Thành phố | Loại vàng | Giá bán | Giá mua |
TÔ SỨ KÝ KIỂU XANH TRẮNG TÍCH TAM CỐ THẢO LƯU - HIỆU ĐỀ TRÂN NGOẠN (珍玩) - HOÀNG TRIỀU LÊ - NGUYỄN
Bài viết của Từ Hạnh
Bài thơ đề trên tô là bài vô đề (無題) của Khổng Minh Tiên sinh - Gia Cát Lượng trong đoạn: khi Lưu Huyền Đức đến thảo lư ở Ngọa Long Cương mời Khổng Minh ra làm quân sư cho mình lần thứ ba (Tam cố thảo lư), Khổng Minh sau khi ngủ dậy (không biết ngủ thật hay cố ý giả vờ ngủ) xuất khẩu thành bài thơ này.
大夢誰先覺
平生我自知
草堂春睡足
窗外日遲遲
Phiên âm:
Đại mộng thùy tiên giác
Bình sinh ngã tự tri
Thảo đường xuân thụy túc
Song ngoại nhật trì trì
Tạm dịch:
Mộng lớn vì ai tỉnh
Suốt đời ta tự hay
Lều tranh tròn giấc điệp
Xế xế bóng song ngoài
(Từ Hạnh dịch)
Các chúa Nguyễn rất tôn trọng bậc công thần, hiền sĩ, đặc biệt là quân sư đào duy từ . cuộc hội ngộ của chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên và Đào Tiên sinh là một hình ảnh đẹp về đạo cầu hiền, nghĩa quân thần, tình tri âm ở nam hà, từng được ca ngợi không thua kém tích Tam cố thảo lư của Trung Quốc. thưở hàn vi, đào quân sư có làm bài Ngọa Long Cương Vãn ví mình như Gia Cát Khổng Minh nên sau này các chúa Nguyễn ký kiểu đồ sứ trang trí đề tài này hoặc đoạn trích di cảo của đào quân sư để tưởng nhớ như: trong đĩa đề tài Tư Dung Thắng Cảnh có bài thơ nôm trích từ bài Tư Dung Vãn của Đào quân sư...
Tiền nhân đã ra đi, tháng năm đã phủ đầy bao biến cố lịch sử thịnh suy, nhân tình thế thái,...nhưng những dấu son thưở trước đã đóng băng trong những di vật để hôm nay trở thành tinh hoa di sản văn hóa dân tộc còn mãi cho ngày mai. khi thưởng ngoạn những trân phẩm này ta nghe đâu đây "những buổi ngày xưa vọng nói về" của một thời mở cõi.
Sau đây chúng ta cùng đọc qua Đại Nam Liệt Truyện viết về Đào quân sư:
“Người huyện Ngọc Sơn, Thanh Hóa. Duy Từ là con nhà xướng ca Đào Tá Hán. Sinh ra, Duy Từ thông minh lạ thường, học rộng kinh sử, khéo làm văn, đặc biệt là tinh thông về những môn tượng vĩ thuật số. Đi thi Hương nhà Lê, bị quan trường cho là con nhà xướng ca, không cho vào thi. Duy Từ bực tức quay về. Nghe nói Thái Tổ Hoàng Đế ta yêu dân, trọng sĩ, hào kiệt quy phục, Duy Từ bèn quyết chí vào Nam. Đi đến Vũ Xương, ở hơn một tháng, chưa ai biết là người thế nào. Nghe nói, Thám lý Quy Nơn là Trần Đức Hòa được chúa tin yêu bèn vào Quy Nhơn nương nhờ một nhà phú ông ở xã Tùng Châu làm việc chăn trâu. Một hôm, phú ông đặt tiệc hội họp các danh sĩ, uống rượu ngâm thơ để mua vui, Duy Từ chiều đến hối trâu về cầm roi đứng ở phía trước, cùng các danh sĩ bàn luận cổ kim và kinh sử bách gia, điều gì cũng thông hiểu, cả đám tiệc đều kinh ngạc. Phú ông lấy làm lạ nói với Đức Hòa.
Đức Hòa nói chuyện với Duy Từ, thấy Duy Từ học rộng biết nhiều, đem lòng yêu quý, bèn mời đến nhà dạy học rồi gả con gái cho. Duy Từ thường ngâm một bài Ngọa Long Cương bằng quốc âm để sánh mình với Gia Cát Lượng. Đức Hòa thấy thế nói rằng: "Duy Từ là Ngọa Long ngày nay đấy nhỉ?".
