TÔ SỨ VỊNH TIỀU PHU - CANH NGỌ THỜI GIA LONG - MỘT THÔNG ĐIỆP TRUYỀN NGÔI (PHẦN 1, 2, 3, 4, 5, 6,) - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

TÔ SỨ VỊNH TIỀU PHU - CANH NGỌ THỜI GIA LONG - MỘT THÔNG ĐIỆP TRUYỀN NGÔI (PHẦN 1, 2, 3, 4, 5, 6,) - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

TÔ SỨ VỊNH TIỀU PHU - CANH NGỌ THỜI GIA LONG - MỘT THÔNG ĐIỆP TRUYỀN NGÔI (PHẦN 1, 2, 3, 4, 5, 6,) - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

TÔ SỨ VỊNH TIỀU PHU - CANH NGỌ THỜI GIA LONG - MỘT THÔNG ĐIỆP TRUYỀN NGÔI (PHẦN 1, 2, 3, 4, 5, 6,) - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU

TÔ SỨ VỊNH TIỀU PHU - CANH NGỌ THỜI GIA LONG - MỘT THÔNG ĐIỆP TRUYỀN NGÔI (PHẦN 1, 2, 3, 4, 5, 6,) - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU
TÔ SỨ VỊNH TIỀU PHU - CANH NGỌ THỜI GIA LONG - MỘT THÔNG ĐIỆP TRUYỀN NGÔI (PHẦN 1, 2, 3, 4, 5, 6,) - ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU
Scroll top

bàn tròn thưởng ngoạn

Liên kết

Tỉ giá

Tỷ giá ngoại tệ Vietcombank ngày :


Thành phố Loại vàng Giá bán Giá mua

TÔ SỨ VỊNH TIỀU PHU - CANH NGỌ THỜI GIA LONG - MỘT THÔNG ĐIỆP TRUYỀN NGÔI (PHẦN 1, 2, 3, 4, 5, 6,)

29-01-2017

TÔ SỨ VỊNH TIỀU PHU - CANH NGỌ THỜI GIA LONG - MỘT THÔNG ĐIỆP TRUYỀN NGÔI  

(PHẦN 1)

Bài viết của Nhã Thức

Trong thời quân chủ, việc chọn người kế vị là việc hệ trọng không chỉ của triều đại mà còn liên quan đến vận mệnh đất nước. Từ xưa do ảnh hưởng của Nho giáo và mô hình phong kiến phương Bắc nên “trưởng tử đích tôn” là một tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nước Nam ta, tiêu chuẩn này không mấy được xem trọng mà nhất là từ thời Lê trung hưng về sau.

Ngôi thế tử được gọi là ngôi trừ vị tức người sẽ lên ngôi vua, nối đại thống của đất nước, nắm vận mệnh của dân tộc. Đối với cá nhân đương kim hoàng đế, thái tử là người sẽ tiếp tục thực hiện những nguyện vọng mà hoàng đế tại vị chưa hoàn thành…Có những vị thái tử được chọn trước rất lâu và cũng có những thái tử đến gần lúc băng hà nhà vua mới công bố. Có những thái tử bị bao lần phế lập. Có những thái tử sẽ lên ngôi hoàng đế nhưng có những thái tử cũng mãi mãi là thái tử mà thôi!

Việc chọn thái tử có thể hiểu đó là chuyện riêng của hoàng đế mà cũng có thể hiểu là của triều đình hay nói đúng hơn là của cả đất nước. Chuyện riêng của hoàng đế vì ngôi thái tử truyền theo huyết thống và hoàng đế là người có quyền tối thượng trong thời quân chủ. Chuyện của triều đình hay đất nước vì khi lên ngôi, thái tử sẽ là tân hoàng đế điều hành cả triều đình, cai quản cả đất nước. Việc lựa chọn thái tử liên quan đến an nguy của “xã tắc” là vậy.

Đối với các vị vua khai sáng việc chọn thái tử càng hệ trọng hơn vì tân triều vừa mới lập, lòng dân đâu đã an, ân đức đâu đã thấm nhuần, chính trị đâu đã lan tỏa…Hơn nữa các vị vua đầu triều thường tạo dựng cơ nghiệp bằng võ công nên những khai quốc công thần đâu đã chịu an phận thần tử mà cũng muốn được ảnh hưởng đến tân quân thậm chí thay quyền đại thống. Từ đó, việc lập thái tử là nỗi niềm trăn trở lớn nhất của các vị Cao hoàng đế (vua khai sáng triều đại) và các Ngài luôn dọn sẳn đường cho thái tử nếu có đủ thời gian.

Hôm nay, chúng ta tìm hiểu qua việc Thế tổ Cao hoàng đế triều Nguyễn (vua Gia Long) chọn Thái tử.

Vua Gia Long là một vị vua trải qua trăm cai nghìn đắng suốt 28 năm mới dựng nên nghiệp lớn, nối lại đại thống. Thời Ngài trị vì, đất nước lớn hơn gấp đôi các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, cục diện xã hội thay đổi nhiều cả về kinh tế và văn hóa lẫn tâm linh, tín ngưỡng… Các thế lực đối nghịch đâu đã tiêu tan, lòng dân Bắc Hà vẫn còn hoài niệm nhà Hoàng triều Lê…Nhưng Ngài là vị vua khéo cai trị nên trong suốt thời gian trị vì của Ngài không có loạn lạc hay khởi nghĩa nông dân. Tuy nhiên, các chính sách của Ngài còn mang tính chất an dân chứ chưa có nhũng cải cách mang tính chất sâu rộng. Những ước nguyện đó sẽ đặt lên đôi vai của vị thái tử mà Ngài sẽ chọn. Vua Gia Long là một người mưu lược nên việc chọn thái tử Ngài cực kỳ thận trọng và Ngài cũng có đủ thời gian để thực hiện việc đó một cách thận trọng. 

