TẢN MẠN VỀ ĐỒ SỨ KÝ KIỂU THỜI LÊ TRUNG HƯNG - ĐỒ SỨ KÝ KIỂU TRIỀU LÊ – TRỊNH - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

TẢN MẠN VỀ ĐỒ SỨ KÝ KIỂU THỜI LÊ TRUNG HƯNG - ĐỒ SỨ KÝ KIỂU TRIỀU LÊ – TRỊNH - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

TẢN MẠN VỀ ĐỒ SỨ KÝ KIỂU THỜI LÊ TRUNG HƯNG - ĐỒ SỨ KÝ KIỂU TRIỀU LÊ – TRỊNH - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

TẢN MẠN VỀ ĐỒ SỨ KÝ KIỂU THỜI LÊ TRUNG HƯNG - ĐỒ SỨ KÝ KIỂU TRIỀU LÊ – TRỊNH - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

TẢN MẠN VỀ ĐỒ SỨ KÝ KIỂU THỜI LÊ TRUNG HƯNG - ĐỒ SỨ KÝ KIỂU TRIỀU LÊ – TRỊNH - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU
TẢN MẠN VỀ ĐỒ SỨ KÝ KIỂU THỜI LÊ TRUNG HƯNG - ĐỒ SỨ KÝ KIỂU TRIỀU LÊ – TRỊNH - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU
Scroll top

bàn tròn thưởng ngoạn

Liên kết

Tỉ giá

Tỷ giá ngoại tệ Vietcombank ngày :


Thành phố Loại vàng Giá bán Giá mua

TẢN MẠN VỀ ĐỒ SỨ KÝ KIỂU THỜI LÊ TRUNG HƯNG - ĐỒ SỨ KÝ KIỂU TRIỀU LÊ – TRỊNH

01-01-2017

TẢN MẠN VỀ ĐỒ SỨ KÝ KIỂU THỜI LÊ TRUNG HƯNG

(ĐỒ SỨ KÝ KIỂU TRIỀU LÊ – TRỊNH)

Bài viết của Từ Hạnh

Lịch sử nước nhà có những giai đoạn đặc biệt từ chính trị đến văn hóa. Các sử gia đương thời và hậu thế không thể đánh giá dễ dàng và thỏa đáng nhưng lại là một bài học sinh động về mọi khía cạnh cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử dân tộc. Thời Lê Trung hưng là một thời kỳ như vậy.

Bằng võ công oanh liệt, Lê Thái Tổ đã đánh đuổi quân Đại Minh, nối lại đại thống của Đại Việt năm 1428. Bằng những cải cách hiệu quả, Lê Thánh Tông, đã xây dựng một nhà nước pháp quyền, mang lại một thời Hồng Đức thịnh thế. Tuy nhiên, với sự lo xa về về mối quan hệ nhà Trần và Phật giáo, từ Thái Tổ đến Cung Hoàng đã suy tôn Nho giáo là quốc giáo. Nhìn về bề ngoài thì có những thành tựu nhưng bản thân Nho giáo không đủ để đáp ứng trọn vẹn cho đời sống chính trị và tinh thần của dân tộc và đất nước nên dần dần bọc lộ những hạn chế và biểu hiện thành các biến động xã hội từ cung đình đến dân gian. Thấy rõ yếu điểm này, khi nhà Mạc thiết lập đã phần nào khôi phục lại tinh thần Phật giáo. Tuy nhiên, đất nước đã rơi vào một thời kỳ hỗn loạn kéo dài gần 40 năm từ khi Uy Mục lên ngôi đến Cung Hoàng thoái vị (1488 – 1527). Tất cả các thành tựu về kinh tế – xã hội – văn hóa kể cả các ngành thủ công mỹ nghệ của Đại Việt gần như suy thoái ở giai đoạn này. Dù như vậy hào quang của Lê Thái tổ vẫn còn trong lòng của các thân hào, nhân sĩ cũng như người dân nên Nguyễn Kim đã làm cuộc trung hưng mở ra một thời kỳ đặc biệt của lịch sử nước ta.

