Bài thứ ba
[Phiên âm]
Nội trợ tằng kinh ức ỷ ny,
Duy dư đồng nhữ lưỡng nan kỳ.
Phi nhân mộ sắc tiềm huy lệ,
Chỉ vị tôn hiền trọng phú thi.
Việt hải tuy khoan nan tái hận,
Tẩm lăng nghi cận dị quan bi.
Trường đê thả mạc tài dương liễu,
Hảo đãi thanh minh túng mục thì.
[Dịch]
Dịu dàng nội trợ nghĩ thương âu
Chỉ chúng ta sao khó hẹn nhau
Há vì sắc đẹp rời hàng lệ
Chỉ vị người hiền vịnh mấy câu
Biển Việt dẫu to khôn chở hận
Bia lăng gần đọc để khuây sầu
Đê dài đừng có trồng dương liễu
Đợi tiết thanh minh mắt ngắm lâu.
Bài thứ tư
[Phiên âm]
Nhữ thọ tuy vi, Phước tự trường,
Nhân truyền Phước trạch Nguyễn cung hương.
Phao tư kim ngọc doanh song níp,
Lưu thử nhi tôn mãn nhất đường.
Đối cảnh kỷ hồi hàm biệt lệ,
Liên tài nhất thế động trung tràng.
Kim bằng diệu pháp không vương lực,
Tiến bạt u hồn đạt thượng phương.
[Dịch]
Tuổi thọ ngắn thôi phúc lại dày
Phúc lưu cung Nguyễn ngát hương trời
Quăng di vàng ngọc đầy hai tráp
Để lại cháu con nối vạn đời
Đối cảnh đòi phen cầm giọt lệ
Thương tài một kiếp động lòng ai
Nhờ phép Như Lai mầu nhiệm ấy
U hồn siêu độ thoát luân hồi.
- Năm Bính Thân (1716), mùa thu, tháng 8, sửa chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch. Sai Tả phủ Trịnh Thụ (bấy giờ gọi là Lân quận công) trông coi công việc. Ban cho hoành phi câu đối ngự chế. Bấy giờ trong nước cường thịnh, chúa muốn cử đại quân Bắc phạt. Thấy tướng Trịnh là Lê Thời Liêu trấn Nghệ An, phòng giữ nghiêm mật, bèn mật khiến người khách buôn Phước Kiến là Bình và Quý (hai người đều không rõ họ) sang Quảng Tây, theo ải Lạng Sơn mà vào để dò xem tình hình hư thực ở Bắc Hà. Bình và Quý đến Đông Đô, hỏi biết tình trạng quân quốc binh dân, ở 2 tháng, lại theo đường cũ mà về Quảng Đông.
- Năm Đinh Dậu (1717), mùa xuân, tháng 2, bọn Bình và Quý từ miền Bắc về, đều nói Bắc Hà chưa có thể thừa cơ được, việc bàn Bắc phạt bèn thôi.
- Năm Kỷ Hợi (1719 – Hoàng Lê năm Bảo Thái thứ 1, Đại Thanh năm Khang Hy thứ 59), mùa xuân, tháng 3, chúa đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An, nhân thấy phía tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho. Mùa thu, tháng 9, xa giá trở về.
Hoành phi "LAI VIỄN KIỀU" có đề Quốc Chúa Thiên Túng Đạo Nhân Đề tại chùa Cầu Hội An
- Năm Tân Sửu (1721), mùa xuân, tháng 2, dựng chùa Hoàng Giác ở xã Hiền Sĩ (thuộc huyện Phong Điền). Hiền Sĩ xưa có chùa, nổi tiếng linh ứng, chúa bèn nhân nền cũ, gọi thợ xây dựng, gọi tên là chùa Hoàng Giác, chế biển vàng ban cho. Bấy giờ Nam Bắc nghỉ binh hơn 30 năm, trong cõi yên ổn, trăm họ giàu có đông đúc, người ta gọi là đời thái bình.
- Năm Ất Tỵ (1725) mùa hạ, tháng 4, ngày Mậu tý, Chúa băng, ở ngôi 34 năm, thọ 51 tuổi, con trai con gái 146 người. Hoàng tử cả nối ngôi, đem quần thần dâng tôn thụy là Đô nguyên soái tổng quốc chính Khoan Từ Nhân Thứ Tộ Minh vương. An táng ở núi Kim Ngọc Thế tông Hiếu võ hoàng đế truy tôn làm Anh Mô Hùng Lược Thánh Văn Tuyên Đạt Khoan Từ Nhân Thứ Hiếu minh vương, (truy tôn) phi làm Từ Huệ Cung Thục Kính phi. Năm Gia Long thứ 5 truy tôn làm Anh Mô Hùng Lược Thánh Văn Tuyên Đạt Khoan Từ Nhân Thứ Hiếu Minh Hoàng Đế, miếu hiệu là Hiển tông, lăng gọi là Trường Thanh, (truy tôn) phi làm Từ Huệ Cung Thục Y Đức Kính Mục Hiếu Minh Hoàng Hậu, lăng gọi là Vĩnh Thanh.
Cuộc đời Quốc Chúa là một hình ảnh trọn vẹn về một vị minh quân hành đạo Bồ Tát: yêu nước thương dân, chân tình, mộ đạo…Chúa đã có những bước đi quan trọng bậc nhất trong lịch sử cương vực nước nhà mà tiêu biểu là chính thức xác nhận chủ quyền tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và sáp nhập vùng đất phương Nam vào bản đồ Đại Việt. Chúa đã kế thừa, cũng cố và phát triển văn hóa Nam Hà trở nên rực rỡ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp, cộng đồng dân cư. Chúa đã phát triển Phật giáo và văn hóa Phật Giáo tại Nam Hà đến cực thịnh còn tốt tươi mạng mạch đến ngày nay. Trong lịch sử nước ta, Chúa xứng đáng hậu thế ghi nhận là một vị chúa tài ba, lỗi lạc và có công lớn với sự phát triển và trường tồn của dân tộc Việt Nam.