(Vui lòng xem tiếp Phần 2)

TÔ SỨ VỊNH TIỀU PHU - CANH NGỌ THỜI GIA LONG - MỘT THÔNG ĐIỆP TRUYỀN NGÔI  

(PHẦN 2)

Bài viết của Nhã Thức

Sau đây, chúng ta cùng đọc qua mấy dòng sử liệu liên quan từ sách Đại Nam Thực Lục và Đại Nam Liệt Truyện

  • Năm 1762 (Nhâm Ngọ), vương tôn Nguyễn Phúc Ánh được sinh ra tại Phú Xuân,
  • Năm 1765 (Ất Dậu), vương tử Nguyễn Phúc Luân – cha của Nguyễn Phúc Ánh bị quyền thần Trương Phúc Loan bức tử. Nguyễn Phúc Ánh được đưa vào cung Định Vương – Nguyễn Phúc Thuần đưa vào cung nuôi dạy.
  • Năm 1773 (Quý Tỵ), Tây Sơn nổi lên.
  • Năm 1774 (Giáp Ngọ), đại quân Trịnh tấn công Phú Xuân, vương tôn Nguyễn Phúc Ánh theo Định Vương vào Quảng Nam
  • Năm 1775 (Ất Mùi), vương tôn Nguyễn Phúc Ánh theo Định Vương vào Gia Định, được trao chức Chưởng sự coi quân Tả Dực.
  • Năm 1777 (Đinh Dậu), Tây Sơn tấn công Gia Định. Định Vương băng.
  • Năm 1778 (Mậu Tuất), Chưởng sự - Vương tôn – Nguyễn Phúc Ánh được tôn Đại Nguyên Soái Nhiếp Quốc Chính. Cưới con gái của Ngoại tả Tống Phước Khuông nhũ danh Tống Thị Lan làm vợ
  • Năm 1780 (Canh Tý), Đại Nguyên Soái Nhiếp Quốc chính lên ngôi Vương tại Gia Định. Nguyên Phi Tống thị (tức Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu – Chánh thất của Nguyễn Vương) sinh Vương tử Nguyễn Phúc Cảnh (tức Anh Duệ Hoàng Thái tử).
  • Năm 1782 (Nhâm Dần), Vương tử thứ 2 Hoài Công – Nguyễn Phúc Hy được Chiêu Dung Nguyễn Thị sinh ra. Vương tử thứ 4 Thiệu Uy Công – Nguyễn Phúc Tuấn được Chiêu Dung Lâm Thị sinh ra.
  • Năm 1783 (Quý Mẹo), Tây Sơn chiếm Gia Định và truy sát Nguyễn Vương.
  • Năm 1784 (Giáp Thìn), vương tử Cảnh cùng Giám mục Bá Đa Lộc lên đường cầu viện Pháp. Nguyễn Vương mượn quân Xiêm La đánh Gia Định bị Tây Sơn – Long Nhương Tướng Quân – Nguyễn Huệ đánh đại bại.
  • Năm 1785 (Ất Mão), Nguyễn Vương lưu vong ở Vọng Các – Xiêm La.
  • Năm 1788 (Mậu Thân), Nguyễn Vương lấy lại và khôi phục Gia Định. Bắt đầu ổn định Nam Hà.
  • Năm 1789 (Kỷ Dậu), Bắc Bình Vương – Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung, phá tan quân Thanh. Hoàng triều Lê cáo chung. Vương tử Cảnh trở về lại Gia Định cùng Giám mục Bá Đa Lộc.
  • Năm 1791 (Tân Hợi), Nhị Phi Trần Thị (tức Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu – Vợ thứ 2 của Nguyễn Vương) sinh vương tử thứ 4 là Nguyễn Phúc Đảm (tức Thánh tổ Nhân Hoàng đế - vua Minh Mạng).
  • Năm 1792 (Nhâm Tý), Tây Sơn Thái Tổ Vũ Hoàng đế - Nguyễn Huệ băng hà.
  • Năm 1793 (Quý Sửu), Nguyễn Vương tấn phong Vương tử Cảnh làm Đông Cung – Cảnh Quận công – Tả dinh nguyên soái. Nguyễn Vương giao vương tử thứ 4 cho Nguyên Phi Tống Thị nhận làm con nuôi, Lê Văn Duyệt là giấy khế ước cho việc này. Vương tử thứ 3 – Thiệu Uy Công – Nguyễn Phúc Tuấn mất.
  • Năm 1795 (Ất Mẹo), Vương tử Nguyễn Phúc Đài được Nhị phi Trần Thị sinh ra.
  • Năm 1797 (Đinh Tỵ), Vương tử Nguyễn Phúc Bính được Tiệp Dư Dương Thị sinh ra. Vương tôn Đán – Nguyễn Phúc Đán hay Nguyễn Phúc Mỹ Đường (con của Đông Cung Cảnh Quận Công) được sinh ra.
  • Năm 1798 (Mậu Ngọ), Vương tôn Nguyễn Phúc Mỹ Thùy con của Đông Cung Cảnh Quận Công được sinh ra.
  • Năm 1801 (Tân Dậu), Đông cung Nguyên soái Cảnh Quận Công mất. Hoài Công – Nguyễn Phúc Hy mất.
  • Năm 1802 (Nhâm Tuất), Nguyễn Vương đăng cơ lấy niên hiệu là Gia Long, quốc hiệu là Nam Việt.
  • Năm 1804 (Giáp Tý), Nhà Thanh Phong Việt Nam Quốc Vương, đổi tên nước là Việt Nam.