Thái sư – Hưng quốc công Nguyễn Kim vốn xuất thân từng vọng tộc họ Nguyễn Đại Tông, hậu duệ của Thái tể – Định quốc công Nguyễn Bặc – triều Đinh. Gia pháp – gia lễ của họ Nguyễn mang truyền thống lâu dài, hình thức quy củ và nội lực mạnh mẽ. Nguyễn Kim là cha của Nguyễn Hoàng và cha vợ của Trịnh Kiểm nên Ông là nội tổ của các chúa Nguyễn ở Nam hà và là ngoại tổ của các chúa Trịnh ở Bắc hà. Trịnh Kiểm vốn xuất thân bình dân, nhờ công phò tá, từng cứu chủ tướng trong cơn nguy biến mà được chủ tướng là Nguyễn Kim gã con gái, đào tạo và cất nhắc với vua Trang Tông – triều Lê. Cho nên cả chúa Nguyễn và chúa Trịnh đều ảnh hưởng gia pháp – gia lễ họ Nguyễn trực tiếp từ Nguyễn Kim. Khi tìm hiểu về văn hóa nội điện của Nam hà và nội phủ của Bắc hà có những nét tương đồng là như vậy.

Thái sư – Hưng quốc công Nguyễn Kim từ trần do bị Dương Chấp Nhất đầu độc. Quyền bính của triều Lê trung hưng rơi hết vào tay con rể là Trịnh Kiểm (cùng với Trịnh Kiểm giết chết con trưởng Nguyễn Kim – Nguyễn Uông và con thứ Nguyễn Kim – Nguyễn Hoàng phải tìm cách vào Thuận Hóa nên cái chết của Nguyễn Kim rất có khả năng không chỉ đơn giản như những gì đã ghi chép vì nó mang lợi nhiều nhất không phải cho Dương Chấp Nhất hay nhà Mạc?!). Trịnh Kiểm được phong Thái sư – Lượng quốc công hình thành thể chế lưỡng đầu – vua Lê chúa Trịnh ở Bắc hà hơn hai thế kỷ với 14 đời vua và 11 đời chúa.

Trong giai đoạn này, Đại Minh phương Bắc rơi vào suy thoái bởi nạn quyền thần, thái giám…và sự trỗi dậy mạnh mẽ của tộc Nữ Chân – Mãn Châu – nhà Hậu Kim (tức Đại Thanh sau này) nên không thể can thiệp sâu vào tình hình Đại Việt được. Mặc dù có nội chiến Nam – Bắc triều và Trịnh – Nguyễn phân tranh nhưng kinh tế, văn hóa nước ta ở giai đoạn này phát triển tương đối tốt. Điển lệ trong nội điện – nội phủ được mô phạm. Khi Đại Thanh vượt Sơn Hải Quan tiến vào Bắc Kinh, Hoàng đế Đại Minh – Sùng Trinh tự vẫn, Đại Thanh chính thức thành lập nước mới ở phía Bắc, riêng ở phía Nam còn một vài hoàng thân Đại Minh vẫn cố duy trì, lập nhà Nam Minh. Triều Lê – Trịnh của Đại Việt vẫn giữ quan hệ và xem Nam Minh như một kế thừa chính thống của Đại Minh. Nam Minh cũng biết rõ tiềm lực của Đại Việt đang rất mạnh để tránh việc triều đình Lê – Trịnh ban giao với Đại Thanh đưa họ vào thế lưỡng đầu thọ địch nên họ đã có những động thái hòa nhã và thân thiết với triều Lê – Trịnh. Khi tìm hiểu về đồ sứ ký kiểu, đây là một cột mốc quan trọng. Vì những món đồ sứ thời Nam Minh ghi các niên hiệu thời các tiên hoàng hiển hách của họ đã trở thành những tặng phẩm ngoại giao và tiếp theo là việc chấp thuận việc triều Lê – Trịnh ký kiểu đồ sứ tại các lò ngự ở trấn Cảnh Đức cũng như một số lò danh tiếng ở Quảng Đông. Nhiều tác giả nghiên cứu cho rằng giai đoạn này các lò ngự ở trấn Cảnh Đức do bị ảnh hưởng chiến tranh không hoạt động thì chưa chính xác vì thực ra Quảng Tây – Quảng Đông không chịu ảnh hưởng nhiều của cuộc chiến Minh – Thanh. Việc sản xuất và xuất dương đồ sứ mang lại một nguồn kinh tế không nhỏ cho Nam Minh ở giai đoạn này. Ngày nay, chúng ta vẫn phát hiện được nhiều đồ vớt biển mang những hiệu đề Thành Hóa, Tuyên Đức ... nhưng thực tế sản phẩm của thời kỳ này. Khi Đại Thanh thống trị toàn cõi Đại Minh, họ vẫn tiếp tục áp dụng thông lệ ngoại giao của Nam Minh với triều Lê – Trịnh – Đại Việt như:

  • Phong vua Lê là Quốc Vương
  • Xem chúa Trịnh là Phó Vương
  • Được phép đặt đồ sứ ký kiểu tại các lò ngự

Ở Bắc hà, từ gia lễ của họ Nguyễn đã phát triển dần thành điển lễ của nội phủ chúa Trịnh. Chúa Trịnh đã xây dựng phủ chúa vô cùng tráng lệ. Theo lời mô tả của S. Baron, thương gia Anh Quốc đến Thăng Long năm 1680, thì: “Phủ Chúa ở Trung tâm thành phố Kẻ Chợ. Những dinh thự dành cho người nhà chúa được xây 2 tầng có nhiều cửa mở thoáng đãng. Các cửa đồ sộ, chạm trổ công phu và tất thảy đều làm từ gỗ lim. Các tư thất và cung dành cho phụ nữ đều lộng lẫy, xa hoa, có chạm trổ, sơn son thiếp vàng. Sân trước khu dinh thự có chuồng voi lớn và ngựa tốt, trong sân có nhiều vườn cảnh, khóm cây; lối đi có những chòi tháp nhỏ, ao cá và tất cả những gì chúa giải trí, vui chơi, mặc dù họa hoằn chúa mới đến đây thưởng lãm”. Vườn Ngự uyển ở sau cùng của Vương phủ có nhiều hồ lớn, quanh bờ trồng nhiều cây cảnh kỳ lạ được thu thập từ muôn phương. Đường uốn lượn quanh co, giữa đất bằng có núi non ghép cảnh; lâu đài bên hồ có thạch kiều, liễu rủ; trong vườn có nhiều chim thú lạ. Phủ chúa Trịnh quả đúng là cõi tiên nơi trần tục, khiến Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác miêu tả đầy thán phục trong Thượng kinh ký sự: “Đi tới cổng phủ, quan truyền mệnh dẫn qua hai lần cửa nữa rồi rẽ về phía trái. Tôi ngẩng đầu nhìn, thấy bốn bề tám phía chỗ nào cũng có cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, trăm hoa đua nở, gió thoảng hương trời. Hành lang, lan can quanh co, tiếp nối song song. Người giữ cửa truyền báo lệnh công đi lại tíu tít như mắc cửi. Vệ sĩ canh gác cửa cung, ra vào phải có phù hiệu.... Vòng quanh ước chừng một dặm, nơi nào cũng lầu đài, đình, gác, rèm châu cửa ngọc, ánh nước mây lồng, suốt lối toàn hoa cỏ kỳ lạ, gió thoảng hương trời, thú đẹp chim quý, nhảy nhót bay hót, giữa đất bằng nhô lên ngọn núi cao, cây to bóng mát, nhịp cầu sơn vẽ bắc ngang lạch nước quanh co, lại có lan can toàn bằng đá màu. Tôi vừa đi vừa ngắm, thực chẳng khác gì cõi tiên vậy”. Phủ chúa Trịnh ngày thường đã là bậc kỳ quan kiến trúc nhưng đến ngày lễ hội thì vẻ đẹp xa hoa của nơi đây mới thực sự bộc lộ hết. Nguyễn Án viết trong cuốn Tang thương ngẫu lục: “Mỗi năm đến tết Trung thu, từ trước mấy tháng, chúa phát gấm trong cung ra để làm hàng trăm, hàng nghìn cái đèn lồng, cái nào cũng tinh xảo tuyệt vời, mỗi cái giá đến mấy chục lạng vàng. Đến ngày chúa ngự ra chơi Bắc cung, cung có cái ao gọi là Long Trì rộng nửa dặm. Trong ao trồng rất nhiều hoa sen, hoa súng. Ven ao đắp đất trồng đá làm núi, chỗ cao chỗ thấp, dàn đặt có hình thế. Có những chỗ khuỷu để cho nhạc công ngồi đàn sáo. Bờ ao trồng hàng mấy trăm cây phù dung, treo đèn ở trên. Sóng trăng rập rờn, trông xa tựa hàng vạn ngôi sao sáng...”