Hy Tông Hoàng Đế năm thứ 14, Đinh Mão (1627) quân ta đánh thắng quân Trịnh ở Nhật Lệ. Đức Hòa nghe tin thắng trận, vào mừng, thong dong lấy trong tay áo ra bài Ngọa long Cương ngâm dâng lên chúa và nói: "Đây là thầy đồ nhà tôi, Đào Duy Từ làm ra". Chúa xem cho là lạ, vội ra lệnh vời vào yết kiến. Vài ngày sau Duy Từ đến yết kiến, chúa mặc áo trắng, đi hài xanh, ra cửa hông để đợi. Duy Từ trông thấy, dừng bước, đứng yên, không vào, chúa biết ý, lập tức mũ áo chỉnh tề rồi mới triệu vào. Duy Từ rảo bước vào lạy. Chúa cùng nói chuyện, bằng lòng lắm. Phán rằng: "Sao khanh đến muộn thế!" Liền phong làm Nha úy Nội tán, tước Lộc Khê hầu, quản quân cơ trong ngoài, tham dự triều chính. Chúa thường triệu vào cung bàn bạc, Duy Từ giãi bày hết cả những điều ấp ủ, biết gì nói hết.
Năm Kỷ Tỵ (1629) mùa đông, Trịnh Tráng muốn xâm lấn miền Nam, trước sai Nguyễn Khắc Minh đem sắc tấn phong chúa làm Thái phó quốc công, giục ra Đông Đô đi đánh giặc. Khắc Minh đến nơi, chúa triệu quần thần đến bàn; Duy Từ nói : "Đó là chúa Trịnh mượn mệnh lệnh vua Lê để nhử ta đấy. Nhận sc mà không đến, thì họ có cớ để trách ta được, nếu không nhận thì tất họ động binh. Việc hiềm khích ngoài biên cương một khi nổ ra, không phải là Phước cho sinh dân! Hơn nữa phía ta, thành quách chưa kiên cố, quân sĩ chưa luyện tập, một khi giặc đến, lấy gì chống được? Chi bằng nay hãy tạm nhận sắc, cho họ không nghi, ta được chuyên tâm sửa sang phòng giữ bờ cõi. Rồi sau dụng kế trả sắc, thì họ không làm gì được ta". Chúa nghe lời Duy Từ, hậu đãi sứ giả rồi cho về.
Duy Từ khuyên chúa đừng nộp lễ cống và phu thuế cho Trịnh. Chúa lấy làm khó nghĩ. Duy Từ tâu rằng: "Thần nghe: dẫu có trí tuệ không bằng thừa thế. Tiên vương ta oai vũ mưu lược không phải không thể chiếm giữ đất này. Nhưng trước kia tam ty thuộc tướng đều do chúa Trịnh thuyên bổ cắt đặt, hễ làm một việc gì đều bị họ ngăn trở, cho nên phải ẩn nhẫn đến nay. Bây giờ chúa thượng chuyên chế một phương, quan liêu đều do mình cắt đặt, một lời nói ra ai còn dám trái? Thần xin dâng một kế sách, hàng năm không phải nộp phu thuế nữa mà vẫn giữ được bờ cõi và có thể thành được đại nghiệp".
Chúa hỏi kế sách thế nào. Duy Từ tâu rằng: "Nay, dựng nghiệp bá vương, cốt phải vẹn toàn. Người xưa nói không nhọc một lần thì không được rảnh lâu, không tốn công một lần thì không được yên mãi. Thần xin lấy quân và dân hai xứ (Thuận Hóa - Quảng Nam) đắp lũy dài, trên từ núi Trường Dục dưới đến bãi cát Hạc Hải, nhân thế đất đặt lũy hiểm cho vững việc phòng bị ngoài biên, quân giặc dẫu đến cũng không làm gì được".
Chúa nghe theo. Năm Canh Ngọ (1630) mùa xuân, điều động cả quân và dân đắp lũy Trường Dục, hơn một tháng, lũy hoàn thành. Duy Từ xin với chúa làm mâm đồng hai lần đáy, để sắc vào trong, trên đặt vàng lụa, phẩm vật rồi sai Tướng thần là Lại Văn Khuông làm sứ đi tạ ân. Duy Từ nghĩ sẵn hơn 10 câu vấn đáp trao cho Văn Khuông đem đi. Văn Khuông đến Đông Đô, Trịnh Tráng triệu vào hỏi, Văn Khuông biện bạch, không chịu khuất, Tráng cho đãi Văn Khuông rất hậu. Văn Khuông bèn đem mâm đồng đựng vàng lụa dâng lên, rồi thừa cơ đi ngay.