  • Năm 1805 (Ất Sửu), Truy phong Đông cung Nguyên soái Cảnh Quận Công là Anh Duệ Hoàng Thái tử. Đình thần tâu xin lập Thái tử, vua Gia Long từ chối: “Ta từ thuở nhỏ, gặp vận nhà không may, từng trải mọi gian hiểm mới có ngày nay, khó nhọc mà được, mới phải nghĩ truyền để lâu dài. Thái tử là ngôi vua sau này của nước, chính thống là ở đó. Nay hoàng tử hoàng tôn hãy còn nhỏ, trẫm đương ủy cho thầy dạy, rèn đúc thành tài đức rồi sau chọn kẻ nào hiền mới lập, thế cũng chưa muộn.”.
  • Năm 1806 (Bính Dần), lập Nguyên Phi Tống Thị là Hoàng Hậu.
  • Năm 1809 (Kỷ Tỵ), cử sứ thần sang Đại Thanh: “Sai Tham tri Lại bộ là Nguyễn Hữu Thận sung Chánh sứ tuế cống (hai lần cống năm Đinh mão, năm Kỷ tỵ) sang nước Thanh, Cai bạ Quảng Bình là Lê Đắc Tần, Thiêm sự Lại bộ là Ngô Vị sung Giáp ất phó sứ. (Hành nhân 9 người, lục sự 2 người, thư ký 4 người, điều hộ 1 người, thông sự 2 người, đi theo hầu 15 người). Dụ rằng: “Bọn người vâng mệnh đi sứ, từ lệnh phải cẩn thận cho trọng quốc thể”.”
  • Năm 1811 (Tân Mùi), Tổng trấn Bắc Thành Thành Quận Công Tiền Quân “Nguyễn Văn Thành dâng thư phong kín nói bốn điều: 1) Xin sớm dựng thái tử và phong tước hiệu cho các hoàng tử để yên lòng người. 2) Xin tiến lãm luật thư, khắc bản in mà ban hành để rõ pháp luật. 3) Xin kén thêm nho thần đệ sung Sử cục. 4) Xin chế phục nước Phiên để chốn biên cương được yên. Vua khen và nhận.”
  • Năm 1814 (Giáp Tuất), Thừa Thiên Cao Hoàng hậu băng hà. Vua Gia Long cho Hoàng tử Đảm tế. Nguyễn Văn Thành phản đối. “Sai hoàng tử dâng cơm tế điện. Trước kia hoàng tử thứ tư mới lên 3 tuổi, vua cho hoàng hậu nuôi làm con mình. Hoàng hậu đòi làm giấy khoán (theo thế tục, phàm nuôi con người làm con mình thì phải có khế khoán quá phòng). Vua sai Lê Văn Duyệt viết giấy đưa cho. Hậu giao cho cung tỳ là Nguyễn Thị Lê cất giữ. Từ đấy hoàng tử thứ tư thường vào chầu ở đại nội, làm con của hoàng hậu, thường gọi là mẹ. Đến khi hoàng cả là Cảnh, hoàng hai là Hy, hoàng ba là Tuấn nối nhau mất, hoàng tư lấy thứ bậc là lớn nhất, duy đời trước phái trưởng phần nhiều khó nuôi cho nên không muốn gọi là trưởng. Đến nay làm lễ tang hoàng hậu, bầy tôi có người bàn lấy hoàng tôn Đán (con hoàng tử Cảnh, tức là Mỹ Đường) làm chủ tự. Vua dụ rằng: “Hoàng tư từng làm con của hoàng hậu, đã có giấy tờ, nên sai làm chủ tự, việc lớn của nhà nước không nên câu nệ theo lễ đích tôn thừa trọng như nhà thường”. Nguyễn Văn Thành cho thế thì văn tế khó gọi. Vua bảo rằng: “Con theo mệnh cha tế mẹ là việc danh chính ngôn thuận, có gì mà không nên”. Bấy giờ việc bàn mới định. Nguyễn Văn Thành tỏ ý không bằng lòng.”
  • Năm 1815 (Ất Hợi), “Vua tuổi đã cao mà chưa định người nối ngôi. Hoàng tử thứ tư hiền và lớn hơn cả, vua đã để ý. Bầy tôi đều có lòng theo. Riêng một Nguyễn Văn Thành là người ngạo mạn kiêu căng, muốn được vua nhỏ tuổi, không thích vua lớn tuổi. Một hôm mời các quan trong triều uống rượu ở nhà, nói lên rằng: “Hoàng tôn Đán nối ngôi, tôi sắp tâu xin lập đấy”. Trong đám ngồi không ai dám nói gì. Trịnh Hoài Đức sợ vạ lây mình, bèn nói rằng: “Việc lớn của nhà nước, quyết định do ở lòng vua, nếu người bầy tôi định kế riêng, tham lấy công to thì tội lại lớn”. Văn Thành bèn thôi. Sau có người nói đến tai vua. Vua giận nói rằng: “Hắn muốn dựng vua nhỏ để dễ khống chế, ngày sau có thể chẹt họng vỗ lưng chăng. Ta há tối tăm nhầm lẫn, không biết đắn đo nên chăng, vội nghe lời hắn mà không vì Xã Tắc chọn người sao!”. Từ đó hễ cứ Văn Thành vào yết kiến là chỉ xin dựng thái tử. Vua nín lặng. Văn Thành tự biết không được thỏa ý, càng thêm ngờ sợ.”