Hình 1: Phủ chúa Trịnh (Ảnh trong sách của S. Baron)

Hình 2: Phủ chúa Trịnh - Chúa ngự Long Trì

Việc ký kiểu đồ sứ tại Đại Minh – Đại Thanh được phát triển rất mạnh mẽ. Việc này không chỉ là một văn hóa sử dụng của nội phủ mà còn mang một ý nghĩa chính trị sâu sắc. Triều Lê – Trịnh luôn có một đối thủ nặng cân trong nước, trước là nhà Mạc ở Thái Nguyên, sau là chúa Nguyễn ở Nam hà đang ngày càng hùng mạnh và các phản ứng từ vua Lê khi bị chèn ép quá mức. Các chúa Trịnh đã xem đây cũng là một phương tiện khẳng định tính chính thống và chính danh của mình. Đồ sứ ký kiểu bên cạnh được vẽ những linh vật thể hiện quyền uy như rồng, phụng, lân…thì còn được vẽ cảnh chính trong phủ chúa cùng các quý bà trong nội như mô tả bên trên. Các hiệu đề được viết rất chuẩn mực cho tất cả các hiện vật từ kiểu chữ đến kích thước…thậm chí khoảng cách giữa các chữ.

Quân Tây Sơn trỗi dậy, mở đường cho đại quân Trịnh chiếm đóng Nam hà, tài sản của chính doanh Phú Xuân trở thành chiến lợi phẩm của chúa Trịnh. Sau đó, Tây Sơn, đã ra Bắc hà và để lại một quyền thần Nguyễn Hữu Chỉnh – một yêng hùng thời loạn đã xóa đi quyền hành lẫn phủ chúa với danh nghĩa Lê Chiêu Thống. Sách Hoàng Lê nhất thống chí chép như sau: “Sớm hôm sau, hoàng thượng mới biết là Án đô vương đã trốn đi lúc ban đêm tức thì ngầm sai người phóng hoả đốt hết phủ chúa. Khi phủ cháy, khói lửa bốc lên ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt”. Như thế là ngọc nát, vàng tan, tất gần như hủy trong biển lửa. Tiếp theo sau đó, Tây Sơn ra diệt Nguyễn Hữu Chỉnh rồi đến vua Lê cầu viện Đại Thanh và bỏ chạy – lưu vong với chiến công hiển hách của Hoàng đế Quang Trung qua trận Ngọc Hồi – Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu – 1789. Tất cả thành phế triều, phế tích, những gì còn sót kể cả đồ ký kiểu lại được đưa vào kinh thành Phú Xuân của triều đại mới – triều Tây Sơn. Tháng 9 năm 1792, Hoàng đế Quang Trung băng hà tại kinh thành Phú Xuân, để lại một khoảng trống quyền lực không thể lấp đầy được, giữa lúc mọi mưu toan cũng như mâu thuẫn nội bộ đều chưa thu xếp. Triều Tây Sơn bước vào khủng hoảng về mọi mặt từ chính trị đến kinh tế, từ ngoại giao đến nội trị. Đất nước bước vào một thời kỳ lầm than mới. Khi ấy thế lực Nguyễn Vương (Nguyễn Phúc Ánh) đã lớn mạnh và lấy dần sự chính nghĩa – chính danh. Sau những trận chiến ác liệt cuối cùng thần chiến thắng đã mỉm cười với Nguyễn Vương, giang san đã thu về một mối. Nguyễn Vương lên ngôi Hoàng đế, nối lại đại thống nước nhà, đóng đô tại Phú Xuân, lấy quốc hiệu là Việt Nam, niên hiệu là Gia Long, ban chiếu gia ân không truy cứu hiềm khích xưa với họ Trịnh. Thế là một lần nữa, các đồ ký kiểu của triều Lê – Trịnh lại đổi chủ. Với chính sách khoan dung với họ Mạc, họ Trịnh, tôn kính họ Lê, cùng với việc dâng sách củ, người dân đã dâng của báu vật đang lưu lạc trong dân gian lên tân triều, tất cả xung công và trở thành tài sản quốc gia. Thanh bình được lập được khoảng 50 năm thì thực dân Pháp xâm lược, sau những giằng co đến đêm ngày 4 rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885, Kinh đô Huế thất thủ, quân xâm lược thẳng tay cướp bóc từ Kinh thành đến Đại nội. Sau cùng thì chiến sự cũng tạm vãng hồi ở Trung kỳ với nhiều bất lợi cho triều Nguyễn. Đến cuối tháng 8 năm 1945, nền quân chủ Việt Nam cáo chung, sau đó là chính sách tiêu thổ kháng chiến, rồi kháng chiến trường kỳ, rồi Mậu Thân…rồi đồ vật lưu vong cùng chủ, rồi trộm cắp…Cứ mỗi lần thay chủ đổi ngôi, cứ mỗi lần binh đao loạn lạc… các báu vật lại vơi đi.

