Thành phố | Loại vàng | Giá bán | Giá mua |
Trống đồng được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Trống đồng được tìm thấy ở Hòa Bình chủ yếu là trống đồng loại II Heger với các nhóm sớm muộn khác nhau. Niên đại của trống loại II Heger kéo dài từ thế kỷ I đến thế kỷ XVII. Theo thống kê, tỉnh Hoà Bình phát hiện được khoảng trên 100 chiếc trống đồng, trong đó, chiếc trống đồng phát hiện sớm nhất là trống Sông Đà (phát hiện năm 1887), đây là trống loại I Heger và là trống Đông Sơn nhóm A kiểu I, hiện tại chiếc trống này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Guimet (Pháp). Đồng chí Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Trống đồng loại II gắn bó lâu dài với người Mường, phân bố tập trung trên địa bàn cư trú của người Mường. Trống đồng loại II là biểu trưng về sức sống của truyền thống văn minh Đông Sơn, là biểu trưng xác nhận quyền lực của phong kiến Việt Nam đối với các thổ lang Mường; thể hiện tính thống nhất về mặt chính trị Việt - Mường. Trống đồng gắn bó với cuộc sống người Mường. Trống đồng loại II là biểu tượng văn hóa của người Mường, tiêu biểu cho bản sắc Mường. Với những ý nghĩa trên, trống đồng loại II Heger có thể gọi là trống Mường. Hiện nay, trong kho bảo quản của Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ 73 chiếc trống đồng, kho của UBND huyện Kim Bôi lưu giữ 15 chiếc, số còn lại nằm trong kho lưu giữ của một số cơ quan, địa phương trong tỉnh.
Nhìn chung về đặc điểm, hình dáng, trống loại II cơ bản chia làm 3 phần: tang trống hơi phình hình tròn, phần thân và chân đế được ngăn cách bởi một đường gờ nổi. Trống có 4 quai nhỏ, tròn trên phần tang trống. Mặt trống chờm khỏi tang từ 1-3 cm. Đặc biệt, hoa văn trống loại II chủ yếu là hoa văn hình học có tính chất lặp đi lặp lại. Ngôi sao giữa mặt trống thường 8 hoặc 12 cánh nhỏ, cánh sao mảnh, không mập như cánh sao trống loại I. Rìa mặt trống có những khối tượng cóc. Ở đây, cóc là một con vật mà tiếng kêu mỗi khi trời mưa đã trở thành biểu tượng "Con cóc là cậu ông Trời”. Người xưa liên tưởng đến tiếng kêu của cóc với tiếng trống trầm hùng, để mỗi khi hạn hán lại mang trống ra đánh, mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ngoài ra một số trống phát hiện ở Hòa Bình còn có các cặp cóc trong tư thế đang giao hoan. Những cặp cóc này đã bổ sung vào nét đẹp phồn thực của cóc ngoài biểu tượng cầu mưa. Có thể cóc còn mang một sứ mệnh quan trọng là tượng trưng cho mong muốn phồn thực, con đàn cháu đống.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Thị Thi cho biết: Đối với người Mường, trống đồng là cổ vật thiêng, biểu trưng cho quyền lực và sự giàu sang của tầng lớp lang đạo… Ngoài chức năng nhạc khí, trống đồng còn được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, lễ hội và trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, khi người thủ lĩnh bộ lạc kêu gọi mọi người từ khắp nơi tụ về để cùng chiến đấu. Có thể nói, trống đồng vừa làm bạn với người sống, phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần của người sống, vừa làm bạn với người chết và nó còn là vật để tang theo người chết. Trống đồng được phát hiện ở hầu khắp các huyện trong tỉnh. Ngoài một số trống tìm thấy trong các ngôi mộ Mường cổ, còn lại chủ yếu là phát hiện tình cờ khi nhân dân đào mương, làm nhà, làm đường...
Nếu trống đồng Đông Sơn là biểu tượng văn hóa, văn minh Việt Cổ, thì trống đồng loại II có thể được xem là biểu tượng văn hóa của người Mường ở Việt Nam. Trống có vẻ đẹp riêng, với những hoa văn được tạo bằng phương pháp in dập, nhất là hoa văn ô trám, đã biến mặt trống đồng như một bức thảm được dệt hoa văn đẹp, lặp đi lặp lại như hoa văn trên các tấm thổ cẩm của dân tộc Mường Hòa Bình.
Hồng Ngọc