  • Năm 1816 (Bính Tý), “Tháng 3 ngày Canh dần, đặt triều nghi ở điện Cần Chánh, triệu bầy tôi đến, đều cho ngồi. Dụ rằng: “Trẫm nay làm việc đã mỏi, rất lo đến kế lớn của Xã Tắc. Thái tử là ngôi trừ nhị (1. trừ nhị: Dự bị để nối ngôi, coi như vị vua thứ hai.  1) của nước, cần phải sách lập để trọng chính thống mà giữ bền gốc nước”. Bèn triệu Thượng thư Lại bộ là Trịnh Hoài Đức đến trước giường ngự, sai viết “Lập hoàng tử Hiệu làm Hoàng thái tử” để đưa cho bầy tôi xem. Vua nói: “Ai đồng ý thì ký tên vào”. Quần thần đều nói: “ý thánh định trước, thực là Phước không cùng của Xã Tắc, bọn thần xin noi theo mệnh lệnh. Vua thung dung dụ rằng: “Cha con truyền ngôi cho nhau là đạo thường xưa nay. Từ đời Hán đời Đường trở xuống, ít người không theo. Hoặc có kẻ nói “đích tôn thừa trọng”, ta thực không hiểu thuyết ấy. Duy có vua Thái tổ nhà Minh mê hoặc theo lời nói của Lưu Tam Ngô mà bỏ con là Yên Vương để lập đích tôn là Doãn Văn, rốt cùng sinh tai vạ. Phàm biết con không ai bằng cha. Nếu vua Thái tổ nhà Minh cho Yên Vương là hiền mà bấy giờ họp ngay đình thần, nói rõ là lập làm thái tử, thì một lời nói ra, ai dám không theo! Như thế thì làm sao sinh loạn được”. Quần thần đều vui phục. Ngày Đinh dậu, đúc ấn vàng sách vàng cho Hoàng thái tử. (Sách dùng 5 tờ vàng, dài 5 tấc 6 phân 6 ly, ngang 2 tấc 2 phân 4 ly, mỗi tờ dầy 2 ly; ấn đúc bằng vàng, núm bằng con rồng ngồi, vuông 2 tấc 4 phân 3 ly, dầy 3 phân 2 ly, khắc bốn chữ triện “Hoàng thái tử bảo”). Sai Đô thống chế Trần Văn Năng, Thượng thư Trịnh Hoài Đức, Tham tri Hoàng Văn Diễn và Nguyễn Khoa Minh coi việc làm sách ấn. Ngày Nhâm dần, dựng cung điện Hoàng thái tử ở phía đông hoàng thành gọi tên là điện Thanh Hòa. Trước điện dựng nhà Đoan bản và cửa Chấn hanh. Sai Đô thống chế Nguyễn Văn Soạn và Tham tri Đoàn Viết Nguyên trông coi công việc. Chế mũ áo và đồ lỗ bộ cho Hoàng thái tử. (Đại triều: mũ dùng lối nhà Đường có bảy con rồng, trang sức bằng vàng và hạt châu; áo dùng áo long bào cổ viền, màu đại hồng; xiêm thêu rồng năm móng, đai bằng vàng chạm rồng; hia và bít tất đủ bộ. Thường triều: Mũ dùng kiểu Xuân thu, trang sức bằng vàng và hạt châu; áo dùng áo tràng vạt cổ trắng, áo mầu xanh, màu lục, màu lam, màu đen tùy dùng; bổ tử thêu rồng năm móng nền vàng; xiêm thêu rồng năm móng; hia và bít tất đủ bộ. Đồ lỗ bộ : kiệu đầu rồng sơn son một cỗ, tám người khiêng,  phất trần 2 chiếc, đèn lồng bằng sa đỏ 2 cái, lò hương, hộp hương đều 1 cái, quạt vuông thêu hoa mầu xanh và mầu đỏ đều 4 cái, tàn tròn cán cong thêu đỏ 1 cái, tàn vuông và tàn tròn cán thẳng mầu đỏ thêu bảy rồng, đều 4 cái, lọng tròn mầu xanh 2 cái, lọng che mưa bằng lụa sơn dầu đỏ 1 cái, cờ thanh đạo, phan truyền giáo, phan giáng dẫn, phan cáo chỉ, phan tín, cờ lệnh, cờ vàng sắc xanh, đỏ, vàng, đen, trắng, đều 2 cái, phan lông chim, búa ngù lông, kích ngù lông, đều 6 cái, gậy kim ngô, búa vàng, trảo đứng, trảo nằm, cốt đóa, đều 4 cái, trống lớn, chiêng đồng, đều hai cái, cáng 1 cái, thắng đai ngựa hai cái, voi lễ 2 con, lọng đỏ 4 chiếc, lọng xanh 6 chiếc, giá chuông và trống ở trước và sau có lông đỏ đều 2 cái. Khi có lễ lớn như tế Giao tế Xã hay Văn miếu và các ngày tiết lớn như Nguyên đán, Đoan dương, Thiên Xuân thì dàn bày theo nghi thức).”