Hình 3: Hình ảnh nội thất điện Thái Hòa thời Quân chủ và năm Mậu Thân năm 1968

Hình 4: Ngọ Môn - Huế tan hoang năm Mậu Thân - 1968

Đến nay những gì còn lại là vô cùng quý giá và thật hy hữu vì bên cạnh những giá trị về văn hóa – lịch sử còn có sự trải qua bao dâu bể tang thương, làn tên mũi đạn, dã tâm, thù hằn vô cớ của con người. Chính vì thế, những người đam mê cổ vật biết rõ thật sự các hiện vật sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh còn lại những món nào, tình trạng của chúng như thế nào, thường theo dõi “bước chân” của chúng nên biết chúng đang là “thượng khách” của nhà nào kể cả trong nước lẫn hải ngoại. Đồng thời, xem việc hiện diện của các hiện vật này nói lên phần nào đẳng cấp của người sở hữu chí ít là khả năng tài chính và sự quyết đoán (Riêng với kẻ viết bài này thì còn phải có duyên lớn, phước dày nữa thì mới có cơ hội!).

Ngày nay, khi mà kim tiền lên ngôi, công nghệ phát triển kể cả công nghệ làm hàng giả và công nghệ tạo “hồ sơ giả” cho đồ giả cổ. Các “Nội phủ thị …” tràn lan khắp nơi. Nếu có một thống kê, có thể nhiều hơn cả thời chúa Trịnh còn tại vị!!! Nhưng ở đời, chỉ lo là thật chứ là giả thì đời nào lại không có sơ hở. Người tinh ý nhìn vào các điểm tiểu tiết mà quan trọng sẽ thấy điều thú vị của hiện vật được chào mời với hiện vật chuẩn. Điểm thống nhất của tất cả đồ sứ ký kiểu Lê – Trịnh là hiệu đề. Các chi tiết còn lại qua một số hiện vật như sau:

  • Tô vẽ các quý bà trong vườn ngự: chi tiết quần áo của các quý bà là kiểu Đại Việt; các vật trang trí trên chiếc bàn của quý bà đang ngồi có điểm khác với đĩa cùng họa tiết; thái độ khép nép của hai người phụ nữ đứng còn lại…
  • Các hiện vật vẽ rồng, lân và chữ thọ: chi tiết sừng rồng; đuôi rồng; mức độ uyển chuyển đầu lân so với mình và khác với đầu rồng rất rõ; chữ thọ.
  • Các hiện vật vẽ hoa: chi tiết hoa âm bản; cành vuông góc với mặt đất; cách phân bố các nốt chấm trên thân cổ thụ…
  • Các hiện vật vẽ phong cảnh: cách thể hiện và bố trí các đỉnh núi; các cội cây già; cách thể hiện nước…

     Qua nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu và thưởng ngoạn, cho đến hiện nay, chúng tôi chỉ phát hiện được đúng một hiện vật tạo dáng tô, hiệu đề “內府侍中 – Nội phủ thị trung”, vẽ tích quý bà nơi vườn ngự và hai trẻ nhỏ trong lòng tô, viền bịch vàng rồng là đồ Lê – Trịnh, còn lại các hiện vật thời Lê – Trịnh khác được tạo dáng khác hoặc đề tài trang trí khác. Hay nói cách khác, chúng ta chỉ còn lại đúng một chiếc tô sứ vẽ tích quý bà nơi vườn ngự trong bộ những hiện vật đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh còn lại cho đến hiện nay.

Hình 5: Tô sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh trang trí đề tài Quý bà trong vườn ngự

     Chúng tôi chia sẽ những thông tin này, mong rằng nhận được những góp ý từ các Quý hữu gần xa, để cùng nhau gìn giữ di sản nước nhà và quan trọng không kém là bảo vệ sự trong sáng của việc gìn giữ di sản nước nhà ấy cho nó thật vẹn tròn ý nghĩa cao thượng vốn có.


COPYRIGHT BY ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU
Facebook chat