Bên Trịnh lúc mở đáy mâm đồng ra, thấy có một đạo sắc và một tờ thiếp rằng "Mâu nhi vô dịch, Mịch phi kiên tích, Ái lạc tâm trường, Lực lại tương địch" (Mâu mà không nách, Mịch chẳng thấy vết, Ái rụng mất tim, Sức tới thì đánh). Tráng đem cho các quan xem, không ai biết nghĩa là gì; duy Thiếu úy Phùng Khắc Khoan biết, nồi rằng: đây là lối nói ẩn ngữ về 4 chữ "dư bất thụ sắc" (Nghĩa là Ta không thụ sắc). Tráng giận lắm, sai người đuổi theo thì Văn Khuông đã đi xa rồi. Tráng muốn phát binh vào đánh, gặp Cao Bằng và Hải Dương có giặc, bèn thôi. Văn Khuông về đến nơi, chúa mừng nói rằng: "Duy Từ là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay", thưởng cho rất hậu. Lại cho Văn Khuông thăng Cai hợp.
Năm ấy mùa đông, Duy Từ khuyên chúa ra quân đánh lấy châu Nam Bố Chính để giữ vững cõi Nam. Chúa bèn sai Nguyễn Đình Hùng đánh úp, chém Tri châu Nguyễn Tịch mà giữ đất ấy, lấy sông Gianh làm giới hạn Nam Bắc. Chọn dân làm lính đặt làm 24 đội thuyền.
Năm Tân Mùi (1631) mùa thu, Duy Từ nói với chúa rằng: "Thần xem từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu thuộc Đồng Hới ngoài có khe ngòi sâu, bùn lầy, dùng để làm hào, trong đắp lũy dài, lại hiểm hơn lũy Trường Dục gấp mười lần". Chúa ngại khó lắm. Duy Từ bèn cáo ốm, mượn thơ từ để ngụ ý khuyên chúa, lời rất tha thiết. Chúa bèn nghe theo, sai Duy Từ cùng Nguyễn Hữu Dật đứng trông coi công việc tính công, thuê dân đắp lũy dài, tục gọi lũy Thầy, tức "Định bắc trường thành" ngày nay. Vài tháng, lũy đắp xong, cao 1 trượng 5 thước, dài hơn 3000 trượng, trở thành một nơi hùng vĩ ngăn cách Nam Bắc. Lại cho làm xích sắt chắn ngang các cửa biển Nhật Lệ và Minh Linh. Duy Từ khéo can ngăn trước khi có việc, Chúa phần nhiều lựa ý nghe theo. Duy Từ thường khuyên chúa lập phép duyệt dân tuyển lính để chọn đinh tráng, làm phép sát hạnh, thi cử để kén lấy nhân tài. Lại nhân mộng thấy hùm xám mọc cánh, dâng Nguyễn Hữu Tiến lên làm tướng (việc này nói rõ ở truyện Nguyễn Hữu Tiến).
Năm Giáp Tuất (1634) mùa đông, Duy Từ ốm nặng, chúa thân đến thăm. Duy Từ khóc, nói: "Thần gặp gỡ thánh minh, chưa báo đáp được một giọt, một tí gì, nay ốm thế này còn biết nói gì nữa". Sau đó Duy Từ mất, thọ 63 tuổi. Chúa thương tiếc mãi, tặng phong Hiệp mưu đồng đức công thần, Đặc tiến Trụ quốc Kim tử vinh lộc đại phu, Thái thường tự khanh Lộc khê hầu, thụy Trung Lương, đưa về táng ở xã Tòng Châu, sai lập đền thờ. Nhiều đời phong thêm là: Vỹ quốc gia mưu Phù vận Tán trị chi thần. Cho lấy thuế đinh phường Đồng Duệ huyện Bồng Sơn làm ngụ lộc. Lại cho 10 người cháu gọi bằng chú bác được miễn thuế thân để coi việc thờ cúng. Gia Long năm thứ 4 (1805) xét sự trạng khai quốc công thần, liệt Duy Từ vào thượng đẳng, cho thờ phụ ở Thái Miếu, cấp 15 mẫu tự điền, 6 người coi mả, ấm thụ cháu nội là Duy Tình làm Cai hợp, được thế tập Đội trưởng, coi giữ việc thờ cúng. Năm Gia Long thứ 9 (1810) cho thờ vào miếu Khai quốc công thần. Minh Mạng năm thứ 12 (1831) truy tặng là Khai quốc công thần, Đặc tiến Vinh lộc đại phu, Đông các đại học sĩ, Thái sư, phong Hoằng quốc công. Năm thứ 17 (1836) sai sở tại sửa sang phần mộ.
Duy Từ có tài thao lược văn võ, phụ chính 8 năm, công nghiệp rỡ ràng, đứng đầu các khai quốc công thần. Tác phẩm có Hổ trướng khu cơ tập và Ngọa Long cương ngâm lưu truyền ở đời. Cháu xa đời là Duy Mẫn, đầu đời trung hưng, làm quan đến Khâm sai Tham tán.”