. Tháng 6 “Ngày Kỷ mùi, vua ngự điện Thái Hòa, sách lập hoàng tử thứ tư làm Hoàng thái tử, ban sách vàng, ấn vàng. Hoàng thái tử lạy chịu mệnh. Lễ xong, hoàng tử, hoàng tôn, các tôn nhân và văn võ trăm quan bưng sách ấn đến điện Thanh Hòa, đặt ở nhà Đoan Bản. Lời sách rằng: “Trẫm nghĩ: Quẻ Chấn tượng trưng con trai trưởng; móng lân khen ngợi giống hiền minh. Nghĩ để mưu hay cho tử tôn, tất phải cậy ở lệnh tự (1. Lệnh tự: Con nối nghiệp hiền. 1). Hỡi hoàng tử ngươi, tính vốn hiền lành, lượng lại rộng rãi. Đức thông minh giữ nết khiêm cung; lòng hiếu hữu ngày thêm cố gắng. Người hiền tuổi lớn; gánh được việc to. Nghĩ ta: lận đận cõi Nam, chống chèo trăm trận. Kẻ thù chẳng đội trời chung; mở nước Việt cả khu đất rộng. Xiết bao gian khổ mới có ngày nay. Nghĩ Xã Tắc kế sâu; nguyên lương xứng bực. Chí ta đã định, trăm quan đều theo. Thế nên chọn lấy ngày lành kính cáo Tôn Miếu. Dựng ngươi lên làm Hoàng thái tử. Ngươi nên ngày thêm đức tốt chăm lo công việc lâu dài. Để sáng đạo vua tôi cha con, nên công tu tề trị bình (2. Tu tề trị binh: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. 2) mà làm vẻ vang cho mệnh lớn của ta”. Bố cáo khắp trong ngoài. Chiếu rằng: “Nghĩa xuân thu thống nhất, bắt đầu tự chính danh; mưu thánh nhân về sau, trước hết là lập tự. Trẫm cả vâng mệnh sáng, giữ lấy nghiệp to. Nghĩ việc lớn thiên hạ, cần được người đứng đầu. Nay hoàng tử thông minh nhân hiếu, có thể đảm đương việc nặng; chí ta định trước, trăm quan cùng theo. Lấy ngày mồng 9 tháng này, kính cáo Thái miếu, ngày 11 sách lập Hoàng thái tử, để chính căn bản nhà nước, và rõ ràng được kẻ nối ngôi. Ôi! Tuổi đã lớn, đức càng cao, vì thiên hạ được người xứng đáng; biển lại nhuần, sao càng sáng, mừng giang sơn hưởng Phước lâu dài”. Ngày Canh thân, Hoàng thái tử yết liệt miếu và điện Hoàng Nhân. Ngày Quý hợi, các hoàng tử, hoàng tôn, cùng tôn nhân văn võ, dâng biểu chúc mừng. Ngày sau đến điện Thanh Hòa chúc mừng.”.
  • Năm 1817 (Đinh Sửu), Trung Quân Nguyễn Văn Thành tự vẫn bằng thuốc độc chết khi đang xét án liên quan đến tội phản nghịch của con trai Ông là Nguyễn Văn Thuyên.
  • Năm 1820 (Kỷ Mẹo), Tháng Chạp, “Ngày Tân mão, triệu Hoàng thái tử và các hoàng tử tước công và các quan đại thần là bọn Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng vào hầu. Bầy ấn ngọc, cờ, gươm ở trên án vàng trước giường ngự. Dụ Hoàng thái tử rằng: “Đấy là cơ nghiệp gian nan của trẫm, nay giao cho con, con nên cẩn thận giữ gìn”. Hoàng thái tử cùng các công tước và các đại thần đều đến trước tâu rằng: “Trời giúp cho mình thánh ngày còn khỏe mạnh, xin cứ tĩnh dưỡng tinh thần, mà đừng phiền nghĩ”. Vua nói: “Cái này không phải bọn ngươi biết đâu! Phàm truyền ngôi là việc lớn xưa nay, hôm nay còn nói được mà không nói, ngày khác chết thì nói sao cho kịp?”. Nhân gọi Hoàng thái tử đến trước giường dụ rằng: “Nay việc lớn của thiên hạ đã định rồi. Ta cũng sắp chết, không nói gì, chỉ có một việc là ngày sau phải cẩn thận, chớ nên gây hấn ngoài biên”. Sai viết ra. Hoàng thái tử chỉ chừa chữ băng không nỡ viết. Vua nói: “Tuổi trời có mệnh, đế vương đời xưa cũng thế, việc gì phải kiêng”. Bèn cầm bút phê vào.”
  • Năm 1820 (Canh Thìn), Tháng Giêng, “ngày ất mão, đem việc lên ngôi kính cáo ở Giao Miếu Xã Tắc. Ngày Bính thìn, đến điện Hoàng Nhân, lạy chịu ấn vàng truyền quốc và áo bào “Muôn năm nối ngôi”. Canh thìn, năm Minh Mệnh thứ nhất [1820], mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1 Mậu ngọ, vua lên ngôi Hoàng đế ở điện Thái Hoà, đặt niên hiệu và đại xá, ban chiếu cho trong ngoài.”

(Vui lòng xem tiếp Phần 3)

TÔ SỨ VỊNH TIỀU PHU - CANH NGỌ THỜI GIA LONG - MỘT THÔNG ĐIỆP TRUYỀN NGÔI  

(PHẦN 3)

Qua các thông tin từ chính sử triều Nguyễn trên, chúng ta nhận thấy có những điều khá đặc biệt sau:

  • Vua Gia Long là một vị vương tôn lớn lên và trưởng thành trong cảnh nhà tan, nước mất, một lòng mang hoài bão phục quốc/ phục nghiệp. Với tài năng chính trị, quân sự, ngoại giao, quản lý kinh tế…cùng với sự hỗ trợ của nhiều thế lực ở miền Nam, Ngài đã thực hiện thành công mỹ mãn khát vọng chân chính của mình. Như vậy, Ngài là một vị vua hiểu thấu nhân tình thế thái nhất là những mưu toan chính trị.
  • Từ những nhận xét về vua Gia Long, chúng ta có thể đặt ra một số vấn đề sau cần tìm hiểu:
  1. Vì lý do gì Ngài lại yêu cầu vương tử thứ tư Đảm nhận Nguyên Phi Tống Thị làm mẹ mà phải có giấy tờ chính thức và phải do chính Tả Quân Lê Văn Duyệt viết. Trong khi, Nhị Phi Trần Thị vẫn còn sống và khỏe mạnh và vương tử thứ hai Hy, vương tử thứ ba Tuấn lớn tuổi hơn không thực hiện việc này (năm 1793, hai vương tử này đã 12 tuổi). Thời điểm thực hiện việc này cùng năm với việc phong vương tử Cảnh làm Đông Cung.
  2. Truy phong cho Đông Cung Nguyên Soái Cảnh Quận Công làm Anh Duệ Hoàng Thái Tử trước khi tấn tôn Nguyên Phi Tống Thị làm Hoàng Hậu. Nguyên tắc “tứ quý, mẫu vinh” này được áp dụng trong suốt thời Vương triều đến Hoàng triều Nguyễn. Trong tang lễ của Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu Tống Thị thì việc chọn ai chủ tế không còn là chuyện của vua và hoàng thất mà có sự can thiệp của quần thần mà tiêu biểu cho việc chống đối Hoàng tử Đảm chủ tế là Tiền Quân Nguyễn Văn Thành.
  3. Trong quần thần Tiền Quân Nguyễn Văn Thành là người nhiều lần đề nghị tấn phong Hoàng Thái Tử từ năm 1811 và từng bước đế năm 1815 thì bọc lộ rõ là nên chọn Hoàng tôn Đán trong một cuộc họp riêng với các đại thần trọng yếu tại biệt phủ và Trịnh Hoài Đức công khai gạt bỏ chuyện này trước các đại thần .Ngược lại, Lê Văn Duyệt không có bất kỳ một ý kiến nào trong việc này còn Trịnh Hoài Đức thì khẳng định cụ thể đây là chuyện của vua Gia Long.
  4. Năm 1816, vua Gia Long bàn chuyện tấn phong hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm làm Hoàng Thái Tử với sự đồng ý của các Đại Thần và có ký tên chính thức. Lễ tấn phong được thực hiện một cách trang trọng, đầy đủ nghi chế và quy củ. Sau đó, năm 1817, Nguyễn Văn Thành tự tự bằng thuốc độc khi vụ án “văn tự” liên quan đến con ông đang trong giai đoạn điều tra.
  5. Tả quân Lê Văn Duyệt và Thượng thư Bộ lễ Phạm Đăng Hưng cố mạng đại thần khi vua Gia Long băng để nhận di chiếu tôn phò Thái Tử Đảm đăng cơ.

Chúng ta sẽ cùng phân tích các vấn đề trên từ các dữ liệu lịch sử để phần nào làm sáng tỏ hơn những bí ẩn lịch sử của nước nhà, qua đó càng thấy thêm nét ý nhị của người xưa trong cách hành xử.

(Vui lòng xem tiếp phần 4)

TÔ SỨ VỊNH TIỀU PHU - CANH NGỌ THỜI GIA LONG - MỘT THÔNG ĐIỆP TRUYỀN NGÔI  

(PHẦN 4)

Vua Gia Long là nạn nhân tiêu biểu nhất của nạn quyền thần lộng quyền phế lập để thao túng tân triều. Vương quyền của chúa Nguyễn, sự suy vong, hỗn loạn của Nam Hà, Vương tôn Nguyễn Phúc Ánh tan nhà, mất nước…cũng từ đó mà ra. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát lập Vương tôn Nguyễn Phúc Hiệu làm Đông cung nhưng Nguyễn Phúc Hiệu mất sớm, Vương tôn Nguyễn Phúc Dương khi ấy còn bé nên Nguyễn Phúc Khoát không lập, muốn lấy con lớn nhất là Vương tử Nguyễn Phúc Luân làm thế tử. Sau khi Võ Vương băng, quyền thần Trương Phúc Loan giam và bức tử Nguyễn Phúc Luân, lập Nguyễn Phúc Thuần làm chúa Nam Hà. Ba anh em Nguyễn Nhạc lấy cớ “Đánh đổ Trương Phúc Loan và ủng hộ Vương tôn Dương, Lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo" để hiệu triệu dân chúng, phất cờ khởi nghĩa. Quân Tây Sơn đã bắt tay cùng quân Trịnh để quân Trịnh tấn công tiếp quản Phú Xuân. Vương thất nhà Nguyễn phải lên đường tỵ nạn vào Nam và nhiều người bị giết dã man. Nguyễn Phúc Ánh là người hiếm hoi còn sống sót. Khi đó, quân Đông Sơn với sự lãnh đạo của Đỗ Thanh Nhơn đã cứu giá Định Vương và vương thất trong đó có Nguyễn Phúc Ánh. Khi Định Vương và Đông Cung Dương băng, Nguyễn Phúc Ánh đã được các tướng (trong đó có Đỗ Thanh Nhơn) tôn là Đại Nguyên Soái Nhiếp Quốc Chính năm 17 tuổi. Hai năm sau, Ngài chính thức lên ngôi Vương tại Gia Định và phong Đỗ Thanh Nhơn làm Ngoại hữu phụ chính Thượng tướng quân, tước Quận công. Năm sau, Đỗ Thanh Nhơn bị giết vì lộng quyền (Từ đó, Ngài không lập ai ở vị trí “dưới một người mà trên thiên hạ” nữa!). Thế là, Ngài đã gặp hai lần nạn quyền thần khi chưa đầy hai mươi tuổi. Như vậy, đối với vua Gia Long triệt để không để nạn quyền thần xuất hiện là điều cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ triều đại và đất nước. Có thể, Tiền Quân Nguyễn Văn Thành không có dã tâm đó nhưng hành động can thiệp vào việc lập Hoàng Thái Tử phần nào đã làm sống lại bị kịch tuổi thơ trong lòng của vị Hoàng đế phong trần - Gia Long: Mất cha, tan nhà, mất nước… Nên việc lập Hoàng Thái Tử đối với vua Gia Long là một việc vô cùng quan trọng và không thể để bất kỳ nguy cơ nào cho người kế vị cũng như triều đại hay đất nước nhất là tại thời điểm đó có ít nhất ba “nguy cơ” lớn sau:

  • Nạn quyền thần có thể xảy ra khi mà các tướng lãnh “khai quốc công thần” đang có thế lực rất lớn và không ngừng phát triển lực lượng, đứng đầu là: Tiền quân – Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành, Tả Quân – Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt…
  • Sự phát triển của các thế lực người Phương Tây qua các Giáo sĩ mà tiêu biểu là người Pháp lên gia đình của những người theo đạo Gia-tô tiêu biểu là của Hoàng Thái tử Cảnh và gia đình Ông.
  • Ân tình của Hoàng Hậu/ Nguyên Phi Tống Thị cùng họ Tống Phúc ít nhiều làm cho Vua khó xử khi chọn người kế vị không phải là huyết thống của Hoàng Hậu/ Nguyên Phi.

​trong đó hai nguy cơ đầu là liên quan đến tồn vong triều đại và vận mệnh quốc gia.

Từ đó, vua Gia Long đã khéo léo trì hoãn để tranh thủ đào tạo người kế nghiệp và nhẹ nhàng để thông tin này từ từ xuất hiện một cách tự nhiên để tạo nên dư luận chính thống lên các đại thần có ảnh hưởng của triều đình và lần lượt đập tan các mưu toan chính trị bất lợi cho quyết định của mình nhằm dọn đường chính danh và thuận lợi cho người kế vị mà Ngài đã lựa chọn từ rất lâu. 

Hơn nữa, với một người kinh nghiệm và lão luyện như vua Gia Long thì việc lập Hoàng Thái Tử còn là một phép thử cho các ứng viên có triển vọng và cũng là một cách để làm lộ diện những nguy cơ có thể xảy ra để bằng khả năng của mình Ngài sẽ giải quyết nó một cách triệt để nhất có thể trước khi trao “gánh giang sơn” lại cho người kế nghiệp để về cõi vĩnh hằng cùng liệt thánh.

(Vui lòng xem tiếp phần 5)

 

TÔ SỨ VỊNH TIỀU PHU - CANH NGỌ THỜI GIA LONG - MỘT THÔNG ĐIỆP TRUYỀN NGÔI  

(PHẦN 5)

Theo truyền thống gia pháp của nhà Nguyễn, con của Chính thất/ Nguyên Phi/ Hoàng Hậu sẽ được xem xét truyền ngôi trước tiên khi thế tập. Nên có thể vì một lý do sâu xa nào đó (?!), song song với việc lập vương tử Cảnh làm Đông Cung thì Nguyễn Vương cũng cho vương tử thứ tư là Đảm nhận Nguyên Phi Tống Thị làm mẹ có khế ước. Người viết khế ước là Lê Văn Duyệt vì lúc đó Ông là Nội Vệ Úy có nhiệm vụ bảo vệ cung quyến nên được tiếp xúc nội cung. Chính sử không ghi chép rõ về việc tại sao Nguyễn Vương làm việc này một cách bày bản và có chủ đích như vậy. Nhưng chúng ta có thể giải thích việc đó như sau:

  • Vương tử thứ hai và thứ ba đều là con của hai bà Chiêu Dung so với Vương tử thứ tư là con của bà Nhị Phi, nên luận về tuổi thì nhỏ hơn nhưng luận về thế thứ trong nội cung của Nguyễn Vương thì cao hơn.
  • Trong thời loạn thế, việc lo hậu nên chọn người thứ 2 thế tập bên cạnh người chính thức là Đông Cung Cảnh cũng là đều cần thiết. Nhưng chuyện chọn đứa trẻ lên ba cũng là điều khó hiểu.
  • Một điều chính sử không ghi nhận nhưng các tài liệu của các giáo sĩ Gia-Tô vẫn nhắc đến việc Đông Cung Cảnh và gia đình Ông là “con chiên” ngoan đạo. Đạo Gia-Tô thời đó phủ nhận phong tục thờ phụng tổ tiên của người Việt mà điều đó thì mâu thuẫn gay gắt với gia pháp nhà Nguyễn và phong tục ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Mặt khác, Nguyễn Vương ít nhiều vẫn dùng người phương Tây nhưng trong lòng Ngài vẫn có điều e ngại nhất là việc họ sẽ khống chế tân triều qua các giáo sĩ tác động lên người kế vị tương lai. Nên khi lập Vương tử Cảnh là Đông Cung, Nguyễn Vương đã cho các nhà Nho giỏi nhất ở Nam Hà làm Sư phó dạy cho Đông Cung học theo truyền thống: Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức…và có người ghi chép mọi hành trạng của Đông Cung khi học hành trình lên Ngài xem xét. Sách Đại Nam Thực Lục có ghi: “Vua cho rằng Đông cung còn trẻ tuổi, muốn được thái phó thái bảo tốt để giúp, bèn dựng nhà Thái học, đặt một Đông cung phụ đạo, 2 thị giảng, 8 Hàn lâm thị học, 6 Quốc tử giám thị học, mỗi ngày hai buổi họp các quan đốc học ở nhà thái học để giảng bàn kinh sử. Phàm Đông cung nói gì làm gì, thị học phải ghi hết, mỗi tháng một lần tiến lên vua xem, để xem đức nghiệp tiến ích thế nào. Lấy Hàn lâm viện chế cáo là Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định làm Đông cung thị giảng.”. Như vậy, việc phong Đông Cung cho Vương tử Cảnh là một việc còn việc kế vị thì trong lòng Ngài vẫn còn chưa an tâm nên mới có việc cho Vương tử thứ tư nhận Nguyên Phi làm mẹ.
  • Một điều khá mơ hồ nhưng không kém phần thú vị là từ khi Vương tử thứ tư chào đời thì gần như sự nghiệp của Nguyễn Vương luôn thuận lợi, khôi phục được Gia Định và miền Nam,...Và một đối thủ/ kẻ thù lớn nhất của Ngài – vua Quang Trung Nguyễn Huệ băng hà vào năm 1792 và tiếp theo là Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc từ trần vào năm 1793. Phải chăng Ngài đã cảm nhận điều đó?!

(Vui lòng xem tiếp phần 6)

TÔ SỨ VỊNH TIỀU PHU - CANH NGỌ THỜI GIA LONG - MỘT THÔNG ĐIỆP TRUYỀN NGÔI  

(PHẦN 6)

 

Bên cạnh Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Liệt Truyện có đoạn viết về Tiền Quân Nguyễn Văn Thành vào năm 1814, “Trước vua ở ngôi, tuổi đã cao, chưa định người nối ngôi, buổi chầu, vua hỏi Thành rằng nay cháu là Đán còn bé, trong các con ta người nào nên lập làm Thái tử, Thành tâu rằng đích tôn thừa trọng, theo lễ thế là phải, nay bệ hạ muốn chọn người khác, thì biết con chẳng ai bằng cha, việc ấy tôi không dám dự biết. Một hôm, Thành hội triều thần ở nhà nói rằng: Hoàng tôn Đán nên nối ngôi vua, tôi đã tâu xin lập, các quan ở đấy nhưng ai dám nói thế nào, Trịnh Hoài Đức sợ phải tội lây, ngăn trở rằng đấy là việc to của nhà nước, nên tự lòng vua quyết đoán, có phải là việc quân thần nên bàn đâu? Nếu riêng toan định sách, tham công của trời thì tội to lắm. Thành bèn thôi. Tự bấy mỗi khi tiến triều, Thành chỉ xin dựng Thái tử, vua im lặng, Thành càng ngờ sợ”.

Qua đó, ta thấy Tiền Quân Nguyễn Văn Thành có chủ ý xin lập Hoàng tôn Đán làm Hoàng Thái Tử và việc này càng ngày càng rõ ràng hơn sau ngày Hoàng Hậu Tống Thị băng. Còn Tả Quân Lê Văn Duyệt thì không có ý kiến về việc này hoặc chính sử không chép rõ nhưng ở giai đoạn từ năm 1815 đến khi phong Hoàng Thái Tử thì Ông ở Kinh thành. Trịnh Hoài Đức lúc này là Thượng Thư Bộ Lễ, song là tiêu biểu của tầng lớp Nho sĩ Nam Hà vì Ngô Tòng Châu mất năm 1801, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh mất năm 1813 và Ông cũng từng là cấp phó của Tả Quân Lê Văn Duyệt. Còn tầng lớp Nho sĩ Bắc Hà thì thật sự không có tiếng nói quan trọng trong việc này. Như vậy, tiếng nói của Trịnh Hoài Đức rất quan trọng, rất có khả năng nó là tiếng nói đại diện cho nhân sĩ thời đó về mặt xã hội và rất có thể là quan điểm của Tả Quân Lê Văn Duyệt thậm chí Hoàng đế Gia Long. Mặt khác, Trịnh Hoài Đức là người tính tình cương nghị, thâm trầm…nên phần nào cũng hiểu ý hoàng đế và quần liêu đã chọn ai mà khuông phò. Ông lại là Thượng thư bộ lễ kiêm quản Khâm Thiên Giám, người thay vua mà quản lý lễ tiết, thể thống nước nhà mà cũng là người đang theo dõi sự vận hành của “vũ trụ càn khôn” mà báo điều hung cát theo dịch lý, thiên văn nên việc “đích tôn thừa trọng” sẽ không còn ưu thế của phe ủng hộ Hoàng tôn Đán khi mà Hoàng tử Đảm là con chính thống của Hoàng Hậu Tống Thị vì là con nuôi có văn tự. Vì vậy, tiếng nói của Trịnh Hoài Đức là tiếng chuông báo động cho những ai đi ngược lại ý vua biết mà tự quay về để tránh hậu họa. Từ đó, chúng ta nhận thấy việc lập Hoàng tử thứ tư làm Hoàng Thái Tử đã là chủ ý của vua Gia Long từ rất lâu ít nhất là sau khi Đông cung Cảnh băng tuy nhiên Ngài muốn có thời gian để đào tạo và dọn một con đường “trải thảm” cho sự lên ngôi của người kế vị về cả hai phương diện chính thống lẫn dư luận. Thượng thư bộ lễ Trịnh Hoài Đức đã hiểu rất rõ ý này của vua vậy và Tiền Quân Nguyễn Văn Thành hình như Ông không thấy điều đó hay thấy nhưng vì một lý do gì đó mà Ông phải làm ngược lại thì việc này mãi mãi là một nghi vấn khó mà biết được trong hiện tại và thậm chí ở tương lai!

(Vui lòng xem tiếp phần 7)

 


COPYRIGHT BY ĐỒ CỔ CHÍ HIẾU
Facebook chat